COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) là căn bệnh nguy hiểm, là một trong những nguyên nhân gây tử vong thuộc top đầu trên thế giới. Vì vậy, việc điều trị căn bệnh này rất quan trọng. Cùng tìm hiểu các biện pháp điều trị COPD qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu cách điều trị COPD hiệu quả
1. COPD có chữa khỏi được không?
COPD là bệnh mạn tính tiến triển, càng ngày càng nặng theo thời gian. Hiện nay chưa có bất kỳ phương pháp nào có thể điều trị khỏi bệnh COPD. Mục tiêu của việc điều trị là làm giảm nhẹ triệu chứng trong các đợt cấp như ho, khạc đờm, khó thở, sốt, ngăn bệnh diễn tiến nghiêm trọng.
Người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần tuân thủ phác đồ điều trị, duy trì sử dụng bình hít hoặc xịt để giảm tần suất của các đợt cấp. Trong quá trình điều trị nếu thấy các dấu hiệu bất thường hoặc kéo dài dai dẳng, người bệnh cần liên hệ sớm với bác sĩ để được thăm khám kịp thời, hạn chế nguy cơ biến chứng, tàn phế và tử vong do COPD gây ra.
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi COPD, nhưng bệnh có thể được kiểm soát nếu bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị.
2. Điều trị COPD bằng cách nào?
Đẩy lùi các yếu tố nguy cơ, duy trì uống thuốc theo đơn của bác sĩ và thực hiện lối sống lành mạnh là những nguyên tắc cơ bản trong điều trị COPD.
2.1 Tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ từ môi trường
Việc tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị COPD. Cụ thể, người mắc bệnh COPD cần cải thiện môi trường sống, hạn chế tiếp xúc với khói bụi, củi, than, khí độc,… Khi thời tiết chuyển mùa, người bệnh cần tránh xa khói bụi, sương mù vì những tác nhân này có thể kích thích trực tiếp hệ hô hấp và dẫn đến các đợt cấp của COPD.
2.2 Cai nghiện thuốc lá là việc quan trọng để điều trị COPD
Thuốc lá được coi là “sát thủ” hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khi có đến khoảng 80 – 90% các trường hợp mắc bệnh bắt nguồn việc hút thuốc lá, thuốc lào hoặc hít thụ động các loại khói thuốc trong thời gian dài,… Do vậy, ngừng hút thuốc là biện pháp rất quan trọng để ngăn bệnh diễn tiến nặng lên. Việc này cũng giúp tăng tỷ lệ sống, giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh tim mạch và ung thư phổi.
Việc cai nghiện thuốc lá thường rất khó khăn, đòi hỏi người bệnh cần phải kiên trì, hợp tác tích cực với bác sĩ. Sử dụng các biện pháp hỗ trợ cai thuốc như sử dụng kẹo cao su, thuốc hít, thuốc xịt, miếng dán có chứa nicotin,… có thể giúp tăng hiệu quả cai nghiện.
2.3 Tiêm vắc-xin để phòng nhiễm trùng đường hô hấp
Các bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp như cúm mùa, viêm họng, viêm mũi dị ứng, viêm thanh quản, viêm phổi, ho gà,… là tác nhân quan trọng làm phát các đợt COPD cấp, khiến bệnh nặng dần lên. Người bệnh giảm chức năng hô hấp, rút ngắn thời gian sống. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin ngừa bệnh đường hô hấp là cách hiệu quả làm giảm các triệu chứng COPD, giảm tần suất các đợt cấp nặng và tỷ lệ tử vong.
Nếu muốn tiêm các loại vắc-xin, bệnh nhân COPD phải đang ở giai đoạn ổn định (đã qua đợt cấp) và không dùng corticosteroid toàn thân trong ít nhất 14 ngày. Trước khi tiêm, người bệnh cần đi khám sức khỏe để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, kiểm soát bệnh ổn định. Nên tiêm ở cơ sở y tế có đủ khả năng cấp cứu ban đầu.
Tìm hiểu thêm: Hen suyễn triệu chứng cảnh báo cần biết
Cai thuốc lá là một trong những phương pháp quan trọng giúp điều trị COPD.
2.4 Phục hồi chức năng hô hấp
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính tuy không thể chữa khỏi nhưng nếu tuân thủ điều trị, kiểm soát chặt chẽ triệu chứng thì người bệnh vẫn có thể tham gia sinh hoạt, hoạt động thể lực bình thường, từ đó gia tăng chất lượng cuộc sống.
Phục hồi chức năng hô hấp là chương trình giáo dục và thể dục có tác dụng hỗ trợ xử trí bệnh hô hấp, giúp người bệnh biết cách kiểm soát được hơi thở, điều hòa nhịp thở, từ đó giảm khó thở và tăng năng lượng tổng thể.
Các buổi tập thể dục thường sẽ được thiết kế riêng cho từng trường hợp, đi từ đơn giản và tăng dần tùy theo khả năng của từng người và được giám sát bởi các nhân viên phục hồi chức năng.
Không chỉ dành riêng cho người mắc COPD, phương pháp này còn có hiệu quả cả với những người mắc các bệnh hô hấp khác như bệnh tăng áp phổi, bệnh phổi mô kẽ, người mổ ghép tạng, xơ phổi…
2.5 Dinh dưỡng hợp lý
Tình trạng khó thở có thể xảy ra khi ăn với những trường hợp bệnh diễn biến nặng. Lúc này việc ăn uống rất kém, độ ngon miệng giảm, quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn cũng gặp nhiều khó khăn,… Điều này gây ra tình trạng tăng cân, sụt cân, giảm khối mỡ.
Ở giai đoạn này, người bệnh cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng, cụ thể:
– Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu protein, chất xơ, vitamin chống oxy hóa như: thịt đỏ, thịt trắng, rau có màu sắc tươi sáng, sữa chua,…
– Tránh xa các chất kích thích, đặc biệt là rượu bia
– Cẩn trọng với những thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng như: tôm, cua, cá tanh, rau có tính lạnh, các gia vị cay,… vì có thể tạo nên các cơn ho khan và thậm chí gây khó thở
– Ăn có chừng mực thức ăn nhiều dầu mỡ, muối,…
2.6 Tập luyện nâng cao thể chất tại nhà
Các bài tâp thở cần được tập đều đặn hằng ngày. Bệnh nhân nên duy trì luyện tập các bộ môn thể thao như đạp xe, đi bộ… Thời gian tập trung bình từ 30 – 60 phút/ngày và tùy theo khả năng của bệnh nhân. Thời gian này có thể giảm ở những người mắc bệnh nặng.
>>>>>Xem thêm: Biểu hiện của bệnh viêm phế quản mạn tính và cách điều trị
Điều trị bệnh COPD với bác sĩ chuyên khoa Hô hấp giúp mang lại hiệu quả cao.
2.7 Các biện pháp điều trị COPD khác
– Chủ động theo dõi sự thay đổi thân nhiệt, các triệu chứng của COPD như ho, khó thở, đờm, mệt mỏi,…
– Đeo khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài, hạn chế đến những nơi công cộng, nơi đông người.
– Hạn chế đưa tay lên mắt, mũi, miệng, súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch sát khuẩn mỗi ngày
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
– Tuân thủ uống thuốc theo đúng đơn và hướng dẫn của bác sĩ.
– Nếu mắc nhiều bệnh cùng một lúc, cần sắp xếp tủ thuốc và nhắc lịch uống thuốc để tránh nhầm lẫn giữa các loại thuốc.
Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu các biện pháp điều trị COPD. Căn bệnh này tuy không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát được. Theo từng giai đoạn bệnh và tình trạng thực tế của bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cần chủ động thăm khám để phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.