Thời gian ủ bệnh lao có thể kéo dài từ 4 – 12 tuần hoặc lâu hơn, tùy vào các yếu tố tác động. Trẻ em, người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao.
Bạn đang đọc: Thời gian ủ bệnh lao ở mỗi người là khác nhau
1. Bệnh lao có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào
Theo thống kê của WHO trong năm 2022, số người mắc mới bệnh lao hàng năm đã tăng lên sau hơn một thập kỷ. Số ca tử vong vì mắc bệnh lao đã tăng lên trong hai năm liên tiếp. Cùng với đó, số ca mắc lao bị kháng thuốc cũng tăng dần trong những năm gần đây.
Các chuyên gia y tế nhận định, bệnh lao nằm trong nhóm bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu. Tuy nhiên, thời gian ủ bệnh của vi khuẩn lao thường diễn ra trong một khoảng thời gian dài, bệnh diễn biến âm thầm chứ không gây tử vong ngay lập tức. Ở giai đoạn ủ bệnh, người nhiễm vi khuẩn lao gần như không có triệu chứng rõ rệt. Bởi vậy hầu hết các trường hợp phát hiện lao đều ở giai đoạn muộn, dẫn đến cơ hội điều trị thành công thấp, thậm chí tử vong.
Tuy không có biểu hiện ở giai đoạn ủ bệnh, nhưng nếu được xét nghiệm thì người bệnh vẫn có thể phát hiện vi khuẩn lao trong cơ thể. Cơ hội điều trị bệnh thành công cũng tăng cao nếu bệnh được phát hiện sớm và có phác đồ phù phù hợp.
Bệnh lao có thể gặp ở mọi đối tượng
2. Giải đáp về thời gian ủ bệnh lao
Rất khó để trả lời chính xác thời gian ủ bệnh ở người nhiễm vi khuẩn lao. Trên thực tế, mỗi người sẽ có thời gian ủ bệnh khác nhau, tùy thuộc độ tuổi, thể trạng sức khỏe.
2.1. Thời gian ủ bệnh lao phụ thuộc vào đâu?
Thời gian ủ bệnh là khoảng thời gian từ khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể đến khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh. Trung bình, khoảng thời gian này sẽ kéo dài từ 4 đến 12 tuần. Một vài trường hợp có thời gian ủ bệnh kéo dài đến vài năm hoặc thậm chí là rất nhiều năm sau đó. Một số yếu tố có thể tác động đến thời gian ủ bệnh, bao gồm:
– Độ tuổi: Trẻ em có thời gian ủ bệnh ngắn hơn người lớn.
– Thể trạng: Người có sức khỏe yếu, mắc các bệnh lý nền như HIV/AIDS, suy dinh dưỡng,… sẽ có thời gian ủ bệnh ngắn hơn người khỏe.
– Liều lượng vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể: Liều lượng vi khuẩn lao càng lớn thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Khi vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ hoạt động để chống lại vi khuẩn. Nếu hệ miễn dịch của cơ thể đủ mạnh, vi khuẩn lao sẽ bị tiêu diệt và người nhiễm vi khuẩn lao sẽ không bị mắc bệnh lao. Tuy nhiên, nếu hệ miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh thì vi khuẩn lao sẽ tồn tại trong cơ thể và gây bệnh lao.
2.2. Các triệu chứng xuất hiện sau thời gian ủ bệnh lao
Khi thời gian ủ bệnh lao kết thúc, vi khuẩn lao ở trong cơ thể người có thể gây ra một số triệu chứng điển hình. Cụ thể, người bị lao phổi thường bị ho khan kéo dài, từ vài tuần cho đến vài tháng. Thậm chí, một số trường hợp bị ho có đờm màu trắng, ho ra máu.
Người bị bệnh lao cũng thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, cơ thể suy ngược, sốt về chiều tối, vã mồ hôi ban đêm. Các triệu chứng đường hô hấp như khó thở, đau tức ngực cũng thường gặp ở bệnh nhân lao phổi. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng đường tiêu hóa như chán ăn, nôn mửa, tiêu chảy,… lâu dần dẫn đến sụt cân.
Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường trên, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để thăm khám và chẩn đoán kỹ lưỡng. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm sẽ đem lại hiệu quả điều trị cao, đồng thời giảm thiểu các biến chứng nguy hiểm. Không chỉ bảo vệ bản thân, chủ động thăm khám còn góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho gia đình và xã hội.
Tìm hiểu thêm: Những cách chữa u nang buồng trứng hiệu quả dành cho chị em
Người mắc vi khuẩn lao có thể trở thành nguồn phơi nhiễm bệnh ra cộng đồng nếu không được phát hiện sớm
3. Lưu ý dành cho người bị lao phổi
Đối với người mắc bệnh lao, ngay khi nghi ngờ bản thân có thể đã nhiễm bệnh thì việc làm quan trọng nhất là hạn chế phơi nhiễm ra cộng đồng. Một số biện pháp mà bạn có thể áp dụng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến những người xung quanh là:
– Đeo khẩu trang trong khi tiếp xúc với người khác.
– Che miệng khi ho và hắt hơi. Khăn giấy chứa dịch tiết ra cần được buộc kín và vứt vào thùng rác sau khi sử dụng.
– Chủ động ở phòng riêng, nhưng cần đảm bảo không gian phòng ở thoáng mát, sạch sẽ, thông gió.
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn.
– Đi khám để xác định bản thân có đang bị mắc bệnh lao hay không. Trường hợp không mắc bệnh nhưng có tiếp xúc với người bị lao, thì bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên để phòng bệnh hiệu quả.
Đến hiện nay, việc điều trị lao bằng kháng sinh đã trở nên dễ dàng hơn, tuy nhiên người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc trong khi điều trị nhằm hạn chế tình trạng kháng thuốc.
4. Chủ động phòng ngừa bệnh lao
Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Để phòng ngừa bệnh lao, cần thực hiện các biện pháp sau:
– Tiêm vắc xin BCG: Vắc xin BCG giúp giảm nguy cơ mắc bệnh lao ở trẻ em. Phương pháp này có thể áp dụng cả với trẻ nhỏ và nhóm đối tượng có hệ miễn dịch kém.
– Phát hiện và điều trị sớm: Khi có các triệu chứng nghi ngờ bệnh lao, cần đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị sớm giúp ngăn ngừa lây lan bệnh cho cộng đồng.
– Giảm tiếp xúc với nguồn lây: Người bệnh lao phổi giai đoạn hoạt động có thể lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp. Do đó, cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh lao phổi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc, cần đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
– Giữ gìn vệ sinh cá nhân và môi trường: Giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể chống lại vi khuẩn lao. Vệ sinh môi trường sạch sẽ cũng giúp hạn chế lây lan bệnh lao.
– Tăng cường sức khỏe thông qua việc tập luyện, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng các chất, ngủ đủ giấc và tránh lạm dụng các chất kích thích, rượu bia,…
– Chủ động khám sức khỏe định kỳ để theo dõi thể trạng cá nhân, đánh giá nguy cơ mắc bệnh và phòng ngừa ngay từ giai đoạn sớm.
>>>>>Xem thêm: Vì sao chị em nên tới phòng khám phụ khoa định kỳ?
Tiêm vắc xin là giải pháp phòng bệnh lao hiệu quả
Với những cách trên, không khó để phòng ngừa bệnh lao phổi và hạn chế ảnh hưởng của bệnh. Trường hợp cần tư vấn thêm, người bệnh vui lòng liên hệ TCI để được giải đáp!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.