Định kỳ lấy cao răng là một trong những yêu cầu cơ bản trong chăm sóc răng miệng ai trong chúng ta cũng nên tuân thủ. Việc lấy cao răng nên được thực hiện ở các phòng nha uy tín – đây là khuyến cáo được chia sẻ bởi tất cả các chuyên gia. Tuy nhiên, theo dân gian, chúng ta hoàn toàn có thể lấy cao răng bằng muối tại nhà. Vậy hiệu quả của phương pháp này thực hư ra sao? Cùng Thu Cúc TCI khám phá trong bài viết sau, bạn nhé!
Bạn đang đọc: Thực hư tin đồn về hiệu quả lấy cao răng bằng muối
1. Cao răng và những điều chưa chắc bạn đã biết
1.1. Cao răng là gì?
Cao răng là một tổ hợp của rất nhiều vật chất, bao gồm: Cặn lắng cứng của các muối vô cơ (chủ yếu là canxi carbonat và phosphate), cặn lắng mềm (chủ yếu là mảnh vụn thức ăn, các khoáng chất trong khoang miệng), vi khuẩn, tế bào chết biểu mô và cặn lắng sắt trong huyết thanh. Trong đó, thành phần chủ yếu của cao răng là mảnh vụn thức ăn.
Thành phần chủ yếu của cao răng là mảnh vụn thức ăn.
1.2. Cao răng hình thành theo cơ chế như thế nào?
Cao răng hình thành từ quá trình sau:
– Giai đoạn 1, hình thành mảng bám: Sau khi ăn 15 phút, bề mặt răng xuất hiện một màng mỏng. Nếu màng này không được loại bỏ, theo thời gian, vi khuẩn chứa trong nó sẽ sinh sôi, làm nó dày lên. Khi đủ dày, nó được gọi là mảng bám. Mảng bám mềm và có thể dễ dàng được loại bỏ bằng bàn chải, chỉ nha khoa,…
– Giai đoạn 2, hình thành cao răng: Nếu mảng bám không được loại bỏ, qua thời gian chúng sẽ bị các muối vô cơ có trong nước bọt vôi hóa, trở nên cứng và rắn. Lúc này, mảng bám là cao răng.
1.3. Cao răng có mấy loại?
Cao răng được phân loại thành cao răng thường và cao răng huyết thanh. Trong đó, cao răng thường là cao răng được mô tả phía trên còn cao răng huyết thanh là cao răng thường nhưng thấm đẫm máu và huyết thanh (máu và huyết thanh là kết quả của bệnh lý viêm lợi – bệnh lý răng miệng phát sinh do cao răng thường). Như vậy, có thể nói, cao răng huyết thanh là hình thái nặng nề hơn của cao răng thường.
1.4. Cao răng nguy hiểm ra sao?
Cao răng là một vấn đề nha khoa trước nhất là có ảnh hưởng tiêu cực đến diện mạo của răng nói riêng và diện mạo tổng thể của chúng ta nói chung. Tiếp đến, nó là căn nguyên của nhiều bệnh lý răng miệng, từ đơn giản đến phức tạp. Đơn giản có hôi miệng, sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu,… và phức tạp có viêm xương ổ răng, tiêu xương hàm, rụng răng,…
Đứng trước những tác hại này của cao răng, chuyên gia nha khoa khuyến cáo chúng ta nên lấy nó định kỳ. Mỗi cá nhân có một tần suất lấy cao răng riêng biệt phù hợp. Tuy nhiên, hầu hết đều sẽ là 6 tháng một lần.
2. Lấy cao răng bằng muối có hiệu quả hay không?
Theo dân gian, chúng ta hoàn toàn có thể lấy cao răng bằng muối tại nhà. Tuy nhiên, có thể khẳng định chắc chắn, với trạng thái cứng, rắn, bám chặt trên bề mặt răng, cao răng không thể được lấy tại nhà bằng muối. Muối chỉ có thể được sử dụng trong chăm sóc răng miệng, để hạn chế sự hình thành mảng bám, bên cạnh bàn chải, chỉ nha khoa,… Một khi mảng bám đã phát triển thành cao răng, nó chỉ có thể được lấy hiệu quả tại phòng nha.
Tìm hiểu thêm: Xét nghiệm máu tầm soát ung thư có chính xác hay không?
Cao răng không thể được lấy tại nhà bằng muối.
Theo đó, tại phòng nha, quy trình lấy cao răng sẽ diễn ra như sau:
– Bước 1, thăm khám ban đầu: Thăm khám ban đầu là bước đầu tiên của quy trình lấy cao răng chúng ta bắt buộc phải thực hiện. Trong bước này, nha sĩ sẽ xác định mức độ cao răng của chúng ta. Cao răng có 3 mức độ như sau: Mức 1 – không có quá nhiều cao răng; mức 2 – cao răng che lấp toàn bộ biên giới răng và lợi; mức 3 – cao răng đã gây viêm lợi.
– Bước 2, vệ sinh khoang miệng: Sau thăm khám, nha sĩ vệ sinh khoang miệng chúng ta để tạo lập một môi trường vô khuẩn, giúp quy trình lấy cao răng diễn ra thuận lợi, hiệu quả.
– Bước 3, lấy cao răng: Nha sĩ sử dụng dao siêu âm để lấy cao răng, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới. Dao này giải phóng sóng siêu âm, làm cao răng tự động tách rời bề mặt răng. Trong quá trình lấy cao răng, ngoài những người cơ địa nhạy cảm có thể sẽ ê buốt răng, những người còn lại sẽ không cảm thấy gì.
– Bước 4, đánh bóng răng: Sau khi toàn bộ cao răng được loại bỏ, nha sĩ sẽ đánh bóng răng bằng thuốc cho chúng ta. Kết thúc đánh bóng răng, răng sẽ nhẵn, mịn và sáng hơn.
– Bước 5, vệ sinh và hướng dẫn chăm sóc răng miệng: Cuối cùng, nha sĩ sẽ vệ sinh khoang miệng một lần nữa và hướng dẫn chúng ta cách chăm sóc răng miệng chuẩn xác để hạn chế tối đa tình trạng cao răng.
Một số điểm chính trong cách chăm sóc răng miệng thường được nha sĩ hướng dẫn là:
– Vệ sinh răng miệng cẩn thận bằng bàn chải, chỉ nha khoa, nước súc miệng, mỗi ngày từ 2 đến 3 lần, mỗi lần từ 2 đến 3 phút. Kem đánh răng và nước súc miệng nên lựa chọn loại có tác dụng kháng khuẩn, giảm mảng bám.
– Hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu tinh bột và đường, như cơm, bánh kẹo, trái cây sấy, mứt,…, bởi chúng là nguyên liệu sống của vi khuẩn trong mảng bám.
– Hạn chế sử dụng hoặc tốt nhất là không sử dụng chất kích thích có hại cho cơ thể nói chung và có hại cho răng nói riêng, như thuốc lá (thuốc lá chứa nhiều hóa chất có khả năng trực tiếp tạo ra mảng bám), rượu, bia, cà phê,…
>>>>>Xem thêm: Tiêm vắc xin HPV có ảnh hưởng gì không?
Để hạn chế cao răng nên uống ít cà phê.
Phía trên là lời giải đáp chính thức cho thắc mắc về hiệu quả của việc lấy cao răng bằng muối tại nhà. Bên cạnh bàn chải – kem đánh răng, chỉ nha khoa/tăm nước, nước súc miệng,… bạn có thể sử dụng muối để loại bỏ mảng bám. Tuy nhiên, nếu định dùng nó để lấy cao răng thì bạn nên dừng lại. Muối không thể giúp bạn trong trường hợp này. Thay vì sử dụng muối, hãy đến phòng nha. Tại đó, cao răng có thể được lấy rất dễ dàng bằng các thiết bị y tế chuyên dụng. Chi phí cho việc ấy cũng không cao.
Nếu còn băn khoăn về vấn đề cao răng, để được giải đáp chi tiết, liên hệ ngay Thu Cúc TCI, bạn nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.