Phân biệt rõ sốt xuất huyết và sốt virus giúp người bệnh nhanh chóng có biện pháp xử lý và phòng bệnh đúng cách. Tìm hiểu ngay.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu: Cách nào phân biệt rõ sốt xuất huyết và sốt virus?
1. Vì sao cần phân biệt sốt xuất huyết và sốt virus
Bệnh sốt xuất huyết và sốt virus có những biểu hiện ở giai đoạn đầu khá giống nhau nên rất dễ nhầm lẫn. Trong khi sốt xuất huyết có mức độ nguy hiểm hơn hẳn sốt virus, cách điều trị xử lý cũng khác biệt. Do đó, cần nhận biết và phân biệt đúng 2 loại sốt này để có biện pháp đối phó đúng cách kịp thời.
Đặc biệt, có nhiều loại thuốc hạ sốt chống chỉ định với trường hợp sốt xuất huyết vì sẽ khiến bệnh thêm trầm trọng. Khi nghi ngờ sốt xuất huyết, người bệnh cần nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán đúng bệnh.
Sốt xuất huyết và sốt virus thường có biểu hiện bệnh ở giai đoạn đầu giống nhau.
2. Những cách giúp phân biệt rõ sốt xuất huyết và sốt virus
2.1. Phân biệt rõ sốt xuất huyết và sốt virus từ nguyên nhân gây bệnh
Sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết gây ra bởi loại virus Dengue. Tác nhân lây nhiễm bệnh từ vật thể trung gian là muỗi vằn. Khi người lành bị muỗi vằn mang mầm bệnh đốt (do muỗi đốt người bệnh sốt xuất huyết), virus dengue sẽ chuyển vào khoang máu và phát tán gây bệnh.
Virus Dengue hiện có 4 chủng huyết thanh khác nhau là chủng DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Tại Việt Nam đang lưu hành đủ cả 4 chủng huyết thanh này. Cùng một người có thể mắc sốt xuất huyết nhiều lần (thể thứ phát) do nhiễm các chủng khác nhau.
Sốt virus
Sốt virus là do cơ thể bị nhiễm những loại virus thông thường và thường là lành tính. Sốt là cách cơ thể phản ứng lại sự xâm nhập và gây hại của virus. Có rất nhiều loại virus có thể gây sốt điển hình và gặp phổ biến là virus Coronavirus và Rhinovirus. Sốt virus có thể lây truyền qua những tiếp xúc thông thường qua đường hô hấp, hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết qua đường tiêu hóa của người mắc bệnh,…
Tìm hiểu thêm: Biểu hiện của quai bị điều trị bệnh ra sao
Sốt xuất huyết lây truyền qua vật thể trung gian trong khi sốt virus có thể lây lan trong không khí.
2.2. Phân biệt rõ sốt xuất huyết và sốt virus từ triệu chứng bệnh
Sốt xuất huyết
Biểu hiện sốt xuất huyết thường khác nhau qua 3 giai đoạn của bệnh:
– Giai đoạn khởi phát (thường trong 3 ngày đầu): Người bệnh sốt cao đột ngột 39-40 độ C, người mệt, đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ xương khớp, có thể có viêm long đường hô hấp trên. Giai đoạn này các triệu chứng khá giống so với sốt virus.
– Giai đoạn xuất huyết: Sốt có thể giảm nhưng đây lại là giai đoạn nguy hiểm nhất do có các biểu hiện xuất huyết từ nhẹ tới nặng gồm xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng hoặc lợi, rong kinh ở nữ giới, xuất huyết đường tiêu hóa (đi ngoài phân đen), xuất huyết não cực kỳ nguy hiểm.
– Giai đoạn hồi phục: Người bệnh hết sốt, người đỡ mệt, chỉ số xét nghiệm tiểu cầu bắt đầu tăng.
Sốt virus
Tùy từng loại virus lây nhiễm mà người bệnh có thể gặp phải những triệu chứng khác nhau như:
– Sốt từ 37-40 độ C. Cơn sốt do virus khiến người bệnh mệt mỏi, đau nhức, trẻ nhỏ sẽ quấy khóc.
– Viêm long đường hô hấp trên, viêm mũi họng với biểu hiện ho, chảy mũi, đau họng,…
– Rối loạn tiêu hóa gây buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc đi ngoài phân lỏng,…
– Nổi hạch có thể ở vùng đầu mặt cổ.
– Có thể kèm theo triệu chứng viêm kết mạc mắt như mắt đỏ, chảy nước mắt trong
– Nổi ban trên da sau sốt 2-3 ngày.
– Một số trường hợp nặng ở trẻ nhỏ có thể gây co giật do sốt cao.
– Bệnh thường có thể tự khỏi sau khoảng 7 ngày.
3. Xử lý đúng cách trong trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết hoặc sốt virus
3.1. Trường hợp sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng và kết hợp cùng chế độ ăn uống nghỉ ngơi phù hợp. Người bệnh thăm khám khi nghi ngờ bệnh. Trường hợp nhẹ có thể được điều trị tại nhà theo hướng dẫn như sau:
– Hạn chế đi lại, nghỉ ngơi ngay tại giường.
– Hạ sốt khi thân nhiệt từ 38,5 độ C bằng thuốc kết hợp cùng các phương pháp vật lý như chườm mát vào các vùng trán, nách, bẹn. Thuốc hạ sốt khi bị sốt xuất huyết là Paracetamol (không được dùng loại ibuprofen hay aspirin để hạ sốt), sử dụng đúng liều chỉ định. Trẻ nhỏ nên được điều trị tại bệnh viện để đảm bảo an toàn.
– Bù đủ nước và điện giải: Người bệnh uống nhiều nước, dùng oresol đúng cách.
– Ăn lỏng, ăn đồ dễ tiêu, tăng cường vitamin C.
– Theo dõi tình trạng cơ thể người bệnh thường xuyên. Khi xuất hiện các triệu chứng nặng như sốt cao không đáp ứng với thuốc, li bì, lơ mơ, nôn nhiều, đau bụng nhiều, xuất huyết bất thường như chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi ngoài phân đen, nôn ra máu, băng kinh,… cần đến ngay các cơ sở y tế để được kịp thời xử lý tránh những biến chứng nguy hiểm.
>>>>>Xem thêm: Mỗi năm có khoảng 10.000 trường hợp nhiễm HIV
Người bệnh sốt xuất huyết cần được chăm sóc tốt để tránh những biến chứng nguy hiểm.
3.2. Trường hợp sốt virus
Tương tự như sốt xuất huyết, sốt virus cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ điều trị triệu chứng và kết hợp chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi.
– Hạ sốt bằng thuốc được chỉ định kết hợp các phương pháp vật lý như chườm mát vào các vùng trán, nách, bẹn.
– Chống co giật ở trẻ nhỏ: Nếu trẻ em sốt cao hoặc có tiền sử co giật nên kết hợp sử dụng thêm thuốc hạ sốt và thuốc chống co giật theo đúng chỉ định của bác sĩ.
– Bù nước và điện giải kịp thời: Khi sốt cao cơ thể sẽ bị mất nước và điện giải dẫn tới rối loạn cân bằng nước và điện giải. Người bệnh bù nước và điện giải bằng oresol pha theo tỷ lệ và uống theo nhu cầu.
– Chống bội nhiễm: Người bệnh sốt virus chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ, không tắm nhưng nên lau người mỗi ngày, nhỏ mắt mũi đều đặn bằng dung dịch nước muối 0,9%.
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đủ chất, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, tăng cường vitamin C từ các loại quả.
Chú ý: Sốt virus có thể lây lan nhanh thành dịch qua tiếp xúc thông thường, người bệnh nên thực hiện cách ly để không lây lan sang công đồng.
4. Lời khuyên từ chuyên gia
Người bệnh bị sốt nặng cần chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế, không tự ý uống thuốc đặc biệt là trong trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết. Để phân biệt rõ sốt xuất huyết và sốt virus, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm theo chỉ định. Khi có chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ ra hướng dẫn điều trị chi tiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.