Bệnh lý nhãn khoa tăng nhãn áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở Việt Nam nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Tăng nhãn áp có chữa được không? Câu trả lời là không, bệnh lý nhãn khoa này không chữa được. Tuy nhiên, chúng ta có thể kiểm soát sự tiến triển của nó. Trong bài biết sau, TCI xin chia sẻ một số thông tin cơ bản của tăng nhãn áp, trong đó có cách kiểm soát bệnh lý nhãn khoa này, đọc ngay bạn nhé!
Bạn đang đọc: Tăng nhãn áp: Bệnh lý nhãn khoa không thể chữa khỏi
1. Thông tin tổng quan về tăng nhãn áp
1.1. Khái niệm tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là thuật ngữ y khoa được sử dụng để gọi một nhóm các bệnh lý mạn tính của đầu dây thần kinh thị giác. Nhóm bệnh lý này có đặc điểm chung là đều biểu hiện thông qua ba triệu chứng: Tổn thương thị trường, lõm teo đĩa thị và tăng nhãn áp.
1.2. Phân loại tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp được phân loại thành tăng nhãn áp nguyên phát và tăng nhãn áp thứ phát. Trong đó, tăng nhãn áp nguyên phát là thể phổ biến hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta chỉ bàn về tăng nhãn áp nguyên phát.
Có hai loại tăng nhãn áp nguyên phát là tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát và tăng nhãn áp góc mở nguyên phát. Tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát lại bao gồm tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát nghẽn đồng tử (chia thành ba thể là góc đóng cơn cấp, góc đóng bán cấp và góc đóng mạn tính) và tăng nhãn áp góc đóng không nghẽn đồng tử.
1.3. Nguyên nhân tăng nhãn áp
Hiện tại, nguyên nhân phát sinh tăng nhãn áp vẫn còn là một ẩn số. Tuy nhiên, các chuyên gia đã xác định được một số yếu tố nguy cơ của nhóm bệnh lý nhãn khoa này. Những yếu tố nguy cơ đó là di truyền, tuổi tác, chủng tộc, sử dụng thuốc kháng viêm corticosteroids thời gian dài, chấn thương mắt, tiền sử mắc các bệnh lý nhãn khoa khác như viêm màng bồ đào…, phẫu thuật mắt,…
Sử dụng thuốc kháng viêm corticosteroids thời gian dài là một yếu tố nguy cơ của tăng nhãn áp.
1.4. Dấu hiệu nhận biết các bệnh lý nhãn khoa tăng nhãn áp
Vì có nhiều thể, tăng nhãn áp cũng có nhiều dấu hiệu nhận biết. Tuy nhiên, về cơ bản, chúng ta có thể kể đến ở đây một số dấu hiệu nhận biết phổ biến nhất của tăng nhãn áp như sau:
– Nhức mắt, căng tức mắt, đau hốc mắt thoáng qua: Người bệnh thường không chú ý những triệu chứng này do chúng đến và đi rất nhanh.
– Mờ mắt bất chợt: Một vài bệnh lý nhãn khoa khác cũng có triệu chứng này. Tuy nhiên, người bệnh vừa có triệu chứng này vừa có những triệu chứng trên thì nhiều khả năng là tăng nhãn áp.
– Nhìn thấy hào quang: Người bệnh có thể thấy ánh sáng xanh đỏ khi nhìn vào đèn. Tình trạng này có thể xuất hiện trong một thời gian dài, mỗi lần xuất hiện có thể tồn tại 5 – 6 tiếng.
– Nhức đầu
Ngoài bốn dấu hiệu nhận biết trên, người bệnh tăng nhãn áp còn có thể nhìn thấy đốm sáng hoặc đốm tối nhảy nhót liên tục trước mắt, khó thích nghi sáng – tối, khó chuyển động nhãn cầu, bị thu hẹp tầm nhìn ngoại vi, mắt sưng, đỏ, cứng, buồn nôn và nôn.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu bệnh lý võng mạc tăng huyết áp
Người bệnh tăng nhãn áp thường nhức đầu.
1.5. Biến chứng tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp rất nguy hiểm. Nhóm bệnh lý nhãn khoa này thường làm tổn thương dây thần kinh thị giác không phục hồi, từ đó làm người bệnh suy giảm hoặc mất thị thị lực vĩnh viễn.
2. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Tăng nhãn áp có chữa được không?
Như đã chia sẻ phía trên, tăng nhãn áp không chữa được. Tổn thương chúng gây ra cho dây thần kinh thị giác và thị lực của người bệnh cũng không chữa được. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát nhóm bệnh lý nhãn khoa này. Chính vì vậy, khi có những dấu hiệu nhận biết tăng nhãn áp đã được chia sẻ trong mục 1.4, bạn phải thăm khám với bác sĩ ngay. Sau thăm khám, tùy thể và mức độ tăng nhãn áp cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số thông tin sơ lược về các phương pháp điều trị tăng nhãn áp phổ biến.
2.1. Phương pháp điều trị tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát
Tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát, phổ biến nhất là tăng nhãn áp góc đóng cơn cấp là một cấp cứu nhãn khoa, phải tiến hành khẩn trương. Mục tiêu của cấp cứu là hạ nhãn áp, giảm đau và an thần cho người bệnh. Cấp cứu được tiến hành như sau:
– Thuốc nhỏ: Nhỏ pilocarpin 1 – 2% mỗi giờ một lần. Khi nhãn áp đã hạ, giảm tần suất nhỏ pilocarpin 1 – 2% xuống 3 – 4 lần một ngày.
– Thuốc uống: Uống acetazolamid 0,25g, chia đều 2 – 4 viên trong 24h.
– Thuốc tiêm: Tiêm tĩnh mạch diamox 500 mg x 1 ống, trong trường hợp người bệnh nôn nhiều, không uống được.
Mục tiêu hạ nhãn áp, giảm đau và an thần cho người bệnh nhanh chóng có thể hoàn thành bằng những thuốc trên. Tuy nhiên, để kiểm soát tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát dài hạn, người bệnh vẫn cần phẫu thuật, bằng một trong ba phương pháp là cắt bè củng giác mạc, cấy ghép ống thoát thủy dịch hoặc laser.
2.2. Phương pháp điều trị tăng nhãn áp góc mở nguyên phát
Mục tiêu trong điều trị tăng nhãn áp góc mở nguyên phát là hạ nhãn áp xuống mức không làm tổn thương thị thần kinh và chức năng thị giác. Với mục tiêu này, người bệnh được chỉ định điều trị nội khoa với các thuốc: Nhóm huỷ beta-adrenergic, nhóm cường adrenergic, nhóm cường cholinergic, nhóm prostaglandin. Các thuốc này người bệnh cần sử dụng suốt đời, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ. Người bệnh cũng cần phẫu thuật để điều trị tăng nhãn áp góc mở nguyên phát nếu điều trị nội khoa không phát huy tác dụng.
Dù là tăng nhãn áp góc đóng nguyên phát hay tăng nhãn áp góc mở nguyên phát, người bệnh cũng cần tái khám định kỳ, 2 – 3 tháng một lần. Không tuân thủ yêu cầu này, hiệu quả điều trị tăng nhãn áp nội – ngoại khoa trước đó của người bệnh sẽ trở nên vô nghĩa.
>>>>>Xem thêm: Giải thích tình trạng sụp mí sau cắt mí
Người bệnh cũng cần tái khám định kỳ, 2 – 3 tháng một lần.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi tăng nhãn áp có chữa được không và nhiều thông tin cơ bản khác về nhóm bệnh lý nhãn khoa này. Hy vọng rằng với chúng, bạn sẽ bảo vệ thành công đôi mắt bản thân trước tăng nhãn áp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.