Bên cạnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ và là mối quan tâm đặc biệt của chị em từ 30 tuổi trở lên. Ở độ tuổi này, chị em thường được khuyến cáo thực hiện sàng lọc định kỳ. Vậy bạn đã biết tầm soát ung thư cổ tử cung để làm gì chưa? Cùng tìm hiểu về vấn đề này sau đây.
Bạn đang đọc: Tầm soát ung thư cổ tử cung để làm gì, như thế nào?
1. Tìm hiểu khái niệm tầm soát ung thư cổ tử cung
Tầm soát ung thư là khái niệm quen thuộc trong y học. Tuy nhiên với đa số, đặc biệt là những người chưa từng tìm hiểu về ung thư thì khái niệm này vẫn còn mới mẻ.
Tầm soát ung thư là phương pháp giúp chẩn đoán, phát hiện các tế bào bất thường trong cơ thể. Đối với ung thư cổ tử cung, sàng lọc sẽ giúp phát hiện các bất thường ở khu vực cổ tử cung của phụ nữ.
Tầm soát ung thư cổ tử cung sẽ bao gồm các kĩ thuật y khoa:
– Khám phụ khoa
– Nội soi cổ tử cung
– Pap smear hoặc Thinprep (kĩ thuật phết tế bào)
Thông thường vào những giai đoạn đầu hình thành ung thư, cơ thể không xuất hiện các biểu hiện rõ ràng, khó nhận biết qua mắt thường. Việc tầm soát sẽ kiểm tra cổ tử cung có xuất hiện tế bào bất thường hay không, từ đó hỗ trợ quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh.
Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là vô cùng quan trọng.
2. Nguyên nhân và nguy cơ gây ra ung thư cổ tử cung
2.1. Nguyên nhân
Các nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung có liên quan đến hành vi tình dục. Nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STIs) khiến các tế bào có khuynh hướng thay đổi, dễ dẫn đến ung thư hơn.
Một số bệnh lý lan truyền qua đường tình dục bao gồm:
– Viêm nhiễm do virus sinh u nhú HPV
– Herpes
– Lậu
– Chlamydia
Trong số đó, HPV có thể gây ra mụn cóc sinh dục và sùi mào gà. Đây là bệnh lý có liên quan chặt chẽ đến ung thư cổ tử cung.
2.2. Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố dẫn đến nguy cơ ung thư cổ tử cung bao gồm:
– Quan hệ tình dục sớm (trước 18 tuổi)
– Có nhiều bạn tình. Hoặc người phụ nữ không có nhiều bạn tình, nhưng chồng/bạn tình của họ có quan hệ với nhiều phụ nữ khác thì họ vẫn có nguy cơ cao ung thư cổ tử cung do nhiễm virus HPV.
– Bản thân hoặc bạn tình mắc bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục
– Hút thuốc lá
– Suy giảm hệ miễn dịch
– Loạn sản ở cổ tử cung, âm hộ hoặc âm đạo
– Bệnh sử gia đình có người mắc ung thư cổ tử cung
– Mẹ đã sử dụng Diethylstilbestrol khi đang mang thai
3. Giải đáp câu hỏi “Tầm soát ung thư cổ tử cung để làm gì”?
3.1. Tại sao cần tìm hiểu tầm soát ung thư cổ tử cung để làm gì?
Ung thư cổ tử cung không chỉ gây ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ mà còn là một trong những nguyên nhân phổ biến gây vô sinh.
Theo ước tính của Hiệp hội Ung thư Hoa Kì về ung thư cổ tử cung vào năm 2023:
– Khoảng 13.960 trường hợp ung thư cổ tử cung xâm lấn mới sẽ được chẩn đoán.
– Khoảng 4.310 phụ nữ sẽ chết vì ung thư cổ tử cung.
Đứng trước một bệnh lý nguy hiểm, việc chủ động tìm hiểu sẽ giúp chị em có thêm kiến thức, chủ động phòng tránh và bảo vệ bản thân hiệu quả.
3.2. Vậy tầm soát ung thư cổ tử cung để làm gì?
Theo tổ chức Y tế thế giới, tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 ca mắc ung thư cổ tử cung và 11 ca tử vong. Tất cả phụ nữ đều có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung ngay từ khi bắt đầu quan hệ tình dục.
Tuy nhiên trên thực tế, diễn biến của ung thư cổ tử cung rất chậm. Quá trình từ những bất thường ban đầu đến khi bị ung thư kéo dài hơn 10 năm. Tầm soát ung thư cổ tử cung đem đến cho bạn cơ hội phát hiện các tổn thương này ở giai đoạn sớm. Từ đó đem lại khả năng điều trị khỏi hoàn toàn căn bệnh ác tính này. Do đó, vai trò của tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là vô cùng quan trọng.
4. Một vài phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung phổ biến
Với sự phát triển của y học, hiện nay tầm soát ung thư cổ tử cung đã trở nên dễ dàng hơn. Một vài phương pháp phổ biến có thể kể đến như:
4.1. Khám phụ khoa
Khám phụ khoa là thực hiện khám trong và ngoài âm đạo giúp phát hiện những dấu hiệu bất thường. Những dấu hiệu này có thể bị gây ra bởi một vài bệnh lý nổi bật như:
– Viêm nhiễm phụ khoa
– Bệnh lây qua đường tình dục
– U xơ
– Ung thư cổ tử cung
4.2. Pap smear
Đây là phương pháp xét nghiệm tế bào âm đạo truyền thống. Pap smear được thực hiện nhanh chóng, đơn giản và không gây đau đớn. Thông qua xét nghiệm, chẩn đoán, bác sĩ có thể phát hiện những tế bào bất thường trước khi chúng phát triển và xâm lấn.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra đối với phương pháp này, hơn 80% các tế bào bị loại bỏ khi phết lên lam kính. Chính vì vậy, tỉ lệ bỏ sót tế bào bất thường khá cao. Ngoài ra với Pap smear, mẫu tế bào sau khi thu thập không được bảo tồn tốt và có nhiều chất nhầy.
Tìm hiểu thêm: Hôi miệng dùng thuốc gì và những lưu ý
Tế bào được phết lên một lam kính trước khi xét nghiệm.
4.3. Cellprep
So với Pap smear, Cellprep là một bước cải tiến vượt bậc. Phương pháp này giúp tăng độ nhạy phát hiện ung thư cổ tử cung đến 70-95%.
Biện pháp lấy mẫu phết tế bào cổ tử cung nhúng dịch đã khắc phục thành công những nhược điểm như chất nhầy, hồng cầu và tế bào viêm. Từ đó giúp phát hiện dễ dàng hơn những tế bào bất thường, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô tuyến.
4.4. Thinprep
Xét nghiệm sàng lọc này được thực hiện trên máy Thinprep tự động và được FDA phê chuẩn năm 1996 để thay thế Pap smear trong chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung.
Máy Thinprep có khả năng tách các tế bào khỏi máu, mủ, cho hình ảnh rõ nét giúp dễ dàng phát hiện những bất thường và tổn thương. Kết quả chẩn đoán chính xác đến 80%. Phương pháp này tăng độ nhạy và đặc hiệu trong phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô tuyến cổ tử cung và giảm tỉ lệ âm tính giả đáng kể.
>>>>>Xem thêm: Cách điều trị ung thư tuyến giáp thể nhú
Sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Thinprep cho ra kết quả chính xác đến 80-90%.
4.5. Xét nghiệm HPV
Xét nghiệm HPV là phương pháp áp dụng kĩ thuật sinh học phân tử để khuếch tán các đoạn gen. Xét nghiệm này có thể phát hiện 16 loại virus HPV dương tính. Nên thực hiện tầm soát lại sau khoảng 3-5 năm nếu bạn có kết quả HPV âm tính. Ngoài ra còn một số phương pháp sàng lọc khác như:
– Soi cổ tử cung
– Soi tươi dịch âm đạo
– HPV định type
Bạn hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn phương pháp sàng lọc phù hợp.
Nếu có nhu cầu thực hiện sàng lọc thì Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI chính là địa chỉ thăm khám lý tưởng dành cho bạn. Tại đây, bạn sẽ được trải nghiệm quy trình thăm khám chuyên nghiệp bao gồm: khám phụ khoa với các bác sĩ hàng đầu và giàu kinh nghiệm; hệ thống máy móc hiện đại giúp thăm khám nhẹ nhàng – an toàn và trả kết quả chính xác trong thời gian sớm nhất, dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp…
Hi vọng qua những thông tin trên, bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi tầm soát sàng lọc ung thư cổ tử cung để làm gì. Hãy chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân bằng việc thực hiện tầm soát định kỳ ngay từ hôm nay.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.