Ký sinh trùng gây hôi miệng là một trong những chủ đề thảo luận nổi trội trên các diễn đàn sức khỏe nha khoa. Chủ đề này bắt nguồn từ nhiều quảng cáo thuốc diệt ký sinh trùng gây hôi miệng. Vậy thực hư tin đồn mùi hôi miệng bắt nguồn từ ký sinh trùng là gì? Cùng Thu Cúc TCI làm sáng tỏ vấn đề này trong bài viết sau, bạn nhé!
Bạn đang đọc: Thực hư tin đồn mùi hôi miệng bắt nguồn từ ký sinh trùng
1. Tổng quan về ký sinh trùng
1.1. Ký sinh trùng là gì?
Ký sinh trùng là những sinh vật tồn tại nhờ ký sinh trong những sinh vật khác, bao gồm con người, động vật, thực vật hay còn được gọi chung là vật chủ. Để tồn tại và phát triển, ký sinh trùng hấp thu các sinh chất của vật chủ.
1.2. Phân loại ký sinh trùng?
Theo các tài liệu nghiên cứu, tùy thuộc hình thức ký sinh, ký sinh trùng được chia thành nhiều loại như: Ký sinh hoàn toàn và ký sinh không hoàn toàn; ký sinh ngoại sinh và ký sinh nội sinh; ký sinh trùng trên da và ký sinh dưới da;… Những ký sinh trùng phổ biến nhất mà ai trong chúng ta cũng biết là giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim,…. Chúng ký sinh trong dạ dày, ruột, phổi, gan, não,… con người, có tốc độ lây lan và sinh sản cực kỳ nhanh và có thể gây nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Những sinh vật tồn tại nhờ ký sinh trong những sinh vật khác được gọi là ký sinh trùng.
2. Thực hư tin đồn hôi miệng do ký sinh trùng
Có nhiều thông tin cho rằng tình trạng hôi miệng dai dẳng dù đã vệ sinh răng miệng cẩn thận phát sinh từ sự tồn tại của ký sinh trùng bên trong cơ thể. Cụ thể hơn, họ cho rằng giun, sán là nguyên nhân gây ra hôi miệng.
Theo các chuyên gia hàng đầu về ký sinh trùng, những thông tin này không hoàn toàn đúng. Theo thống kê, nhiễm ký sinh trùng chủ yếu gây ra các bệnh lý tiêu hóa, bệnh lý da, tình trạng thiếu máu, hiện tượng ngứa hậu môn,…. Cụ thể, mỗi loại ký sinh trùng khi xâm nhập vào cơ thể sẽ tấn công các cơ quan khác nhau, để gây các bệnh lý khác nhau như: Ấu trùng sán lợn, giun lươn não,… tấn công não; sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, ấu trùng sán dây chó,… tấn công gan; giun đũa chó, sán lá phổi, giun lươn ruột,… tấn công phổi;… Mặc dù vậy, không có ký sinh trùng nào có thể trực tiếp gây hôi miệng. Ký sinh trùng chỉ có thể là nguyên nhân thứ phát, khiến miệng người bệnh bị hôi. Chẳng hạn như ký sinh trùng giun, sán làm tổn thương ruột, cản trở hoạt động tiêu hóa thức ăn, khiến thức ăn tồn đọng, lên men, từ đó phát sinh tình trạng hôi miệng.
Chính vì vậy, khi có tình trạng hôi miệng, người bệnh nên thăm khám với chuyên gia để được chẩn đoán xác định nguyên nhân. Trường hợp ký sinh trùng gián tiếp gây hôi miệng, người bệnh cần kết hợp vệ sinh răng miệng cẩn thận với các phương pháp loại bỏ ký sinh trùng. Không tin tưởng, tự mua và sử dụng các loại thuốc diệt ký sinh trùng gây hôi miệng được quảng cáo trên các trang mạng xã hội, tránh tiền mất tật mang.
Tìm hiểu thêm: Tìm hiểu chi phí niềng răng trên thị trường hiện nay
Người bệnh nên thăm khám với chuyên gia khi có tình trạng hôi miệng.
3. Nhận biết hôi miệng gián tiếp do ký sinh trùng như thế nào?
Với những thông tin trên, có thể hiểu hôi miệng do ký sinh trùng thực chất là tình trạng hôi miệng xuất hiện khi ký sinh trùng ký sinh ở dạ dày, gây một số bệnh lý tiêu hóa. Tình trạng hôi miệng có thể phát sinh do rất nhiều nguyên nhân như: Thói quen ăn uống, vệ sinh răng miệng kém, sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu,… So với tình trạng hôi miệng phát sinh do các nguyên nhân khác, rất khó để phân biệt tình trạng hôi miệng phát sinh do ký sinh trùng, nếu không kết hợp triệu chứng hôi miệng với các triệu chứng khác (là các triệu chứng của bệnh lý tiêu hóa), như: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài, suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mất tập trung, đau đầu, mất ngủ, uể oải, cơ thể phát ban, dễ chảy nước mũi, viêm họng, nghẹt mũi, đau nhức cơ xương khớp dù không hoạt động nhiều, ăn uống không ngon miệng,…
4. Điều trị hôi miệng phát sinh gián tiếp do ký sinh trùng
Đối với tình trạng hôi miệng gián tiếp do ký sinh trùng, trước tiên, chuyên gia sẽ chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm ký sinh trùng, nếu người bệnh có một số dấu hiệu nhiễm ký sinh trùng như: Nổi cục, nổi sần,… Nếu tình trạng hôi miệng được xác định là phát sinh gián tiếp do ký sinh trùng, chuyên gia sẽ kê thuốc diệt ký sinh trùng phù hợp kết hợp với thuốc điều trị các bệnh lý tiêu hóa do ký sinh trùng gây ra.
Những loại thuốc có khả năng diệt ký sinh trùng được quảng cáo hiệu quả nhưng không đề cập rõ ràng nguồn gốc xuất xứ cũng như thành phần, dược tính,… tốt nhất không nên sử dụng để tránh làm bệnh lý phát triển trầm trọng hơn cũng như để tránh gây ra các vấn đề tiêu cực cho sức khỏe tổng thể.
>>>>>Xem thêm: Bật mí 7 dấu hiệu sắp sinh của mẹ bầu ở tuần 38
Người bệnh được chỉ định xét nghiệm ký sinh trùng.
Phía trên là lời giải đáp chi tiết cho thắc mắc mùi hôi miệng bắt nguồn từ ký sinh trùng có đúng không. Theo đó, ký sinh trùng chỉ có thể là nguyên nhân thứ phát dẫn đến tình trạng hôi miệng. Không có ký sinh trùng nào có thể trực tiếp gây hôi miệng. Hôi miệng nếu phát sinh do ký sinh trùng thì thường đi kèm nhiều triệu chứng khác như: Rối loạn tiêu hóa, đau đầu, mất tập trung, uể oải, mệt mỏi, suy nhược cơ thể,… Nếu nghi ngờ bản thân bị hôi miệng do nguyên nhân này, bạn cần thăm khám với chuyên gia. Trong trường hợp nghi ngờ của bạn là đúng, chuyên gia sẽ chỉ định bạn sử dụng thuốc diệt ký sinh trùng kết hợp thuốc điều trị bệnh lý tiêu hóa do ký sinh trùng gây ra. Đặc biệt lưu ý, bạn không nên tin tưởng và tùy tiên mua rồi sử dụng các loại thuốc diệt ký sinh trùng lưu hành trên thị trường, khi chưa có chỉ định của chuyên gia. Chúng có thể gây hại vô cùng nghiêm trọng cho cơ thể. Tình trạng hôi miệng do ký sinh trùng có thể được dự phòng hiệu quả bằng việc ăn chín uống sôi.
Với những thông tin được chia sẻ trong bài viết này của Thu Cúc TCI, hy vọng rằng bạn sẽ nhanh chóng xử lý được tình trạng hôi miệng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.