Ung thư cổ tử cung là một bệnh ung thư phụ khoa thường gặp. Triệu chứng bệnh ung thư cổ tử cung bao gồm những gì, nên làm gì nếu nhận thấy những triệu chứng bất thường và lời khuyên để phòng tránh căn bệnh này là gì sẽ được cung cấp đầy đủ trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu các triệu chứng bệnh ung thư cổ tử cung
1. Ung thư cổ tử cung được hình thành thế nào?
Ung thư cổ tử cung xảy ra trong các tế bào của cổ tử cung – phần dưới của tử cung nối với âm đạo. Có hai loại ung thư cổ tử cung chính là ung thư biểu mô tế bào vảy và ung thư biểu mô tuyến. Khoảng 80-90% ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô tế bào vảy trong khi chỉ có khoảng 10-20% là ung thư dạng biểu mô tuyến.
Hầu hết bệnh ung thư cổ tử cung là do virus HPV – Yếu tố nguy cơ cao gây ra. Có hơn 100 loại virus HPV và khoảng 10 loại đã được chứng minh là dẫn đến ung thư. Hầu hết mọi người sẽ bị nhiễm virus này vào một thời điểm nào đó trong đời và không nhận ra điều đó vì cơ thể có khả năng chống lại sự lây nhiễm. Tuy nhiên, nếu cơ thể bạn không chống lại nhiễm trùng, có thể khiến các tế bào cổ tử cung chuyển thành tế bào ung thư.
Phát hiện sớm cơ thể mắc các loại virus HPV này là chìa khóa trong việc ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Khám sàng lọc định kỳ có thể giúp xác định những thay đổi của tế bào trước khi chúng trở thành ung thư. Sử dụng vắc-xin HPV có thể giúp ngăn ngừa nhiễm HPV bằng cách bảo vệ bạn chống lại virus HPV – Yếu tố gây ra tới 90% tất cả các bệnh ung thư cổ tử cung.
2. Các triệu chứng điển hình của bệnh ung thư cổ tử cung
2.1 Các triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và tiến triển
Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng nên khó phát hiện. Các triệu chứng thường bắt đầu sau khi ung thư lan rộng.
Khi các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu xảy ra, chúng có thể bao gồm:
– Chảy máu âm đạo sau quan hệ tình dục
– Chảy máu âm đạo ở nữ giới sau khi đã mãn kinh
– Chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ hoặc chu kỳ nặng hơn hoặc kéo dài hơn bình thường
– Dịch tiết âm đạo chảy nước và có mùi nồng hoặc có máu
– Đau vùng chậu hoặc cảm thấy đau khi quan hệ tình dục
Khi có những triệu chứng bất thường ở vùng chậu, dịch bất thường người bệnh nên nhanh chóng đi thăm khám phụ khoa
2.2 Các triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn
Các triệu chứng bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn tiến triển (ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung đến các bộ phận khác của cơ thể) có thể bao gồm các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu và các triệu chứng sau đây:
– Đi đại tiện khó khăn hoặc đau đớn hoặc chảy máu từ trực tràng khi đi tiêu
– Đi tiểu khó hoặc đau hoặc có máu trong nước tiểu
– Đau lưng âm ỉ
– Sưng chân
– Đau bụng
– Cảm thấy mệt
Những triệu chứng này có thể được gây ra bởi nhiều tình trạng khác ngoài ung thư cổ tử cung. Cách duy nhất để biết chính xác căn nguyên gây ra các vấn đề bất thường không thể giải thích được là đến gặp các chuyên gia y tế. Nếu đó là ung thư cổ tử cung, thì việc bỏ qua các triệu chứng có thể trì hoãn việc điều trị và làm cho kết quả điều trị kém hiệu quả hơn.
3. Các cách chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung phát triển chậm và tiến triển trong nhiều năm theo 4 giai đoạn bệnh. Trước khi hình thành ung thư, các tế bào trong cổ tử cung trải qua nhiều thay đổi. Các tế bào trong cổ tử cung có thể bắt đầu xuất hiện bất thường, sau đó những tế bào bất thường này có thể biến mất, giữ nguyên hoặc trở thành tế bào ung thư hình thành nên khối u.
Có nhiều xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán ung thư cổ tử cung, bác sĩ của bạn có thể xem xét các yếu tố: Loại ung thư nghi ngờ, triệu chứng, tuổi tác, sức khỏe, kết quả kiểm tra y tế trước đó… từ đó sẽ lựa chọn các xét nghiệm chẩn đoán phù hợp.
Các xét nghiệm sau đây có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung đó là:
– Khám vùng chậu bằng tay và mỏ vịt vô trùng với bác sĩ
– Xét nghiệm Pap
– Xét nghiệm HPV
– Soi cổ tử cung
– Sinh thiết – lấy một lượng nhỏ mô ở cổ tử cung để kiểm tra dưới kính hiển vi.
– Chụp X-Quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp PET hoặc PET-CT
– Xét nghiệm dấu ấn sinh học của khối u.
Tìm hiểu thêm: Viêm cổ tử cung có gây chậm kinh không?
Thu Cúc TCI là địa chỉ hàng đầu trong thăm khám, điều trị và tầm soát ung thư cổ tử cung
4. Tiên lượng sống và lời khuyên trong phòng tránh ung thư cổ tử cung
4.1 Tiên lượng sống
Ở những người mắc ung thư cổ tử cung được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là hơn 90%. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 58% nếu ung thư đã lan sang các mô hoặc cơ quan khác.Vậy nên có thể thấy việc sàng lọc, chẩn đoán phát hiện ra các tế bào, dấu ấn ung thư càng sớm sẽ mang đến tỷ lệ điều trị thành công càng cao.
4.2 Lời khuyên trong phòng tránh ung thư cổ tử cung
Hiện nay có hai phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung được sử dụng phổ biến là:
– Xét nghiệm Pap: Xét nghiệm giúp phát hiện các tế bào bất thường hoặc bất thường trong cổ tử cung của bạn.
– Xét nghiệm HPV: Xét nghiệm giúp phát hiện các loại virus HPV nguy cơ cao có khả năng gây ung thư cổ tử cung cao ở bạn.
Khuyến cáo chị em phụ nữ nên thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ, cụ thể như sau:
– Tầm soát ung thư cổ tử cung nên bắt đầu từ độ tuổi 21 bất kể tiền sử tình dục.
– Đối với những người từ 21-29 tuổi nên sàng lọc 3 năm 1 lần với xét nghiệm Pap.
– Đối với độ tuổi từ 30 tuổi trở lên, nên thực hiện đồng thời xét nghiệm Pap và HPV.
Ngoài ra, những việc khác chị em phụ nữ cũng cần lưu ý trong phòng tránh nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung đó là:
– Tiêm vắc xin HPV.
– Sử dụng bao cao su hoặc các phương pháp phòng tránh an toàn khác khi quan hệ tình dục.
– Hạn chế nhiều bạn tình.
– Ngừng hút thuốc lá.
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng ung thư thực quản giai đoạn 2
Tiêm vắc xin HPV là cách giảm phòng tránh, giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung
Trên đây là những thông tin về triệu chứng bệnh ung thư cổ tử cung, nếu bạn lo lắng về bất kỳ thay đổi nào bạn gặp phải, hãy chủ động đi thăm khám
và trao đổi với bác sĩ. Điều này giúp tìm ra nguyên nhân tạo ra các triệu chứng bất thường bạn đang phải đối mặt, từ đó cũng dễ điều trị triệt để, trúng đích.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.