Có rất nhiều loại thuốc chống trầm cảm khác nhau. Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là một lựa chọn phổ biến và nói chung là an toàn với những người bị suy thận mạn. Ngoài ra người bị suy thận còn có một số lựa chọn khác.
Thuốc chống trầm cảm an toàn cho người bị suy thận mạn
Suy thận mạn gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất cũng như tinh thần. Nghiên cứu còn chỉ ra rằng suy thận mạn có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm.
Đối với những người bị suy thận mạn và trầm cảm, việc tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả các triệu chứng trầm cảm là điều rất quan trọng để cải thiện sức khỏe tinh thần, nhờ đó người bệnh sẽ kiểm soát tốt hơn tình trạng suy thận. Người bị suy thận mạn cần thận trọng khi dùng bất kỳ loại thuốc nào vì một số loại thuốc có thể gây hại thận và khiến thận bị tổn thương nặng thêm.
Trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu về các loại thuốc chống trầm cảm an toàn cho người mắc bệnh suy thận mạn.
Suy thận là gì?
Suy thận là tình trạng thận không còn khả năng thực hiện tốt chức năng lọc máu, dẫn đến nhiều vấn đề như tích tụ chất thải, mất cân bằng điện giải, tích nước, mất cân bằng độ pH máu. Suy thận mạn có nghĩa là chức năng thận giảm từ từ và vĩnh viễn không thể hồi phục.
Suy thận mạn gây ra các triệu chứng như sụt cân, mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, sưng phù chân do giữ nước, hụt hơi, mệt mỏi. máu trong nước tiểu, đi tiểu nhiều lần, đặc biệt là vào ban đêm, khó ngủ, ngứa ngáy. Suy thận mạn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan và hệ thống khác trong cơ thể, dẫn đến nhiều biến chứng như cao huyết áp, bệnh tim mạch, thiếu máu, loãng xương,…
Mối liên hệ giữa suy thận mạn và trầm cảm
Nghiên cứu cho thấy suy thận mạn có liên quan đến một số bệnh lý thần kinh tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ và đau dây thần kinh. (1)
Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy những người bị suy thận mạn (không phải lọc máu) có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp ba lần so với dân số nói chung. (2)
Có một số lý do tại sao người bị suy thận mạn có nguy cơ trầm cảm cao hơn:
- Yếu tố về thể chất: Suy thận gây ra những thay đổi về thể chất và những thay đổi này có thể góp phần dẫn đến chứng trầm cảm. Ví dụ, chức năng thận kém có thể dẫn đến viêm, tích tụ các chất thải và mất cân bằng điện giải, tất cả đều có thể ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh điều hòa tâm trạng.
- Yếu tố về tâm lý: Việc mắc các bệnh lý mạn tính như suy thận mạn khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, chán nản và dần dần, tình trạng này có thể góp phần dẫn đến trầm cảm. Ngoài ra, suy thận mạn có thể gây xáo trộn thói quen bình thường và ảnh hưởng đến các hoạt động. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến tinh thần của người bệnh. Chi phí cho việc tái khám định kỳ và điều trị cũng có thể gây áp lực cho người bệnh và làm tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
- Các bệnh đi kèm: Người bị suy thận mạn thường có các bệnh khác, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp và bệnh tim mạch. Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm.
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc dùng để điều trị suy thận, gồm có corticoid và thuốc ức chế miễn dịch có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Theo một nghiên cứu, 5,6% bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 4 và giai đoạn cuối, 5,3% bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu và 4,2% bệnh nhân suy thận mạn phải ghép thận đang dùng thuốc chống trầm cảm.
Thuốc chống trầm cảm an toàn cho người bị suy thận mạn
Các loại thuốc chống trầm cảm thường được sử dụng cho người bị suy thận mạn mắc chứng trầm cảm gồm có thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI).
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến nhất cho những người bị suy thận mạn.
SSRI được xử lý bởi gan và không được đào thải bởi thận. Điều này có nghĩa là chức năng thận kém sẽ không ảnh hưởng đến sự đào thải thuốc ra khỏi cơ thể. Do đó, SSRI là lựa chọn an toàn cho người bị suy thận mạn.
Một số loại thuốc SSRI thường được kê cho người bị suy thận mạn là fluoxetine, sertraline và citalopram.
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI)
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI) cũng là một nhóm thuốc chống trầm cảm an toàn cho người bị suy thận mạn. Tương tự như SSRI, SNRI chủ yếu được chuyển hóa ở gan và chỉ một phần nhỏ được bài tiết bởi thận.
Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có venlafaxine và duloxetine.
Các loại thuốc chống trầm cảm khác
Các loại thuốc chống trầm cảm khác, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI), đôi khi cũng được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm ở những người bị suy thận mạn nhưng những loại thuốc này không phải là lựa chọn tốt nhất và chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết.
So với SSRI và SNRI, TCA và MAOI có nguy cơ gây tổn thương thận cao hơn và cần sử dụng thận trọng ở những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối.
Loại thuốc chống trầm cảm nào an toàn nhất với người bị suy thận mạn?
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) được coi là nhóm thuốc chống trầm cảm an toàn nhất cho những người bị suy thận mạn. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng và chức năng thận.
Thuốc chống trầm cảm có gây hại cho thận không?
Một số loại thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) không an toàn đối với người bị suy thận vì những loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ lên hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương.
TCA và MAOI được chuyển hóa và bài tiết bởi thận. Khi chức năng thận suy giảm, thuốc sẽ tích tụ trong máu và làm tăng nguy cơ nhiễm độc.
SSRI và SNRI an toàn hơn cho những người bị suy thận mạn.
Tóm tắt bài viết
Trầm cảm là một vấn đề khá phổ biến ở những người bị suy thận mạn. Có nhiều loại thuốc điều trị trầm cảm nhưng hai loại thuốc an toàn cho bệnh nhân suy thận là thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI). Các loại thuốc chống trầm cảm khác như thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCA) và thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI) có thể gây hại cho thận và chỉ được sử dụng cho bệnh nhân suy thận khi thực sự cần thiết.