Hiện nay có nhiều mẹ bầu mắc phải bệnh tiểu đường thai kỳ – căn bệnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Phương pháp điều trị nền tảng của bệnh là kiểm soát tốt chế độ ăn bên cạnh việc thay đổi lối sống, luyện tập thể dục thể thao đều đặn. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý một số thực đơn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ để đảm bảo ổn định chỉ số đường huyết, tránh nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Thực đơn mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ để tránh biến chứng
Ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ tới mẹ và thai nhi
Bệnh tiểu đường thai kỳ sẽ xuất hiện trong thời gian mang thai và thường chấm dứt sau khi em bé chào đời. Bệnh khiến chỉ số đường huyết tăng cao, từ đó không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ mà còn gây nguy hiểm tới sự phát triển của thai nhi.
Cụ thể, thai nhi sẽ tăng tiết lượng insulin để tiêu thụ lượng đường cao trong nguồn máu được cung cấp và dự trữ năng lượng ở lớp mỡ dưới da. Nếu mẹ không kiểm soát tốt chỉ số đường huyết thì lượng đường dư thừa trong máu sẽ làm thai nhi phát triển khá to, có thể nặng hơn 4kg khi sinh. Những trẻ này sau khi sinh ra dễ gặp phải hiện tượng giảm đường huyết, hạ canxi máu. Do đó những trẻ này cần được theo dõi chặt chẽ ngay từ khi sinh ra cho đến khi lượng đường huyết trong máu ổn định.
Những trẻ sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ cần được theo dõi sức khỏe chặt chẽ và liên tục
Đối với người mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ dễ mắc phải nấm candida, bị đa ối, sẩy thai nhiều lần liên tiếp hoặc thai lưu không rõ lý do, dễ bị tăng huyết áp trong thời gian mang thai, tăng nguy cơ tiền sản giật, dễ gặp phải biến chứng trong và sau sinh.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà bầu thai kỳ
Do bệnh tiểu đường thai kỳ có ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi nên những thai phụ gặp phải tình trạng này cần tuân thủ nghiêm ngặt theo phác đồ điều trị và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh đó mẹ bầu cần có một thực đơn dinh dưỡng hợp lý, khoa học để vừa giúp kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, vừa đảm bảo sức khỏe của mẹ và cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho thai nhi phát triển.
Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần tuân thủ chặt chẽ theo phác đồ điều trị và tư vấn của bác sĩ chuyên khoa
Khi bị tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý nguyên tắc “cái đĩa” trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Cụ thể, trong mỗi bữa ăn, nếu xem chế độ dinh dưỡng của bà bầu như một cái đĩa thì ¼ đĩa này nên là nhóm protein, ¼ đĩa là nhóm tinh bột, ½ đĩa còn lại sẽ là nhóm chất xơ như rau, trái cây… Mẹ bầu nên ưu tiên chọn các loại thực phẩm ít gây tăng đường máu như cơm gạo lứt, ngũ cốc, các loại sữa tách béo, ít béo, không đường. Đồng thời hạn chế ăn mặn, dùng các thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều chất béo, các loại thực phẩm ngọt, gây tăng đường huyết (bánh kẹo, chè, kem, trái cây ngọt...).
Trong thực đơn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần ưu tiên các thực phẩm ít gây tăng đường máu, hạn chế những thực phẩm ngọt, mặn và béo
Bên cạnh đó, thai phụ nên ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo chỉ số đường huyết không tăng quá cao và cũng không bị hạ quá thấp do xa bữa ăn, Mỗi ngày nên ăn 3 bữa chính và 1-2 bữa phụ là hợp lý nhất. Mẹ bầu cũng lưu ý không nên bỏ bữa sáng bởi sẽ dễ gây tình trạng hạ đường huyết, chóng mặt, buồn nôn, khó chịu.
Gợi ý thực đơn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ
Bữa sáng
Đây là bữa ăn quan trọng trong ngày mẹ bầu không nên bỏ qua. Bữa sáng lý tưởng cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ vẫn cần đầy đủ dinh dưỡng từ các nhóm đạm, tinh bột, chất xơ, vitamin, ví dụ như:
- Món trứng chiên với bánh mì nguyên cám và salad rau trộn
- Cháo yến mạch nấu thịt băm
- Cháo ngũ cốc nguyên hạt
- Phở hoặc bún gạo lứt với giá đỗ
Nếu vào buổi sáng thai phụ không phải hoạt động nhiều thì hãy giảm khẩu phần ăn ít hơn các bữa còn lại.
Tìm hiểu thêm: 9 dấu hiệu sắp sinh ở tuần 39 mẹ bầu cần “thuộc lòng”
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng trong ngày mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ tuyệt đối không nên bỏ qua
Bữa trưa
Vào bữa trưa các mẹ bầu nên bổ sung thêm chất xơ để làm chậm quá trình tiêu hóa, từ đó giúp cơ thể hấp thu tốt hơn, hạn chế chỉ số đường huyết đột ngột tăng cao. Thực đơn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ vào bữa trưa có thể là:
- Cơm gạo lứt với cá kho và canh rau
- Cơm gạo lứt với bò xào và rau củ luộc
- Cơm gạo lứt với rau muống xào và thịt luộc
- Sandwich gà và salad rau củ
Cơm gạo lứt với cá và rau là một trong những bữa trưa tuyệt vời cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ
Bữa tối
Vào buổi tối, mẹ bầu nên dùng những thực phẩm dễ tiêu hóa, ưu tiên rau và đạm, hạn chế tinh bột và đường, nếu có thể thì cắt giảm luôn tinh bột cũng được. Gợi ý thực đơn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ vào bữa tối:
- Cháo gạo lứt với thịt bò và rau củ
- Canh xương hầm rau củ và salad
- Mỳ ý với thịt và salad
- Súp bí đỏ với cá hồi nướng
- Cơm gạo lứt với đậu nhồi thịt và canh rau
Vào buổi tối, mẹ bầu nên dùng những thực phẩm dễ tiêu hóa, ưu tiên rau và đạm
Bữa phụ
Những bữa phụ phù hợp trong ngày sẽ giúp mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ duy trì lượng đường huyết ổn định, kiểm soát được quá trình tăng cân khi mang thai, giảm cơn đói và cung cấp thêm năng lượng. Trong những bữa phụ này, thai phụ nên chọn những thực phẩm lành mạnh, ít ngọt tốt cho sức khỏe như sữa không đường, sữa hạt, sữa chua không đường, salad rau củ, trái cây tươi, ngũ cốc sấy khô, bánh từ bột nguyên cám…
Song song với chế độ ăn uống khoa học như đã được gợi ý ở trên, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần nghỉ ngơi hợp lý, vận động phù hợp, theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên và thực hiện khám thai định kỳ để xác định được tình trạng sức khỏe nhằm có sự can thiệp, điều chỉnh kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Xét nghiệm sàng lọc và những dị tật thai nhi có thể mắc phải
Ngoài việc duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên thăm khám, theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên để có sự điều chỉnh kip thời
Với dịch vụ Thai sản trọn gói tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, tất cả các mốc thăm khám, siêu âm và xét nghiệm quan trọng đều được lên lịch cụ thể và chi tiết. Bên cạnh đó mẹ bầu còn được thăm khám không giới hạn với bác sĩ Sản khoa nhằm an tâm hơn trong suốt quá trình mang thai. Ngoài ra khi đăng ký thai sản trọn gói, cả mẹ và bé sẽ được chăm sóc, kiểm tra trước – trong – sau sinh một cách đầy đủ, tận tâm, chu đáo. Để tìm hiểu thêm về dịch vụ, các mẹ bầu gọi tới tổng đài 1900 55 88 92.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.