Thoát vị bẹn nghẹt là một biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh lý thoát vị bẹn. Bệnh có thể khiến các tạng trong túi thoát vị bị ngoại tử vì không được cung cấp đủ máu. Thoát vị bẹn nghẹt cần phải được phát hiện và xử lý ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Bạn đang đọc: Thoát vị bẹn nghẹt: mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị
1. Thoát vị bẹn nghẹt là gì?
Thoát vị bẹn là hiện tượng khi các tạng ở trong ổ phúc mạc di chuyển khỏi vị trí vốn có, đi qua điểm yếu của thành bụng xuống bẹn tạo thành khối phồng ở vùng bẹn.
Thông thường khối thoát vị xuất hiện khi áp lực trong ổ bụng tăng lên và tự động biến mất khi người bệnh nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp các tạng ở trong túi thoát vị bị xoắn lại với nhau và bị đè ép, thắt nghẽn lại ở cổ túi thoát vị không di chuyển được trở lại vào ổ phúc mạc. Hiện tượng này được gọi là thoát vị bẹn nghẹt.
Thoát vị bẹn nghẹt cần phải được chẩn đoán và xử lý ngay. Bởi nếu sau khoảng từ 6-12 tiếng, các tạng trong túi thoát vị sẽ bị hoại tử do ứ trệ tuần hoàn hoặc gây viêm phúc mạc, tắc ruột, nhiễm trùng nhiễm độc do hoại tử các tạng (ruột, mạc nối, buồng trứng, vòi trứng), và những rối loạn toàn thân.
2. Nguyên nhân gây thoát vị nghẹt
Thoát bị bẹn nghẹt xảy ra do các nguyên nhân sau:
– Áp lực trong ổ bụng tăng một cách đột ngột như nâng vật nặng, ho mạnh… làm tạng chui qua lỗ thoát vị nhanh và đột ngột dẫn tới nghẹt.
– Lỗ thoát vị hẹp, cân cơ ở lỗ thoát vị chắc và ít đàn hồi, các tạng lên xuống khó khăn dễ dẫn tới bị nghẹt.
– Có một quai ruột mới di chuyển xuống túi thoát vị trong khi đã có một quai ruột khác chui xuống trước đó.
– Quai ruột trong túi thoát vị bị gấp khúc nhiều làm cho dịch và hơi ứ đọng khiến áp lực trong lòng quai tăng cao, giãn to và bị đè ép.
3. Triệu chứng của thoát vị bẹn nghẹt
Khi các tạng bị nghẹt trong thoát vị bẹn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng sau:
3.1. Triệu chứng cơ năng
– Đau chói, đau dữ dội, đột ngột ở vùng thoát vị. Sau đó cơn đau lan xuống bìu và có thể kèm theo đau bụng.
– Khối phồng đau, không tự mất đi mà không đẩy lên được.
– Nôn và bí trung đại tiện.
3.2. Triệu chứng thực thể
– Thấy khối phồng xuất hiện ở vùng bẹn, bìu.
– Sờ có cảm giác căng chắc hơn các vị trí xung quanh. Ấn đau, nhất là phía cổ túi thoát vị (đau chói), gõ đục.
– Khối thoát vị căng, đẩy không lên, bóp không thu nhỏ được và không thay đổi thể tích khi ho hoặc rặn.
– Nắn không thấy tiếng óc ách hoặc gõ đục do có dịch trong túi thoát vị.
– Vùng da khu vực thoát vị sẫm hoặc đỏ.
– Cơ thể mệt mỏi, sốt, táo bón, phân lẫn máu, tăng nhịp tim…
Tìm hiểu thêm: Trào ngược dạ dày lưỡi trắng: Làm gì để khắc phục?
4. Biến chứng nguy hiểm của thoát vị nghẹt
Thoát vị nghẹt cần phải được xử lý ngay trước 6 tiếng, nếu không sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm:
– Nghẹt ruột: xảy ra khi các tạng ở trong túi thoát vị không thể di chuyển trở lại vào ổ phúc mạc. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do các tạng bị dính với túi thoát vị, với cổ hoặc với các phần trong của túi thoát vị. Thông thường, người bệnh sẽ cảm thấy đau và thấy tăng kích thước của túi thoát vị.
– Tắc ruột: tình trạng này thường xảy ra với ruột non hoặc có đôi khi là dạ dày, ít khi xảy ra với kết tràng. Khi bị tắc ruột, người bệnh thấy đau liên tục hoặc đau quặn từng cơn, buồn nôn và nôn. Vùng da vùng thoát vị bị biến đổi màu. Nếu không can thiệp ngay có để dẫn đến hoại tử ruột.
– Nghẽn ruột: do chèn ép ở cổ thoát vị, quai ruột bị hoại tử khiến lưu thông trong ruột bị gián đoạn. Các đoạn ruột phía trước bị tắc nghẽn. Người bệnh có thể bị đau bụng, buồn nôn hoặc nôn, có nguy cơ bị viêm phúc mạc.
– Vỡ túi thoát vị và quai ruột nghẹt dẫn đến hình thành ổ áp xe phân mủ, tạo ra một lỗ rò trên đường tiêu hóa.
5. Điều trị thoát vị bẹn nghẹt
Khi người bệnh được chẩn đoán là thoát bị bẹn nghẹt cần phải được điều trị càng sớm càng tốt.
5.1. Điều trị bảo tồn (không mổ) với thoát vị bẹn nghẹt ở trẻ nhỏ
Điều trị theo phương thức bảo tồn chỉ định đối với thoát vị nghẹt ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, phát hiện sớm trước 6 giờ. Người bệnh ít đau và chưa xuất hiện biến chứng. Cách tiến hành là:
– Tiêm thuốc giảm đau, an thần theo liều thích hợp.
– Đặt nửa người trẻ vào chậu nước ấm khoảng 15-20 phút để chờ khối thoát vị có thể tự lên được.
– Có thể dùng tay xoa nhẹ ở khối thoát vị nhưng không được dùng quá sức vì có thể làm vỡ các tạng bên trong hoặc đẩy lên ổ bụng một đoạn ruột đã bị hoại tử.
– Khi các tạng đã di chuyển ngược trở lại ổ phúc mạc cần theo dõi sát, đeo băng ép tại chỗ đề phòng ruột hoại tử thứ phát gây viêm phúc mạc, chờ một thời gian để ống phúc tinh mạc xơ hóa và bịt kín.
– Trong trường hợp không có kết quả thì trẻ buộc phải phẫu thuật.
5.2. Phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt
Khi khối thoát vị không nghẹt không đẩy lên được, thoát vị gây tắc ruột cần phải được phẫu thuật càng nhanh càng tốt. Phẫu thuật là phương pháp duy nhất giúp giải phóng nhanh các tạng thoát bị nghẹt, thiếu máu; xử lý tổn thương các tạng (nếu cần); phục hồi thành bụng, giải quyết được nguyên nhân gây thoát vị.
Hiện nay, có hai phương pháp phẫu thuật là mổ mở và mổ nội soi. Trong đó, mổ nội soi là phương pháp có nhiều ưu điểm vượt trội. Vì là phẫu thuật ít xâm lấn nên người bệnh ít đau, ít chảy máu và ít xảy ra biến chứng. Đồng thời, phương pháp này còn cho phép đánh giá tình trạng bẹn bên còn lại và xử lý luôn nếu có thoát vị xảy ra.
Tuy nhiên, dù thực hiện bằng phương pháp nào cũng cần lưu ý:
– Không được để tạng thoát vị tuột vào ổ bụng khi chưa có kết luận chính xác tình trạng tạng bị nghẹt.
– Đánh giá đúng tình trạng tạng thoát vị để có phương án xử lý phù hợp.
– Đánh giá đúng khả năng đoạn ruột còn có thể hồi phục được.
>>>>>Xem thêm: Điều trị hiệu quả bệnh dạ dày trào ngược thực quản
6. Phòng ngừa thoát vị bẹn nghẹt
Thoát vị bẹn nghẹt vẫn có nguy cơ bị tái phát dù sau điều trị. Do đó, phòng ngừa là điều cần thiết giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Bạn cần lưu ý:
– Duy trì cân nặng hợp lý bằng cách xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục thể thao thường xuyên mỗi ngày.
– Uống đủ nước, ăn nhiều chất xơ (rau, củ quả tươi…) để hạn chế táo bón.
– Tránh nâng vật nặng; hạn chế những công việc đòi hỏi phải đứng trong thời gian dài hoặc công việc tay chân nặng nhọc.
– Không hút thuốc lá để ngăn ngừa nguy cơ gây viêm phế quản mãn tính khiến bạn ho kéo dài.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ hàng năm nhằm tầm soát những bệnh lý có nguy cơ dẫn đến thoát vị bẹn trong tương lai.
Thoát vị bẹn nghẹt là một biến chứng nguy hiểm và cần phải xử lý càng nhanh càng tốt. Dó đó, khi có dấu hiệu của thoát bị nghẹt, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.