Uốn ván là bệnh lý vô cùng nguy hiểm hiện nay. Một trong những cách hiệu quả giúp phòng tránh căn bệnh này là tiêm phòng vắc xin ngừa uốn ván. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn tầm quan trọng của hoạt động này.
Bạn đang đọc: Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin ngừa uốn ván
1. Sự nguy hiểm của bệnh uốn ván
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván gây ra. Khi xâm nhập vào trong vết thương, trực khuẩn này sẽ giải phóng ngoại độc tố vào máu, tấn công làm cho bệnh nhân gặp tình trạng co cứng cơ và xuất hiện các cơn co giật.
Uốn ván là một bệnh lý nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao, lên đến trên 95% đối với trẻ sơ sinh. Thời kỳ ủ bệnh sẽ kéo dài trong khoảng từ 4 – 21 ngày. Người bệnh có thể tử vong do bị suy hô hấp, ngừng tim và rối loạn thần kinh thực vật.
Trực khuẩn uốn ván có ở khắp nơi trong đất cát, bụi, phân của gia súc (như trâu, bò, ngựa…) và gia cầm, nơi cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không được tiệt trùng kỹ…, xâm nhập vào vết thương, vết trầy xước và phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván. Đặc biệt, trẻ hiếu động khi bị trầy xước bởi các vật dụng gỉ sét (nơi chứa nhiều vi khuẩn) sẽ dễ bị nhiễm bệnh nếu chưa tiêm chủng.
2. Cách phòng ngừa bệnh uốn ván
Bệnh uốn ván có tỷ lệ tử vong rất cao từ 25 – 90%. Đặc biệt, uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh chiếm tỉ lệ tử vong tới hơn 95%. Do đó, trẻ sơ sinh cần được phụ huynh đưa đi tiêm phòng bệnh uốn ván đầy đủ và tiêm mũi nhắc lại đúng lịch để đảm bảo sức khỏe tốt. Hiện nay, vắc xin uốn ván thường được bào chế dưới dạng kết hợp cùng các vắc xin khác để giúp cha mẹ tiện lợi hơn trong việc đưa bé đi tiêm ngừa.
Có thể thấy, tiêm vắc xin uốn ván được xem là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả đối với tất cả mọi người. Bạn cũng nên lưu ý rằng, vắc xin uốn ván không tạo miễn dịch trọn đời, do đó, cần thường xuyên tiêm nhắc lại để đảm bảo hiệu quả tốt.
Tiêm vắc xin uốn ván được xem là cách phòng ngừa bệnh hiệu quả
3. Đối tượng nên tiêm vắc xin ngừa uốn ván
Những nhóm đối tượng sau nên thực hiện tiêm phòng để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh uốn ván:
– Phụ nữ mang thai: Tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai là việc làm quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe của mẹ và bé. Bởi bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có tỷ lệ tử vong hơn 90%. Vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của trẻ thông qua thao tác cắt rốn bằng dụng cụ đỡ đẻ. Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng dễ mắc căn bệnh này do trong quá trình chuyển dạ sinh nở.
– Nông dân: Đây là đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh uốn ván. Bởi môi trường làm việc thường xuyên phải tiếp xúc với bùn đất, phân gia súc, gia cầm,… có chứa rất nhiều vi khuẩn. Trong quá trình làm việc, những vết thương hở tiếp xúc với đất, cát dễ bị nhiễm vi khuẩn uốn ván. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới biến chứng vô cùng nguy hiểm.
– Công nhân xây dựng: Đây cũng là đối tượng cần phải tiêm vắc xin uốn ván để đề phòng các tai nạn nghề nghiệp. Ngoài ra, nên tiêm uốn ván ngay trong 24h cho những người vừa tiếp xúc với yếu tố nguy cơ mắc bệnh cao như kim loại, sắt thép,…
4. Thời điểm nên tiêm phòng vắc xin uốn ván cho từng đối tượng
4.1. Thời điểm tiêm vắc xin ngừa uốn ván đối với trẻ em
Trẻ em cần được tiêm 5 mũi trong các thời điểm dưới đây:
– Trẻ từ 2 – 4 tháng tuổi cần được tiêm 3 mũi vắc-xin 5 in 1 (bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và viêm não do vi khuẩn HIB) hoặc 6 in 1 (bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, HiB, viêm gan B)
– Khi 18 tháng tuổi, trẻ sẽ được tiêm nhắc lại mũi vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván (5 in 1 hoặc 6 in 1)
– Sau khoảng từ 5 – 10 năm, bạn nên tiêm nhắc lại để bảo vệ cơ thể bởi vắc xin uốn ván không giúp tạo ra miễn dịch bền vững suốt đời.
Tìm hiểu thêm: Vắc xin phế cầu của Anh là gì? Phác đồ tiêm chủng ra sao?
Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm vắc xin theo khuyến cáo
4.2. Thời điểm tiêm vắc xin ngừa uốn ván đối với nữ giới ở trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 – 35 tuổi)
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mọi phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ (có thai/ không có thai) đều cần được thực hiện tiêm phòng uốn ván nhằm giúp tạo ra kháng thể để cả mẹ và trẻ sơ sinh được bảo vệ trong trường hợp không may có vi khuẩn uốn ván xâm nhập. Tổng số lần tiêm phòng uốn ván cho nữ giới thuộc độ tuổi sinh đẻ là 5 mũi và nên tiêm nhắc lại mũi thứ 6 nếu thời điểm tiêm mũi thứ 5 đã trên 10 năm. Lịch tiêm phòng uốn ván cụ thể như sau:
– Với nữ giới mang thai lần đầu: Nếu trước đó chưa được tiêm phòng uốn ván hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin/ chưa tiêm đủ liều sẽ được tiêm 2 mũi
– Với phụ nữ mang thai lần hai: Nếu khoảng cách giữa 2 lần mang thai là dưới 5 năm và tiêm đủ 2 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì cần tiêm 1 liều uốn ván khi thai kỳ đủ 24 tuần.
– Trường hợp khoảng cách giữa 2 lần mang thai là trên 5 năm hoặc trước đó mới tiêm 1 liều uốn ván ở lần mang thai trước thì cần tiêm 2 liều uốn ván như mang thai lần đầu.
4.3. Với những người có nguy cơ mắc bệnh uốn ván cao
Những người có nguy cơ cao bao gồm: người làm vườn, người làm việc ở trang trại, nông trường chăn nuôi gia súc và gia cầm; người dọn vệ sinh cống rãnh, chuồng trại; công nhân xây dựng tại các công trình; bộ đội và thanh niên xung phong… nên được thực hiện tiêm miễn dịch 3 liều trong vòng 6 tháng, giúp bảo vệ được 5 năm. Từ sau 5 – 10 năm, họ cần tiêm nhắc lại 1 liều để có tác dụng phòng bệnh.
4.4. Thời điểm tiêm vắc xin ngừa uốn ván đối với người có vết thương
– Nếu đã tiêm miễn dịch cơ bản đầy đủ hoặc được tiêm liều nhắc lại trong 5 năm thì không cần thực hiện tiêm nữa.
– Nếu đã quá 5 năm và nghi ngờ bị uốn ván thì nên tiêm ngay 0,5ml vắc xin
– Nếu tiền sử không rõ thì tiêm 1500 IU huyết thanh kháng uốn ván và 0,5ml vacxin bằng 2 bơm tiêm tại hai vị trí khác nhau. Hai tuần sau, họ cần được tiêm nhắc lại 1 liều vacxin 0,5ml và một tháng sau tiêm liều thứ ba với 0,5ml.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp vị trí tiêm các loại vacxin cho trẻ
Những người có vết thương cần chú ý đi tiêm phòng vắc xin uốn ván
Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn hiểu hơn về việc tại sao cần tiêm vắc xin ngừa uốn ván và những vấn đề liên quan. Để được tư vấn thêm thông tin, bạn đừng ngần ngại liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được giải đáp kịp thời!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.