Bệnh thiếu máu não ngày càng phổ biến với số lượng người bệnh cao, và có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Vậy thiếu máu não là gì? Hãy cùng Thú Cúc giải đáp những câu hỏi thường gặp về căn bệnh nguy hiểm này trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Thiếu máu não là gì? Nguyên nhân và triệu chứng
1. Thiếu máu não là gì?
Thiếu máu não (thiểu năng tuần hoàn não) là tình trạng giảm tuần hoàn máu ở não, lượng máu lên não không đủ cung cấp và oxy cho các tế bào não. Từ đó gây ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng não bộ.
Thiếu máu não là bệnh lý phổ biến ở những người cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa khi hiện nay, có rất nhiều người trẻ cũng đang gặp phải các triệu chứng của thiếu máu não.
2. Các dấu hiệu nhận biết người bị thiếu máu não là gì?
Ở mức độ nhẹ, bệnh diễn tiến âm thầm và không có các triệu chứng rõ ràng. Nhiều bệnh nhân chỉ phát hiện được bệnh khi bệnh đã trở nặng.
Một số triệu chứng thường gặp khi bị thiếu máu não là:
2.1. Đau đầu
Đau đầu là triệu chứng thường gặp nhất khi bị thiếu máu não. Cơn đau đầu thường xuất hiện khi chuyển động đầu, vận động, suy nghĩ nhiều hay khi vừa ngủ dậy. Ban đầu chỉ đau đầu khu trú ở một vài vùng nhất định, sau lan ra khắp đầu.
2.2. Hoa mắt, chóng mặt
Đôi khi người bị thiếu máu não có thể bị choáng, chóng mặt và mất thăng bằng. Nếu không có vật để bám hay để tựa thì có thể vấp ngã, dẫn đến các chấn thương khác ở tay chân hay sọ não.
2.3. Ù tai, giảm thính lực
Người bệnh rất dễ bị ù tai ngay kể cả khi ở những nơi yên tĩnh.
2.4. Suy giảm trí nhớ
Các tế bào não bị thiếu oxy và các chất dinh dưỡng nên các chức năng của chúng cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là khả năng ghi nhớ.
2.5. Rối loạn cảm giác
Người bệnh thường có cảm giác tê bì ở 10 đầu ngón tay, nhức mỏi chân tay như có kiến bò và đau mỏi vai gáy.
3. Thiếu máu não nguy hiểm như thế nào?
Theo WHO thống kê, sau các bệnh về tim và ung thư, thiếu máu não là một trong 3 bệnh lý thường gặp nhất gây tử vong.
Lượng oxy não tiêu thụ để hoạt động được bình thường là rất lớn, chiếm đến 1/5 lượng oxy của cơ thể. Vì vậy, chỉ cần 10 giây không được cung cấp oxy, các tế bào thần kinh đã bắt đầu bị rối loạn chức năng. Và sau 4 phút, các tế bào này chết dần và không thể hồi phục, gây ra hiện tượng chết não.
Khi bệnh đã tăng nặng, cơn thiếu máu não đột ngột có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, khiến người bệnh dễ gặp phải tai nạn khi đang vận động hay làm việc. Thiếu máu não cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ, không chỉ gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người bệnh mà còn có thể dẫn đến tử vong.
Tìm hiểu thêm: Thiếu máu não triệu chứng thế nào? Nguyên nhân, cách điều trị
4. Nguyên nhân gây thiếu máu não là gì?
Một số bệnh lý làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não là:
– Xơ vữa động mạch:
80% bệnh nhân thiếu máu não có nguyên nhân từ chứng xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch, giảm dòng máu đưa lên não, từ đó làm giảm oxy và chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tế bào não.
– Thoái hóa đốt sống cổ:
Cùng với xơ vữa động mạch, thoái hóa cột sống cổ cũng là một nguyên nhân thường gặp dẫn đến thiếu máu não. Các đốt sống bị thoái hóa sẽ chèn ép lên mạch máu, ngăn dòng máu đi lên nuôi dưỡng não bộ.
– Cục máu đông trong mạch gây cản trở dòng máu lưu thông
– Dị tật bẩm sinh
– Tăng huyết áp:
Dòng máu tăng áp lực lên thành mạch, lâu dần gây giãn mạch, phình mạch. Khi phình mạch bị vỡ, người bệnh sẽ bị chảy máu não và có nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Ngoài ra, các phình mạch còn tạo điều kiện thuận lợi hình thành mảng xơ vữa trên thành mạch, ngăn dòng máu lưu thông.
– Bệnh tim mạch:
Tim co bóp kém làm ảnh hưởng đến tuần hoàn máu trong cơ thể, đặc biệt là dòng máu đưa lên nuôi dưỡng não bộ.
>>>>>Xem thêm: Chữa bệnh rối loạn tiền đình ở bệnh viện nào tốt?
5. Các yếu tố nguy cơ của bệnh thiếu máu não là gì?
– Tuổi tác:
Do người cao tuổi thường có chức năng hệ tim mạch kém và thường mắc phải nhiều bệnh lý nền.
– Stress:
Khi gặp phải stress, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh ra nhiều gốc tự do gây tổn thương thành mạch. Thành mạch máu sẽ dễ bị bám các mảng xơ vữa và hình thành cục máu đông gây tắc mạch.
– Thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia:
Thói quen này cũng làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối trong lòng mạch, gây thiếu máu não.
– Chế độ dinh dưỡng không hợp lý, đặc biệt nhiều chất béo và thói quen ăn mặn:
Thói quen ăn mặn dễ dẫn đến tăng huyết áp gây giãn mạch. Còn các chất béo nếu xuất hiện quá nhiều trong máu chínhsẽ gây xơ vữa động mạch. Vì chúng chính là thành phần tạo nên các mảng xơ vữa bám vào thành mạch.
– Lười vận động:
Vận động ít làm giảm lưu thông máu ở khắp cơ thể.
– Nằm gối quá cao:
Khi kê gối nằm trên 15cm, các đốt sống cổ bị gập mạnh, chèn ép lên các dầy thần kinh. Lâu dần có thể gây thoái hóa đốt sống cổ gây thiếu máu não. Ngoài ra, các dây thần kinh bị chèn ép lâu ngày gây đau vùng cổ và đau đầu.
6. Cần phòng ngừa bệnh thiếu máu não như thế nào?
– Chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý:
Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ và thói quen ăn mặn. Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu omega như cá hồi, cá tuyết, tảo biển… và các thực phẩm giàu polyphenol như trà, các loại đậu… giúp chống gốc tự do. Hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh. Hạn chế uống các đồ uống có cồn và hút thuốc lá.
– Tập thể dục thể thao thường xuyên:
Tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày
– Khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan.
– Nghỉ ngơi hợp lý, tập luyện các bộ môn giúp giảm stress như yoga hay thiền định…
Thiếu máu não là một mối nguy hiểm tiềm tàng mà tất cả chúng ta cần phải phòng tránh. Để giảm nguy cơ thiếu máu não, chúng ta nên duy trì chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh. Đồng thời, nên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh lý liên quan.