Thoái hóa khớp: Các vị trí thường gặp và biểu hiện

Thống kê cho thấy, tại Việt Nam có 30% người trên tuổi 35 gặp vấn đề về thoái hóa khớp, tỷ lệ này là 60% ở người trên tuổi 65 và 85% người trên tuổi 85. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể và gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh. 

1. Thoái hóa khớp là bệnh gì?

Khớp được cấu tạo gồm sụn khớp và dịch khớp với vai trò làm giảm sự ma sát giữa hai đầu xương. Nhờ đó, các chi, cột sống của chúng ta có thể hoạt động hàng ngày mà không bị tổn thương. Tuy nhiên, cùng với thời gian, sụn khớp dần thoái hóa, bị bào mòn và sần sùi. Chức năng của khớp cũng bị suy giảm khiến khớp không thể vận hành tốt như trước. Không chỉ vậy, các mô xung quanh cũng có thể bị tổn thương, dịch nhầy khớp giảm khiến phần xương dưới sụn bắt đầu biến dạng, xơ hóa và xuất hiện các vết nứt nhỏ. Tất cả các vấn đề này là đặc điểm của thoái hóa khớp.

Thoái hóa khớp là tình trạng gì?

Theo thời gian, lớp sụn khớp dần bị mài mòn, gây thoái hóa các khớp.

2. Các khớp dễ bị thoái hóa

Thoái hóa xương khớp có thể xảy ra và gây ảnh hưởng đến mọi khớp trên cơ thể, trong đó có một số loại phổ biến có thể kể đến như:

2.1 Khớp gối

Khớp gối là vị trí có nguy cơ thoái hóa cao nhất. Thoái hóa khớp gối là tình trạng xảy ra khi lớp sụn quanh khớp gối bị hao mòn, nứt rách hoặc biến dạng. Khi đó phần khớp gối không được bảo vệ nữa, chà xát lên nhau gây đau đớn, sưng viêm, gây giảm khả năng vận động. Nhiều trường hợp nặng hơn, các gai xương có thể hình thành trên khớp gối.

2.2 Khớp cổ tay, bàn tay

Dạng thoái hóa này thường xảy ra người cao tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này là do lượng máu trong cơ thể không đủ để nuôi dưỡng vùng khớp. Tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở các sụn gây giảm khả năng chịu lực trước tác động liên tục và hàng ngày.

2.3 Đốt sống cổ

Thoái hóa đốt sống cổ thường gây ra những cơn đau nhức, khó chịu với nhiều mức độ ở vùng cổ hoặc thắt lưng. Các gai xương hình thành dọc theo cột sống có thể kích thích lên các dây thần kinh, gây đau đớn, tê nhức và ngứa ran ở vị trí đốt sống bị thoái hóa của cơ thể.

2.4 Khớp háng

Thoái hóa sụn khớp háng thường khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại. Bệnh thường khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu vì các cơn đau có thể xuất hiện ở nhiều vị trí khác nhau, như háng, đùi, mông, đầu gối… Đau có thể nhói hoặc buốt nhưng cũng có thể đau âm ỉ và gây cứng phần hông.

2.5 Khớp cùng chậu

Các trường hợp khớp cùng chậu bị thoái hóa thường gây cho người bệnh cảm giác mệt mỏi, đau thắt lưng, hông, cùng với đó là tê bì chân khi ngồi lâu một tư thế. Khớp cùng chậu bị viêm cũng khiến khớp nối xương cụt nằm dưới cột sống thắt lưng và xương cánh trên có cảm giác đau nhức, khó chịu. Tình trạng đau do thoái hóa có thể gặp ở 1 khớp hoặc cả 2 khớp cùng chậu.

2.6 Khớp cổ chân

Thoái hóa khớp cổ chân thường gặp ở người trên 40 tuổi hoặc có tính chất công việc sử dụng cổ chân nhiều như các vận động viên, cầu thủ bóng đá… Ở giai đoạn đầu, bệnh thường tiến triển chậm với các triệu chứng không rõ ràng, khó nhận biết. Nhưng khi bước vào giai đoạn nặng, người bệnh sẽ cảm thấy nặng nề, đau và kém linh hoạt vùng khớp cổ chân khi vận động. Khi người bệnh gắng sức, vận động mạnh hoặc tác động trực tiếp vào vùng khớp bị tổn thương, cơn đau sẽ trở nên dữ dội hơn.

Các vị trí thoái hóa xương khớp thường gặp

Thoái hóa có thể xảy ra ở khớp cổ tay, cổ chân, gây đau đơn, khó chịu cho người bệnh.

3. Nguyên nhân gây thoái hóa khớp

Có nhiều yếu tố tác động gây ảnh hưởng trực tiếp, làm gia tăng nguy cơ thoái hóa các khớp, đó là:

– Tuổi tác: Thoái hóa tại các khớp thường bắt đầu xuất hiện từ độ tuổi 40. Tuổi càng cao, nguy cơ mắc bệnh xương khớp càng lớn.

– Béo phì: Trọng lượng của cơ thể lớn dễ gây áp lực cho hệ thống xương khớp, nhất là đối với các vùng khớp chịu lực nhiều như cột sống và 2 đầu gối. Khi đó dây chằng bị tổn thương, suy yếu dẫn đến thoái hóa khớp.

– Tổn thương khớp: Những người làm việc nặng nhọc, lặp đi lặp lại một động tác hay thường xuyên phải sử dụng nhiều đến khớp sẽ có nguy cơ thoái hóa xương khớp cao hơn so với người bình thường.

– Dị dạng bẩm sinh về khớp: Các dị tật bẩm sinh hoặc bất thường về khớp lúc trẻ có thúc đẩy các khớp thoái hóa sớm và trầm trọng hơn.

– Di truyền: Một số người mang gen di truyền có thể hình thành sụn bị khiếm khuyết thường. Những đối tượng này dễ bị thoái hóa khớp.

– Chấn thương khớp: Luyện tập thể thao quá độ, tai nạn… có thể gây ra các chấn thương ở khớp, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thoái hóa.

– Sinh hoạt sai tư thế, mang vác vật nặng thường xuyên, ngồi hoặc đứng lâu một chỗ, ít vận động.

– Chế độ dinh dưỡng không khoa học, không đảm bảo, đặc biệt là thiếu canxi, glucosamine và chondroitin.

– Mắc các bệnh lý xương khớp khác như loãng xương, nhiễm trùng khớp, viêm khớp dạng thấp…

4. Các giai đoạn của quá trình thoái hoá khớp và triệu chứng nhận diện

4.1 Giai đoạn I của thoái hóa khớp

Ở giai đoạn I, các triệu chứng thường không rõ ràng, rất dễ nhầm với các bệnh đau nhức xương khớp thông thường. Tình trạng thoái hoá thường bắt đầu ở khớp gối, tuy nhiên, tuy nhiên ở mỗi người, biểu hiện bất thường ở các khớp lại khác nhau. Người bệnh thường vẫn có thể đi lại, sinh hoạt bình thường, chỉ đau khi vận động nhiều, đứng lên ngồi xuống hoặc vận động khớp liên tục. Ở giai đoạn này, chưa phát hiện tổn thương bất thường trên phim chụp X-quang.

Chẩn đoán tình trạng thoái hóa tại các khớp

Tùy từng giai đoạn thoái hóa, các triệu chứng bệnh và hình ảnh trên phim chụp X-quang sẽ khác nhau.

2.2 Giai đoạn II

Trong giai đoạn II, các triệu chứng của thoái hoá khớp dần trở nên rõ ràng hơn. Lúc này, lớp sụn tại khớp chưa tổn thương nhiều, phần bao hoạt dịch vẫn đảm nhận tốt chức năng bôi trơn, do vậy, các khớp vẫn hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các gai xương nhỏ bắt đầu hình thành, chạm vào mô trong khớp khi vận động và khiến người bệnh cảm thấy đau. Các khớp trở nên đau và cứng hơn mỗi khi thời tiết trở lạnh hoặc khi mới ngủ dậy. Quan sát trên phim chụp X-quang có thể thấy sụn khớp đã bắt đầu hao mòn đi, dẫn tới các khe khớp hẹp hơn. Đồng thời có thể xuất hiện hình ảnh gai xương.

2.3 Giai đoạn III của thoái hóa khớp

Tới giai đoạn III, tổn thương do thoái hoá bắt đầu nặng hơn, tác động nhiều hơn tới người bệnh. Bệnh nhân có thể cảm thấy rõ các cơn đau, cứng khớp hay khó chịu trong khi sinh hoạt, tập thể dục – thể thao hàng ngày. Sụn khớp bị bào mòn và có thể vỡ ra, xương dưới sụn dày lên, lồi ra bên ngoài, u thành cục. Các mô khớp có thể tiết ra chất lỏng hoạt dịch gây viêm, sưng, tình trạng này gọi là viêm bao hoạt dịch. Trên phim chụp X-quang có thể thấy khe khớp hẹp rõ, xuất hiện nhiều gai xương dạng vừa, sụn khớp bị bào mòn nhiều.

2.4 Giai đoạn IV

Đây là giai đoạn cuối và viêm khớp nghiêm trọng nhất, các triệu chứng thoái hóa khớp xuất hiện rõ ràng. Người bệnh có thể cứng khớp, viêm, đau nhức, gặp khó khăn khi vận động, di chuyển. Hình ảnh X-quang cho thấy khe khớp hẹp nhiều, nhiều gai xương kích thước lớn, các đầu xương khớp bị bào mòn hoàn toàn hoặc đáng kể. Ở giai đoạn này, nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp những biến chứng nguy hiểm, bao gồm tàn phế.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *