Thoái hóa khớp gối là bệnh lý khá phức tạp và gây tác động không nhỏ tới đời sống cũng như sinh hoạt của người bệnh. Vậy nguyên nhân nào gây nên bệnh lý này và làm sao để nhận biết? Xem ngay bài viết để tìm hiểu thoái hóa khớp gối là gì và biết thêm những thông tin xoay quanh bệnh lý này bạn nhé!
Bạn đang đọc: Thoái hóa khớp gối là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu bệnh lý
1. Giúp bạn làm rõ: Thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối là tình trạng tổn thương phần sụn khớp đi kèm với phản ứng viêm và giảm thiểu lượng dịch khớp do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp bù vào lớp sụn đã mất theo thời gian.
Thoái hóa khớp gối là bệnh lý diễn ra âm thầm nên nhiều người không phát hiện kịp thời. Bệnh lý này thường gặp nhất trong hơn 100 loại tổn thương viêm khớp. Theo thống kế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), giai đoạn những năm 2011 đến 2020 cho thấy tình trạng thoái hóa khớp tại Việt Nam đang có dấu hiệu trẻ hóa: Có tới 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 85 tuổi mắc các vấn đề liên quan đến khớp.
Thoái hóa khớp gối sẽ bao gồm 2 loại chính: Thoái hóa do chấn thương và thoái hóa do một số bệnh lý gây nên (đa phần các ca thoái hóa khớp gối đều do bệnh lý, đặc biệt là ở độ tuổi trên 50). So với nam giới thì bệnh lý này dễ gặp hơn ở nữ giới (chiếm tới 70% các ca bệnh).
Bệnh lý thoái hóa khớp gối gây đau kéo dài, làm biến dạng khớp gối cũng như suy giảm chức năng sinh hoạt hàng ngày và gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. Nếu không điều trị dứt điểm thì thoái hóa khớp gối có khả năng gây teo cơ, mất khả năng vận động thậm chí là tàn phế.
Bệnh lý thoái hóa khớp gối gây đau kéo dài và làm biến dạng khớp gối cũng như suy giảm chức năng sinh hoạt hàng ngày
2. Nguyên nhân và dấu hiệu của thoái hóa khớp gối
2.1. Nguyên nhân của thoái hóa khớp gối là gì?
Thoái hóa khớp gối gây nên bởi rất nhiều những nguyên nhân khác nhau. Những nguyên nhân này bao gồm:
– Do tuổi tác: Tuổi càng cao khiến cho quá trình tổng hợp của sụn ngày càng bị suy giảm. Mặt khác, sau độ tuổi trưởng thành những tế bào sụn cũng không có nhiều khả năng sinh sản và tự tái tạo.
– Giới tính: Phụ nữ trong độ tuổi từ 55 trở lên thường có nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối cao hơn so với nam giới. Nguyên nhân được lý giải là do thói quen đi giày cao gót ở nữ giới và do dây chằng trước của nữ yếu hơn so với nam.
– Do thừa cân hoặc béo phì: Thừa cân sẽ gây nên áp lực đối với khớp gối khiến sụn khớp nhanh hao mòn và theo thời gian sẽ bị hỏng dần.
– Do chấn thương: Rủi ro chấn thương có khả năng làm gãy xương bánh chè, giãn hoặc đứt dây chằng,… điều này sẽ khiến cho sụn bị tổn thương một cách nghiêm trọng. Nếu như người bệnh không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới lệch trục khớp và gây thoái hóa.
– Do vận động không đúng cách: Lao động quá sức hay tập luyện thể dục thể thao không đúng cách đều là nguyên nhân gây nên thoái hóa khớp gối.
– Lạm dụng thuốc corticoid: Corticoid thường được sử dụng trong điều trị các bệnh chống dị ứng, kháng viêm và làm ức chế miễn dịch. Tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều sẽ gây nên thoái hóa khớp.
– Do chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu lành mạnh: Ăn uống không đủ chất, sử dụng nhiều rượu bia, thức uống có gas,… quá nhiều sẽ khiến cho sụn khớp dễ dàng bị phá hủy.
Ngoài ra, một số các yếu tố khác cũng có nguy cơ gây thoái hóa khớp gối như hệ miễn dịch bị phá hủy, do biến dạng xương, do một số bệnh lý (viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, bàn chân bẹt,…).
Tìm hiểu thêm: Viêm cơ mạn tính chữa được không?
Người già có tỷ lệ mắc thoái hóa khớp gối cao hơn so với giới trẻ
2.2. Dấu hiệu của thoái hóa khớp gối là gì?
Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn nhận biết thoái hóa khớp gối:
– Đau khớp gối, cơn đau sẽ tăng dần khi vận động hoặc khi chuyển từ tư thế ngồi sang đứng. Mới đầu sẽ xuất hiện những cơn đau nhức ở đầu gối, lâu dần những cơn đau này sẽ tăng lên và kéo dài ra.
– Khô khớp gối và khó cử động và mất linh hoạt sau khi ở yên một chỗ.
– Khớp gối xuất hiện tình trạng sưng to.
– Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O, chữ X) hoặc người bệnh có thể bị mất chức năng vận động.
>>>>>Xem thêm: Viêm xương chậu ở nữ giới dễ gây biến chứng nguy hiểm
Người mắc thoái hóa khớp gối sẽ xuất hiện tình trạng đau khớp gối, cơn đau sẽ tăng dần khi vận động
3. Biện pháp phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Nếu không biết cách phòng ngừa từ sớm chúng ta có thể vô tình trở thành thủ phạm làm đẩy nhanh diễn tiến của thoái hóa khớp gối. Vậy nên phòng ngừa bệnh lý này như thế nào?
– Tập thể dục đều đặn và đúng cách tránh những tác động quá mạnh và đột ngột.
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung các thực phẩm giàu canxi và khoáng chất. Nên tránh ăn những thực phẩm giàu chất béo đồng thời không sử dụng rượu bia và các loại chất kích thích thần kinh gây nên co cứng cơ.
– Kiểm soát cân nặng tránh tình trạng thừa cân và béo phì.
– Xoa bóp khớp gối vào mỗi buổi sáng hoặc chiều. Việc này sẽ giúp cơ bắp thư giãn và lưu thông mạch máu.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ và chủ động tìm hiểu những kiến thức liên quan đến bệnh xương khớp.
Thoái hóa khớp gối là một trong những tác nhân hàng đầu gây nên tàn phế. Do đó, bạn không nên chủ quan, nếu phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường hãy đi khám ngay trước khi xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng bạn nhé.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.