Thỉnh thoảng bị ợ chua có sao không và thời điểm cần thăm khám

Ợ chua là một hiện tượng khá phổ biến, thường xảy ra sau khi ăn uống. Nếu bạn chỉ thỉnh thoảng bị ợ chua thì có thể không đáng lo ngại, tuy nhiên đôi khi đây cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề về sức khỏe cần được chú ý. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao chúng ta bị ợ chua, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và khi nào nên đi khám bác sĩ.

1. Ợ chua là gì?

Ợ chua là hiện tượng khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác nóng rát và vị chua khó chịu ở miệng. Triệu chứng này thường đi kèm với cảm giác đầy bụng, khó tiêu, thậm chí đau ngực. Ợ chua là kết quả của sự suy yếu hoặc rối loạn chức năng của cơ vòng thực quản dưới (LES), một van nằm giữa thực quản và dạ dày. Khi LES không hoạt động bình thường, axit trong dạ dày có thể dễ dàng trào ngược lên thực quản, gây ra hiện tượng ợ chua.

Thỉnh thoảng bị ợ chua có sao không?

Thỉnh thoảng bị ợ chua có thể không đáng ngại nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý cần chú ý.

2. Thỉnh thoảng bị ợ chua nguyên nhân do đâu?

Ợ chua có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ các yếu tố liên quan đến lối sống cho đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn gồm:

– Ăn uống không khoa học: Ăn quá no hoặc ăn quá nhanh có thể khiến dạ dày bị căng và làm tăng áp lực lên cơ vòng thực quản dưới, dẫn đến axit dễ dàng trào ngược.
Các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, cà phê và socola có thể làm giảm khả năng co bóp của LES, làm tăng nguy cơ ợ chua.

– Tư thế không đúng sau khi ăn: Nằm hoặc cúi người sau khi ăn có thể làm tăng áp lực lên dạ dày và đẩy axit trào ngược lên thực quản.

– Thừa cân hoặc béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa có thể tạo áp lực lên dạ dày, làm cho axit dễ dàng trào ngược lên thực quản hơn.

– Thai kỳ: Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong giai đoạn cuối của thai kỳ, thường dễ bị ợ chua do sự thay đổi nội tiết tố và áp lực từ tử cung đang phát triển lên dạ dày.

– Stress: Căng thẳng tinh thần có thể ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ ợ chua.

– Dùng thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc giãn cơ, thuốc ngủ và thuốc chống trầm cảm có thể gây ra hiện tượng ợ chua do ảnh hưởng lên cơ vòng thực quản dưới hoặc làm tăng sản xuất axit dạ dày.

Nguyên nhân gây ợ chua là gì?

Thừa cân béo phì có thể làm tăng áp lực lên dạ dày, khiến axit dễ dàng trào ngược lên thực quản gây ợ chua.

3. Khi nào ợ chua cần đi khám bác sĩ?

Thỉnh thoảng bị ợ chua, đặc biệt sau khi ăn uống không điều độ hoặc ăn phải các loại thực phẩm dễ gây kích thích dạ dày, thường là điều không quá đáng lo ngại. Nếu bạn bị ợ chua vài lần trong tháng và nó tự giảm sau khi thay đổi thói quen ăn uống hoặc dùng thuốc không kê đơn như antacid (thuốc trung hòa axit), thì đây có thể là một phản ứng bình thường của cơ thể.

Tuy nhiên không nên chủ quan trước triệu chứng này vì nó có thể là biểu hiện của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Dưới đây là các trường hợp bị ợ chua mà bạn nên đi khám bác sĩ:

3.1 Ợ chua xảy ra thường xuyên

Nếu bạn bị ợ chua từ 2 – 3 lần mỗi tuần hoặc nhiều hơn trong một khoảng thời gian dài, đó có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD). GERD là một bệnh lý mạn tính có thể gây tổn thương thực quản nếu không được điều trị kịp thời.

3.2 Ợ chua kèm theo các triệu chứng khác

– Đau ngực: Nếu bạn cảm thấy đau hoặc căng tức ngực kèm ợ chua, đặc biệt là sau bữa ăn hoặc khi nằm, đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề tim mạch hoặc GERD. Cơn đau ngực này cần được đánh giá kỹ lưỡng để loại trừ các vấn đề nghiêm trọng.

– Khó nuốt: Cảm giác nghẹn hoặc khó nuốt khi ăn có thể là dấu hiệu thực quản đã bị viêm hoặc tổn thương do axit dạ dày.

– Ho mạn tính: Nếu bạn bị ho dai dẳng mà không rõ nguyên nhân, đặc biệt là vào ban đêm, điều này có thể liên quan đến trào ngược axit.

– Giảm cân không rõ nguyên nhân: Nếu bạn sụt cân mà không có lý do, kèm theo ợ chua, bạn nên đi khám ngay lập tức vì có thể có các vấn đề nghiêm trọng hơn liên quan đến hệ tiêu hóa.

3.3 Ợ chua kéo dài ngay cả khi thay đổi chế độ ăn uống

Nếu bạn đã thay đổi thói quen ăn uống, tránh các thực phẩm gây kích thích mà vẫn bị ợ chua kéo dài, điều này có thể là dấu hiệu của vấn đề cần được can thiệp y tế.

3.4 Sử dụng thuốc giảm triệu chứng nhưng không hiệu quả

Khi các loại thuốc không kê đơn như antacid, H2 blocker hoặc PPI (thuốc ức chế bơm proton) không giúp giảm triệu chứng, bạn cần được bác sĩ kiểm tra để xác định nguyên nhân.

4. Chẩn đoán và điều trị ợ chua như thế nào?

4.1 Chẩn đoán khi thỉnh thoảng bị ợ chua

Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân ợ chua, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi triệu chứng (bao gồm: nóng rát sau xương ức, đắng hoặc chua trong miệng, ho, khản giọng…), tiền sử bệnh, khám lâm sàng hoặc sử dụng phương pháp chẩn đoán khác như:

– Nội soi: Để kiểm tra tình trạng viêm, loét ở thực quản.

– Đo pH thực quản: Theo dõi nồng độ axit ở thực quản trong vòng 24 giờ.

– Đo HRM: Dùng kết hợp để kiểm tra hoạt động của cơ thực quản, đặc biệt là cơ vòng thực quản dưới.

– X-quang: Để đánh giá xem có vấn đề về cấu trúc như thoát vị hoành.

Các phương pháp được chỉ định một cách linh hoạt, phục vụ đắc lực cho việc chẩn đoán các vấn đề liên quan đến triệu chứng ợ chua. Trong đó, đo áp lực thực quản độ phân giải cao (HRM), đo pH thực quản 24 giờ là những kỹ thuật chuyên sâu hiện đang được áp dụng tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc và một số ít bệnh viện ở miền Bắc. Bên cạnh đó các công nghệ nội soi không đau, phương pháp chụp X-quang kỹ thuật số,… cũng đã chứng minh được hiệu quả trong chẩn đoán ợ chua và nhiều vấn đề tiêu hóa khác. Đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm của TCI giúp quá trình chẩn đoán hiệu quả và nhẹ nhàng tối đa.

4.2 Điều trị ợ chua khi thỉnh thoảng bị ợ chua

Điều trị ợ chua bao gồm thay đổi lối sống, sử dụng thuốc và trong trường hợp nặng có thể phẫu thuật.

– Thay đổi lối sống: Tránh ăn các món cay, chua, đồ chiên rán, cà phê, rượu và socola, ăn thành nhiều bữa nhỏ, tránh nằm ngay sau khi ăn, nâng cao đầu giường khi ngủ, giảm cân nếu cần thiết.

– Sử dụng thuốc: Bao gồm thuốc kháng axit (antacid), thuốc chẹn H2 (H2 blockers), thuốc ức chế bơm proton (PPI) để giảm sản xuất axit, thuốc tăng cường co thắt cơ thắt thực quản. Các loại thuốc này cần được kê đơn và sử dụng đúng theo chỉ định đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế tối đa tác dụng phụ.

– Phẫu thuật: Là phương pháp điều trị khi thuốc và thay đổi lối sống không mang lại hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật thường có rủi ro nhất định, người bệnh cần thận trọng và tham khảo bác sĩ khi thực hiện.

Thỉnh thoảng ợ chua có cần thăm khám, chẩn đoán không?

Đo pH thực quản 24 giờ là một trong những phương pháp chẩn đoán ợ chua quan trọng.

Như vậy, thỉnh thoảng bị ợ chua có thể là hiện tượng bình thường, đặc biệt sau khi ăn uống không điều độ. Tuy nhiên, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên hơn hoặc đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng khác, bạn nên đi khám bác sĩ để kiểm tra và điều trị kịp thời. Việc nhận biết sớm và can thiệp đúng cách sẽ giúp bạn tránh được các biến chứng nguy hiểm và bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa của mình.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *