Dị dạng mạch não được ví như “quả bom nổ chậm” vì có thể “vỡ” bất cứ lúc nào dẫn tới đột quỵ xuất huyết não hoặc làm tăng áp lực lên não gây động kinh co giật. Đây là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm cần phải được phát hiện sớm để giảm biến chứng. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu dị dạng mạch não và cách phát hiện sớm ngay trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu dị dạng mạch não
1. Hiểu đúng: dị dạng mạch máu não là gì?
Dị dạng mạch não hay dị dạng mạch máu não là tình trạng bất thường trong cấu trúc mạch máu tại não, thường là sự hình thành sai lệch của các mạch máu, khiến máu chảy từ động mạch sang tĩnh mạch mà không qua mao mạch như bình thường.
Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của não bộ, nhưng thường gặp ở thùy đỉnh, thùy thái dương và vùng tiểu não.
Vị trí dị dạng mạch máu não ảnh hưởng rất lớn đến các triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Ví dụ, dị dạng mạch máu ở vùng kiểm soát ngôn ngữ có thể gây ra các vấn đề về giao tiếp, trong khi dị dạng mạch máu ở vùng kiểm soát thị giác có thể gây ra các vấn đề về thị lực.
Khối dị dạng mạch máu não có hình dạng như chùm nho hoặc phình to căng tròn như quả bóng (ảnh minh họa).
2. Nguyên nhân
Đây là căn bệnh bẩm sinh (bất thường bẩm sinh) thường phát triển từ tuần thai thứ tư đến tuần thai thứ tám. Hiện nay, nguyên nhân cụ thể dẫn đến dị dạng mạch máu não vẫn còn nhiều tranh cãi, có thể liên quan với nhiều yếu tố bao gồm cả yếu tố như tính di truyền, hoạt động kích thích sinh mạch (mạch máu mới hình thành từ những mạch máu sẵn có trước).
2.1 Yếu tố di truyền
Mặc dù không có bằng chứng rõ ràng nhưng trong một số trường hợp, dị dạng mạch máu não có thể liên quan đến di truyền, đặc biệt là khi trong gia đình có tiền sử dị dạng mạch não.
2.2 Rối loạn phát triển mạch máu
Trong quá trình phát triển của thai nhi, sự phát triển bất thường của các mạch máu trong não có thể dẫn đến sự hình thành của các dị dạng mạch máu. Đây là một trong những giả thuyết phổ biến được đưa ra để giải thích nguyên nhân của căn bệnh này.
2.3 Chấn thương não
Mặc dù ít phổ biến, nhưng chấn thương não có thể góp phần vào sự phát triển của dị dạng mạch não. Các tổn thương do chấn thương có thể làm thay đổi cấu trúc của các mạch máu, dẫn đến sự hình thành của các dị dạng.
3. Dấu hiệu nhận biết
Bệnh thường không biểu hiện sớm, khó nhận biết bởi không có triệu chứng đặc trưng. Đa số các trường hợp được phát hiện tình cờ khi đang điều trị một bệnh lý không liên quan khác như đau đầu, động kinh, hoặc tình cờ phát hiện khi đi khám tầm soát.
Nhiều trường hợp bệnh nhân nhập viện khi đã có biểu hiện biến chứng chảy máu não, co giật động kinh, yếu hoặc liệt cơ, mất phối hợp, khó khăn khi thực hiện các thao tác phức tạp, đau đầu kéo dài, chóng mặt. Ngoài ra, nếu gặp các vấn đề về ngôn ngữ (rối loạn ngôn ngữ), cảm giác bất thường như tê, ngứa, đau tự phát,…
Triệu chứng dễ nhận biết cũng như là căn cứ để nghi ngờ dị dạng mạch máu não đó là triệu chứng đau đầu mạn tính. Nếu người bệnh bị đau đầu kéo dài mà điều trị nội khoa không khỏi, xuất hiện co giật và những cơn động kinh nên đi thăm khám ngay vì có thể khối dị dạng đang trong giai đoạn “đe dọa” sắp vỡ.
Ở giai đoạn vỡ mạch máu não, người bệnh bị đột quỵ do chảy máu não với các triệu chứng đó là: đau đầu dữ dội, tăng huyết áp, buồn nôn và/hoặc nôn, liệt nửa người, loạn ngôn hoặc mất chức năng ngôn ngữ, mơ màng hoặc rơi vào hôn mê.
Tìm hiểu thêm: Giá khám phụ khoa tại bệnh viện Thu Cúc là bao nhiêu
Đau đầu kéo dài không rõ nguyên nhân, điều trị nội khoa (uống thuốc) không đỡ thì nên đi tầm soát bệnh lý mạch máu não.
4. Phương pháp chẩn đoán
Chụp cộng hưởng từ (MRI) kết hợp với chụp mạch là phương pháp chẩn đoán hình ảnh được áp dụng để tầm soát và xác định dị dạng mạch máu não.
4.1 Chụp cộng hưởng từ (MRI) chẩn đoán dị dạng mạch não
Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tiên tiến nhất hiện nay, sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh chi tiết của não bộ và các mạch máu. MRI không chỉ giúp phát hiện các dị dạng mạch não mà còn có thể xác định được vị trí, kích thước và mức độ ảnh hưởng của chúng. Đặc biệt, kỹ thuật này không sử dụng tia X nên rất an toàn và có thể thực hiện nhiều lần mà không gây hại cho sức khỏe. MRI cũng có khả năng phân biệt tốt giữa các loại mô khác nhau, giúp phát hiện những thay đổi nhỏ trong cấu trúc mạch máu, từ đó hỗ trợ việc chẩn đoán sớm và chính xác.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu về quy trình đi khám sức khỏe xin việc
Chụp cộng hưởng từ MRI mạch não là phương pháp chẩn đoán hiện đại đang được ưu tiên ứng dụng trong tầm soát bệnh lý mạch máu não hiện nay.
4.2 Chụp mạch (Angiography) chẩn đoán dị dạng mạch não
Chụp mạch là phương pháp chẩn đoán được thực hiện bằng cách tiêm thuốc cản quang vào mạch máu và chụp X-quang để tạo ra hình ảnh rõ nét về hệ thống mạch máu trong não. Phương pháp này đặc biệt hữu ích trong việc xác định chi tiết cấu trúc của dị dạng mạch máu, bao gồm các yếu tố như luồng máu, vị trí chảy máu hoặc các tắc nghẽn.
Chụp mạch cũng giúp bác sĩ đánh giá được sự phức tạp của dị dạng, từ đó đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp nhất, bao gồm phẫu thuật, xạ trị hoặc nút mạch. Dù có tính chính xác cao, nhưng chụp mạch cũng đi kèm với một số rủi ro như dị ứng với thuốc cản quang hay biến chứng từ thủ thuật xâm lấn, do đó thường chỉ được áp dụng khi cần thiết và được kết hợp với các phương pháp chẩn đoán khác như MRI.
Tầm soát sớm để phát hiện các vấn đề về mạch máu não là điều rất cần thiết và cấp thiết để dự phòng xuất huyết do vỡ và tái vỡ. Sau khi thăm khám và chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp như tiếp tục theo dõi, hoặc sử dụng các kỹ thuật điều trị can thiệp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.