Uốn ván là bệnh nhiễm trùng cấp tính nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng con người. Đặc biệt trong quá trình sinh nở, trẻ sơ sinh và mẹ có nguy cơ mắc bệnh uốn ván rất cao vì giai đoạn này sức đề kháng yếu. Tiêm uốn ván cho bà bầu là mũi tiêm quan trọng, không thể thiếu để bảo vệ cho sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi. Vậy nên tiêm mũi uốn ván vào lúc nào trong giai đoạn thai kỳ? Hãy cùng theo dõi bài viết để biết thời điểm tiêm uốn ván phù hợp dành cho phụ nữ mang thai.
Bạn đang đọc: Thời điểm tiêm uốn ván phù hợp dành cho phụ nữ mang thai
1. Hiểu rõ về vắc xin uốn ván dành cho phụ nữ mang thai
1.1.Tầm quan trọng của việc tiêm uốn ván đối với phụ nữ mang thai
Uốn ván là bệnh nhiễm trùng do trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Loại trực khuẩn này khi xâm nhập qua vết thương hở trên cơ thể sẽ tấn công trực tiếp vào hệ thần kinh, gây ra những cơn co thắt cơ, đau đớn và khiến người bệnh nghẹt thở. Khi đã xuất hiện những triệu chứng như trên thì cơ hội sống sót là rất thấp.
Phụ nữ khi mang thai sức đề kháng sẽ yếu hơn bình thường. Vì vậy khi xuất hiện các vết thương hở trên cơ thể, nguy cơ nhiễm uốn ván rất cao. Hơn nữa, vi khuẩn uốn ván có thể dễ dàng xâm nhập trong quá trình sinh nở, gây nguy hiểm cho mẹ lẫn con. Uốn ván có tỉ lệ tử vong rất cao, tới 25 – 90%, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh tỷ lệ này lên tới 95%.
Vì vậy, việc tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai được coi như tấm lá chắn an toàn để bảo vệ mẹ và bé. Vắc xin uốn ván được các chuyên gia đánh giá là một trong những loại vắc xin quan trọng nhất cho bà bầu, giúp đảm bảo được tính an toàn cho cả mẹ và con.
Phòng ngừa uốn ván có vai trò lớn trong việc đảm bảo được tính an toàn cho cả mẹ và bé
1.2. Các loại vắc xin uốn ván dành cho phụ nữ mang thai
Các loại vắc xin phòng uốn ván cho phụ nữ chuẩn bị mang thai hiện nay bao gồm:
– Vắc xin Adacel (Canada), đây là loại vắc xin kết hợp 3 thành phần trong 1 bao gồm: giải độc tố uốn ván hấp phụ, giải độc tố bạch hầu liều thấp hấp phụ và ho gà vô bào.
– Vắc xin Boostrix (Bỉ), đây là loại vắc xin phòng ngừa 3 loại bệnh ho gà, bạch hầu và uốn ván.
– Vắc xin uốn ván hấp phụ VAT được sản xuất bởi Viện vắc xin và sinh phẩm y tế Nha Trang IVAC – Việt Nam.
2. Các mốc thời điểm tiêm uốn ván dành cho phụ nữ mang thai
Mẹ bầu cần ghi nhớ các mốc tiêm vắc xin uốn ván để không bỏ lỡ thời điểm tiêm. Đảm bảo tiêm đủ và đúng thời điểm để mang lại hiệu quả phòng chống tốt nhất. Dưới đây là lịch tiêm phòng uốn ván tương ứng với từng loại vắc xin. Cụ thể như sau:
2.1. Thời điểm tiêm uốn ván đối với vắc xin 3 trong 1
Đối với vắc xin phòng 3 trong 1 Adacel (Canada) và Boostrix (Bỉ) phòng ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, trong mỗi thai kỳ, mẹ bầu chỉ cần tiêm duy nhất 1 mũi. Bác sĩ khuyến cáo nên tiêm 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ và tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm.
Tìm hiểu thêm: Cách để cha mẹ không bị quên những mũi tiêm cho trẻ
Các mẹ bầu cần ghi nhớ mốc tiêm vắc xin uốn ván để không bỏ lỡ thời điểm tiêm, đảm bảo tiêm đủ và đúng thời điểm.
2.2. Thời điểm tiêm uốn ván đối với vắc xin VAT (Việt Nam)
Thời điểm tiêm uốn ván đối với vắc xin VAT dành cho từng đối tượng sẽ được thực hiện như sau.
Đối với mẹ bầu chưa tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm vắc xin/ chưa tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:
– Mũi tiêm 1: Cần tiêm sớm khi có thai lần đầu – thường tiêm vào 3 tháng giữa thai kỳ
– Mũi tiêm 2: Tối thiểu 1 tháng sau mũi 1.
– Mũi tiêm 3: Tối thiểu 6 tháng sau mũi 2 hoặc kỳ có thai lần sau.
– Mũi tiêm 4: Tối thiểu 1 năm sau mũi 3 hoặc kỳ có thai lần sau.
– Mũi tiêm 5: Tối thiểu 1 năm sau mũi 4 hoặc kỳ có thai lần sau.
Đối với mẹ bầu đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản:
– Mũi tiêm 1: Cần tiêm sớm khi có thai lần đầu – thường tiêm vào 3 tháng giữa thai kỳ
– Mũi tiêm 2: Tối thiểu 1 tháng sau mũi 1.
– Mũi tiêm 3: Tối thiểu 1 năm sau mũi 2.
Đối với mẹ bầu đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin có chứa thành phần uốn ván liều cơ bản và 1 liều nhắc lại:
– Mũi tiêm 1: Cần tiêm sớm khi có thai lần đầu – thường tiêm vào 3 tháng giữa thai kỳ
– Mũi tiêm 2: Tối thiểu 1 năm sau mũi 1.
>>>>>Xem thêm: Lưu ý những trường hợp không tiêm vắc xin phòng ngừa HPV
Với vắc xin VAT, các mẹ sẽ phải thực hiện tiêm nhiều mũi hơn
3. Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng vắc xin uốn ván cho phụ nữ mang thai
Tương tự như những loại vắc xin khác, vắc xin phòng uốn ván có thể dẫn đến một số phản ứng sau tiêm như sau:
– Tại vết tiêm có thể bị sưng, đau nhưng không cần quá lo lắng. Tình trạng này thường sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nếu nhiễm trùng nặng hơn, hãy liên hệ bác sĩ để xem xét dùng thuốc hỗ trợ.
– Ngoài ra, một số mẹ bầu sau khi tiêm có thể bị sốt nhẹ, đây là biểu hiện bình thường cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động tốt sản xuất kháng thể khi có vi khuẩn xâm nhập.
– Sau khi tiêm phòng, mẹ bầu không nên uống rượu bia, cà phê, các đồ uống chứa cồn hoặc chứa chất kích thích,… Những đồ uống này không những làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
– Để phòng ngừa và xử lý kịp thời trường hợp sốc phản vệ sau tiêm phòng, mẹ bầu nên ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút. Nếu xuất hiện các triệu chứng lạ như: tiêu chảy, khó thở, tim đập nhanh, chân tay lạnh, da xanh tái,… cần thông báo ngay với bác sĩ. Việc theo dõi nên tiếp tục thực hiện sau khi về nhà.
Nếu gặp phải những phản ứng lạ, nghiêm trọng hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Trên đây là những thông tin cần thiết và các mốc thời điểm tiêm phòng vắc xin uốn ván phù hợp dành cho mẹ bầu. Mong rằng những thông tin trên phần nào đã giúp các mẹ có cho mình kiến thức tiêm phòng uốn ván và chuẩn bị được lịch trình tiêm phù hợp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề tiêm phòng, hãy liên hệ ngay đến Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được tư vấn sớm nhất.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.