Bệnh viêm amidan khá phổ biến và dễ bắt gặp trong đời sống, đặc biệt là với đối tượng trẻ nhỏ. Viêm amidan có thể để lại khá nhiều biến chứng khó chịu và nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, công tác phòng ngừa bệnh là vấn đề quan trọng mà các bác sĩ TCI luôn lưu ý với người bệnh.
Bạn đang đọc: Tìm hiểu toàn bộ bệnh viêm amidan
1. Amidan và bệnh lý viêm amidan
1.1. Vị trí và vai trò của amidan
Amidan là cặp mô mềm sau họng, bao gồm các mô tương tự như hạch bạch huyết, là nơi giao thoa giữa đường hô hấp và đường ăn uống. Amidan có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng, bảo vệ các cơ quan bên trong cơ thể. Vị trí đặc biệt này khiến amidan thường xuyên tiếp xúc và chịu sự tấn công của các tác nhân vi khuẩn, virus, nấm,… và dễ bị viêm nhiễm.
Tổ chức amidan gồm:
– Amidan khẩu cái
– Amidan lưỡi
– Amidan vòm
– Amidan vòi
Các bộ phận này kết hợp thành vòng trong thành họng, được gọi là vòng waldeyer.
Vị trí amidan
1.2. Bệnh viêm amidan
Với vai trò bảo vệ, chống nhiễm trùng, ngăn chặn sự xâm nhập của các tác nhân có hại vào bên trong cơ thể, cùng vị trí ngõ hầu đặc biệt, amidan rất dễ bị xâm nhập và tạo thành bệnh lý viêm amidan. Viêm amidan là tình trạng viêm nhiễm tại amidan sau khi số lượng lớn virus, vi khuẩn tập hợp, tấn công khiến amidan không thể chống đỡ được và bị nhiễm trùng.
Viêm amidan được coi là bệnh lý có tính phổ biến trong đời sống, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy vậy, bệnh lý này tập trung nhiều hơn ở độ tuổi thiếu nhi và có xu hướng giảm dần ở trung niên, cao niên.
Viêm amidan có thể chẩn đoán sớm qua việc theo dõi, kiểm tra thực thể. Việc điều trị bệnh ưu tiên thực hiện các phương pháp nội khoa. Khi được phát hiện sớm, điều trị phù hợp, các triệu chứng bệnh có thể hoàn toàn biến mất sau khoảng 7 đến 10 ngày. Bên cạnh đó, với tình trạng điều trị chậm trễ hoặc không phát hiện đúng nguyên nhân viêm nhiễm, người bệnh có thể đối mặt với tình trạng lây nhiễm lan rộng cùng những biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp và toàn bộ cơ thể.
2. Các vấn đề cần tìm hiểu về bệnh lý viêm amidan
2.1. Phân loại các thể bệnh viêm amidan
Tùy theo nguyên nhân và cấp độ mà tình trạng bệnh viêm amidan được phân thành 1 trong 2 loại:
– Cấp tính: Do tình trạng vi khuẩn hoặc virus lây nhiễm gây sung huyết và xuất tiết ở vị trí thường thấy là amidan khẩu cái. Khi này, trên amidan thường có lớp phủ trắng/xám kèm tình trạng nổi hạch bạch huyết khu vực hàm và cổ.
– Mạn tính: Do tình trạng viêm nhiễm thường xuyên, tái phát nhiều lần ở amidan. Tùy theo mức độ viêm nhiễm và phản ứng của cơ thể mà amidan có thể phát triển to lên (viêm quá phát) hoặc nhỏ lại (viêm xơ teo).
2.2. Nguyên nhân viêm amidan
Các tác nhân hình thành viêm nhiễm amidan bao gồm các loại virus (cúm, ho gà, sởi,…) hoặc các loại vi khuẩn (liên cầu, tụ cầu, S.pneu hemophilus, liên cầu β tan huyết nhóm A,…). Trong đó, có nhiều chủng vi khuẩn nguy hiểm có thể để lại hậu quả xấu nếu không điều trị đúng cách.
Một số yếu tố thuận lợi khiến amidan dễ bị viêm nhiễm hơn như:
– Sự thay đổi thời tiết đột ngột, các giai đoạn chuyển mùa lạnh,…
– Tình trạng ô nhiễm
– Vệ sinh răng miệng kém
– Ăn đồ quá nóng, quá lạnh hoặc gia vị mạnh gây kích ứng amidan
– Không phòng ngừa nhiễm lạnh cẩn thận: không giữ ấm cổ họng, ngồi điều hòa quá lâu,…
– Đề kháng kém
– Cơ địa dị ứng
– Viêm nhiễm trong họng miệng: viêm VA, viêm lợi, sâu răng, viêm họng, viêm xoang,…
Tìm hiểu thêm: Đừng coi thường dấu hiệu viêm xoang mũi chảy máu
Không chỉ do môi trường hay cơ địa, vệ sinh răng miệng kém cũng dẫn đến viêm amidan
2.3. Triệu chứng nhận biết
2.3.1. Viêm amidan cấp tính
Bệnh có các dấu hiệu:
– Cảm giác lạnh, sốt.
– Người mệt mỏi
– Đau đầu
– Chán ăn
– Khô, nóng rát vùng họng
– Đau họng, đau nhói lên tai, đau cả khi nuốt/ho.
– Tiểu ít và sẫm màu
Kiểm tra thực thể người bệnh, có thể thấy: lưỡi trắng, miệng khô, niêm mạc họng đỏ; amidan sưng to và đỏ, có thể xuất hiện những chấm mủ trắng ở miệng các hốc hoặc lớp phủ trên bề mặt amidan. Khi này, cần nghi ngờ viêm amidan mủ do vi khuẩn gây nên. Trong trường hợp tổ chức lympho sau họng to và đỏ, có thể đó là viêm amidan ban đỏ, do virus gây nên.
Xét nghiệm công thức máu, có thể thấy số lượng bạch cầu cao trên 10G/l, nhiều bạch cầu đa nhân trung tính. Nước tiểu ít khi có albumin.
2.3.2. Viêm amidan mạn tính
Dấu hiệu:
– Triệu chứng toàn thân nghèo nàn, có thể giống hoặc ít triệu chứng hơn so với thể cấp tính.
– Đôi khi ngấy sốt về chiều, người lạnh
– Cảm giác nuốt vướng ở họng như có dị vật họng kèm tình trạng đau. Đau lan lên tai.
– Hơi thở có mùi
– Ho, khàn tiếng
– Ngủ ngáy (thường ở trẻ)
Kiểm tra thực thể, có thể thấy trên bề mặt amidan nhiều khe hốc chứa các chất bã đậu và thường có mủ màu trắng. Ở thể quá phát, amidan to, lấn vào và làm hẹp khoang họng. Theo hình dạng, cuống, kích thước amidan, các bác sĩ sẽ xếp loại amidan quá phát thành các loại: A1, A2, A3.
Thể amidan xơ teo có thể gặp ở người lớn. Khi này, amidan nhỏ, bề mặt có xơ trắng thể hiện viêm nhiễm nhiều lần. Amidan đỏ sẫm. Khi ấn vào, có thể thấy mủ hôi ở các hốc lộ ra/
Cận lâm sàng bệnh viêm amidan mạn tính, người ta đã đề xuất nhiều test chẩn đoán xác định như Test Viggo – Schmidt, Test Le Mee, đo tỷ lệ ASLO trong máu,…
Ngoài ra, cần phân biệt bệnh viêm amidan với các bệnh lý khác như bệnh bạch hầu, lao amidan giang mai, ung thư amidan,… để điều trị đúng bệnh.
3. Điều trị
Các bác sĩ TCI cũng cảnh báo: rất nhiều người bệnh khi đến bệnh viện chữa bệnh khi tình trạng viêm amidan đã rất nặng, có thể chưa điều trị theo bất cứ hình thức nào, có thể đã tự uống thuốc khi chưa khám bệnh phù hợp, dẫn đến tình trạng viêm amidan rất nặng. Khi đó, việc điều trị khó khăn hơn, và thậm chí phải sử dụng đến các hình thức phẫu thuật để loại bỏ viêm nhiễm và phòng ngừa biến chứng cho người bệnh.
Các bác sĩ nhấn mạnh: việc thăm khám cẩn trọng là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả điều trị. Do đó, khi nghi ngờ các dấu hiệu viêm amidan, người bệnh nên sớm đến các cơ sở tai mũi họng để được khám và điều trị phù hợp, kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Khi nào thì cắt amidan? Phẫu thuật có phải là duy nhất?
Cận cảnh phẫu thuật amidan tại TCI
Với thể viêm amidan cấp tính, các bác sĩ thường hướng bệnh nhân đến việc điều trị nội khoa: các thuốc điều trị, vệ sinh răng miệng, bổ sung nâng đỡ cơ thể và kết hợp ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt phù hợp.
Phẫu thuật cắt amidan với thể amidan mạn tính hiện nay đã phổ biến, nhưng vẫn cần chủ định chặt chẽ từ bác sĩ. Chỉ khi nào amidan trở thành ổ viêm gây hại cơ thể thì việc cắt amidan mới được xem xét. Đó là khi:
– Viêm amidan xảy ra trên 5 lần/năm
– Biến chứng nặng
– Nguy cơ biến chứng xa: viêm màng ngoài tim, viêm khớp, nhiễm trùng huyết,…
– Tình trạng thở – nói – nuốt khó khăn
Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng căn cứ tình trạng của bệnh nhân và đình chỉ phẫu thuật khi cần thiết.
Nhận định chung:
Bệnh viêm amidan nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống do những triệu chứng kèm theo của bệnh. Không chỉ thế, bệnh có thể để lại những biến chứng nặng như: tình trạng viêm tấy họng, viêm họng mãn tính, viêm hạch cổ, viêm mũi xoang, bệnh tai giữa, viêm thanh khí phế quản,… Với một số chủng tác nhân đặc biệt, viêm amidan còn có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm khớp, viêm thận, thận khuẩn huyết,… nguy hiểm.
Chính vì thế, cần chủ trương phòng bệnh với việc bảo vệ hầu họng, nâng cao miễn dịch, điều trị các bệnh lý liên quan,… Đặc biệt, cần cẩn trọng nhận biết các dấu hiệu bệnh viêm amidan, thăm khám sớm tại các cơ sở tai mũi họng uy tín để được điều trị theo phác đồ phù hợp, đúng nguyên nhân và bệnh lý.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.