Tìm hiểu về sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang

Sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang là sỏi nằm ở vị trí nào, gây ra triệu chứng gì cho người bệnh, điều trị loại bỏ sỏi như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để có những kiến thức hữu ích về loại sỏi có tên gọi đặc biệt này. 

Bạn đang đọc: Tìm hiểu về sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang

1. Sỏi niệu quản nội thành bàng quang nằm ở đâu?

Niệu quản là đường ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, trong khi niệu đạo là đường ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra môi trường bên ngoài cơ thể. Chính vì vậy người bệnh nhân nên phân biệt và hiểu chính xác hai dạng sỏi niệu quản và sỏi niệu đạo là hai loại sỏi ở hai vị trí khác nhau, tránh nhầm lẫn.

Sỏi niệu quản là sỏi có thể nằm ở một hoặc hai ống niệu quản, đường ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang. Sỏi có thể nằm ở vị trí ⅓ trên, ⅓ giữa hoặc ⅓ dưới của niệu quản. 

Vậy sỏi niệu quản nội thành bàng quang là sỏi nằm ở vị trí nào? Câu trả lời đó là sỏi nằm ở niệu quản đoạn ⅓ dưới với vị trí cụ thể là đoạn nối niệu quản vào bàng quang có độ chếch xuống dưới vào trong, tạo thành một van sinh lý có công dụng tránh trào ngược bàng quang niệu quản. Đây là một trong 3 vị trí hẹp sinh lý tự nhiên của niệu quản.

Tìm hiểu về sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang

Sỏi niệu quản đoạn nội thành hay sát thành bàng quang là một dạng sỏi niệu quản

2. Mối liên hệ giữa khả năng di chuyển của sỏi và mức độ biến chứng

Đối với sỏi niệu quản đoạn ⅓ dưới khả năng di chuyển xuống đường tiết niệu thấp dễ dàng hơn so với sỏi ở những vị trí đoạn cao. Khi sỏi di chuyển được qua đoạn hẹp sẽ trôi xuống bàng quang trở thành sỏi bàng quang

Khi sỏi nằm tại vị trí đoạn nội thành bàng quang, là vị trí hẹp niệu quản tự nhiên tiếp giáp với bàng quang và có đường kính nhỏ chỉ khoảng 2-3mm. Chính bởi kích thước đường kính nhỏ nên có nguy cơ cao sỏi kẹt tại vị trí này, khó di chuyển xuống thấp hơn là bàng quang. Từ đó quá trình lưu thông nước tiểu từ thận xuống bàng quang dễ dàng bị cản trở, có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nếu không loại bỏ sỏi kịp thời.

– Những cơn đau quặn thận xuất hiện, người bệnh đau vùng hông lưng ở một hoặc hai bên tùy vào vị trí sỏi xuất hiện ở một cả hai niệu quản.

– Có khả năng đi tiểu thường xuyên, tiểu rắt, tiểu bí, nước tiểu có thể lẫn máu.

– Nghiêm trọng hơn người bệnh có thể gặp tình trạng nước tiểu chảy ngược dòng vào thận gây thận ứ nước, giãn đài bể thận

– Người bệnh có thể gặp tình trạng sốt, ớn lạnh… khi bệnh có dấu hiệu nhiễm trùng, viêm nhiễm đường niệu

– Các tình trạng ứ nước, ứ mủ, giãn đài bể thận, nhiễm khuẩn đường tiết niệu kéo dài sẽ khiến thận suy giảm chức năng, dẫn đến suy thận cấp – mạn tính.

3. Phương pháp điều trị loại bỏ sỏi nội thành bàng quang hiệu quả

Hiện nay có hai phương pháp phổ biến được sử dụng để điều trị sỏi niệu quản nội thành bàng quang hiệu quả đó là điều trị nội khoa sử dụng thuốc và điều trị ngoại khoa bằng tán sỏi nội soi ngược dòng.

3.1  Sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang – Điều trị nội khoa sử dụng thuốc

Dựa vào tình trạng bệnh sau khi thực hiện những xét nghiệm chẩn đoán cần thiết, bác sĩ sĩ chỉ định người bệnh sử dụng thuốc kết hợp với chế độ ăn uống sinh hoạt hàng ngày để dẫn sỏi ra bên ngoài cơ thể.

Trong quá trình điều trị người bệnh có thể được sử dụng các loại thuốc chống viêm, kháng sinh, thuốc giãn cơ trơn… Thuốc được kê theo liệu trình, do vậy người bệnh cần thăm khám theo đúng chỉ định của bác sĩ để đánh giá khả năng di chuyển của sỏi. 

Người bệnh lưu ý tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc, ngoài ra cần tránh dùng thuốc nam, thuốc lá mà không rõ nguồn gốc, không được bảo quản hoặc phơi sấy đúng tiêu chuẩn. Điều này có thể làm tình trạng bệnh của bạn có thể diễn biến nặng hơn.

3.2 Tán sỏi nội soi ngược dòng  loại bỏ sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang

Do sỏi nằm ở đoạn ⅓ dưới của niệu quản và tiếp giáp với bàng quang nên nằm trong chỉ định áp dụng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser. Quá trình sỏi được loại bỏ thực hiện hoàn toàn thông qua đường tự nhiên là đường tiểu. Một máy nội soi chuyên dụng được đưa vào niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra bên ngoài cơ thể), vào bàng quang, lên niệu quản tiếp cận sỏi. Sỏi sau khi được xác định sẽ bị bắn phá vụn bằng năng lượng laser từ dây dẫn laser. Và cuối cùng vụn sỏi sẽ được lấy hết ra ngoài thông qua rọ gắp sỏi. 

Toàn bộ quá trình thực hiện hoàn toàn không có vết mổ, không chảy máu ngoài da, do đó mang đến rất nhiều lợi ích cho người bệnh:

– Khả năng phục hồi nhanh chóng, rút ngắn nhiều thời gian điều trị 

– Hiệu quả sạch sỏi cao, ít gây biến chứng nhiễm trùng 

– Ít đau, năng lượng laser chỉ tác động đến sỏi, an toàn cho đường tiết niệu

– Thời gian nằm viện chỉ khoảng 24-48h tùy vào sức khỏe của người bệnh. Rút ngắn thời gian rất nhiều so với phương pháp mổ mở truyền thống nằm viện lên đến 1-2 tuần.

Tìm hiểu thêm: Sỏi thận và những phương pháp chữa sỏi thận hiệu quả nhất

Tìm hiểu về sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được áp dụng đối với sỏi niệu quản 1/3 dưới, sỏi niệu quản 1/3 giữa, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo

4. Lời khuyên trong quá trình điều trị sỏi niệu quản

Bệnh nhân được điều trị bằng bất kỳ phương pháp nào như đã nêu phía trên đều cần lưu ý:

– Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh giữ sỏi lâu trong cơ thể khiến tình trạng bệnh diễn biến xấu. Lúc này người bệnh mất nhiều thời gian, chi phí và gặp khó khăn hơn trong quá trình điều trị. 

– Tái khám định kỳ như chỉ định của bác sĩ trực tiếp điều trị để đánh giá tình trạng sạch sỏi, khả năng tái phát

– Ngoài ra cần có chế độ ăn uống hợp lý: Nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả để hỗ trợ quá trình đào thải sỏi diễn ra dễ dàng

– Sau khi tán sỏi người bệnh được xuất viện trở về nhà không nên vận động mạnh, làm việc nặng, chơi thể thao ngay, bởi có thể kích thích sonde JJ trong cơ thể. Nên luyện tập thể dục thể thao hàng ngày sau khi quá trình tán sỏi hoàn toàn kết thúc.

Tìm hiểu về sỏi niệu quản đoạn nội thành bàng quang

>>>>>Xem thêm: Viêm đường tiết niệu ở trẻ: Những thông tin cơ bản

Nên uống nhiều nước và luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để tránh sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang hay sỏi niệu đạo

5. Kết luận

Sỏi niệu quản sát thành bàng quang có khả năng di chuyển ra ngoài hay không cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, vì vậy người bệnh nên đi thăm khám sớm nếu có bất kỳ dấu hiệu nào. Từ đó dựa trên những kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp nhất. Lựa chọn thăm khám và điều trị loại bỏ sỏi kịp thời sẽ giúp bạn tránh những biến chứng xấu ghé thăm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *