Hiện nay, với tình trạng ngày càng có nhiều mẹ bầu đẻ mổ thì việc bị ứ dịch vết mổ đẻ cũ là rất dễ gặp. Không chỉ khiến cho các mẹ phải đối diện với nhiều vấn đề sức khỏe như rong kinh, rong huyết, nhiễm trùng, gây mất thẩm mỹ,… tình trạng này còn là nguyên nhân dẫn đến vô sinh thứ phát.
Bạn đang đọc: Tình trạng ứ dịch vết mổ đẻ cũ ảnh hưởng thế nào?
1. Những điều cần rõ về tình trạng ứ dịch tại vết mổ đẻ cũ
Bất cứ mẹ bầu nào chọn phương án sinh mổ, đẻ mổ chắc hẳn cũng từng nghe tới hiện tượng ứ dịch tại vết mổ đẻ cũ. Đây là một trong những biến chứng hậu sản dễ gặp ở những mẹ sinh mổ, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, khó kiểm soát.
1.1. Ứ dịch vết mổ đẻ cũ là gì?
Ứ dịch tại vết mổ sau sinh hay còn có tên gọi là tụ dịch vết mổ đẻ cũ là khi vết nứt tại vùng eo phía thành trước tử cung, vị trí sẹo mổ đẻ cũ có lớp dịch đọng lại. Nguyên nhân của tình trạng này đa phần do vết mổ tử cung bị hở do:
– Sẹo mổ nằm tại vị trí quá thấp so với cổ tử cung.
– Mổ đẻ nhiều lần, hình thành nhiều sẹo cũ.
– Tử cung ngả sau.
– Chuyển dạ kéo dài.
– Cổ tử cung mở rộng.
– Đoạn dưới tử cung quá mỏng và mảnh.
– Kỹ thuật khâu, trình độ chuyên môn trong xử lý vết mổ của bác sĩ chưa tốt.
1.2. Triệu chứng ứ dịch vết mổ đẻ cũ có dễ phát hiện không?
Tụ dịch vết mổ, ứ dịch tại vết mổ đẻ cũ thể hiện qua những triệu chứng nào? Theo các bác sĩ chuyên khoa, phần lớn sản phụ sau đẻ mổ, gặp tình trạng ứ dịch tại vết mổ đẻ đều không có biểu hiện gì bất thường. Tình trạng này chỉ được phát hiện khi các mẹ thực hiện kiểm tra tình trạng vết mổ qua siêu âm phụ khoa.
Nếu được xử lý không tốt trong lần đẻ mổ trước, chị em hoàn toàn có thể gặp phải tình trạng ứ dịch vết mổ đẻ cũ
Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp ứ dịch vết mổ biểu hiện qua triệu chứng rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, rong huyết, thời gian hành kinh kéo dài, đau tiểu khung mãn tính, đau, khó chịu khi giao hợp, đau bụng kinh.
2. Tình trạng ứ dịch, tụ dịch vết mổ đẻ cũ có ảnh hưởng tới khả năng thụ thai không?
Hiện nay, tỷ lệ mổ lấy thai, đẻ mổ do các vấn đề biến chứng, sức khỏe trong thai kỳ khá cao. Vì vậy, các trường hợp ứ dịch vết mổ cũng không quá hiếm gặp. Những trường hợp này có nguy cơ vô sinh thứ phát do ứ dịch làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình phục hồi và ổn định chức năng của tử cung sau sinh.
Như đã chia sẻ, đây là một biến chứng sản khoa thường xuất hiện ở phụ nữ sau sinh. Không chỉ làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, ứ dịch tại vết mổ đẻ cũ còn gây sẹo dính, ảnh hưởng chức năng tử cung, khiến cho trứng được thụ tinh khó có thể làm tổ. Từ đó, phụ nữ cũng khó mang thai khi bị ứ dịch, tụ dịch tại vết mổ.
Tìm hiểu thêm: Vòng tránh thai và quy trình đặt vòng – Những điều chị em muốn biết
Các trường hợp ứ dịch vết mổ đẻ không hiếm gặp, thường phải chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng
Rất nhiều trường hợp phải thực hiện điều trị phức tạp, mất nhiều thời gian mới có thể giải quyết được hậu quả của ứ dịch vết mổ sau sinh. Mục đích, ý nghĩa của việc điều trị ứ dịch vết mổ đều hướng tới việc giúp sản phụ có thể mang thai bình thường. Phương pháp điều trị chủ yếu là cắt lọc sẹo xơ, cứng và khâu để phục hồi sẹo.
Cụ thể, các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi buồng tử cung để giúp xử lý phần tụ dịch của vết mổ. Đồng thời, các vấn đề bất thường cũng được xử lý. Người bệnh được thực hiện đốt bề mặt niêm mạc và giải quyết các mạch máu bị ứ, tắc, cắt bờ tổn thương, tạo cho gờ sẹo mỏng hơn.
Việc chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời sẽ giúp sản phụ kiểm soát được tình trạng vết mổ tử cung tốt hơn, phòng tránh được biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới khả năng mang thai.
3. Làm sao để chẩn đoán tình trạng ứ dịch tại vết mổ đẻ cũ?
Với phụ nữ sau đẻ mổ, việc phát hiện các vấn đề về vết mổ như ứ dịch sẽ được chẩn đoán qua siêu âm, tái khám sau sinh. Từ khoảng 3 tuần sau sinh, sản phụ nên đi khám lại để bác sĩ nắm rõ tình trạng hiện tại, xem xét về quá trình phục hồi của vết mổ, từ đó đưa ra nhận định vết mổ có đang gặp phải vấn đề gì không, có bị ứ dịch hay nhiễm trùng không. Những phương án giúp chẩn đoán chính xác tình trạng ứ dịch tại vết mổ đẻ cũ gồm:
– Siêu âm chẩn đoán hình ảnh 2D, 3D
– Siêu âm bơm nước vào buồng tử cung, từ đó xác định được tình trạng vết mổ tử cung và những tổn thương bên trong.
– Soi, kiểm tra buồng tử cung
– Chụp tử cung – vòi tử cung, kiểm tra, khảo sát tình trạng tử cung có phục hồi ổn định không bằng cách bơm thuốc đối quang.
– MRI tử cung, cho thấy những hình ảnh các bất thường tại tử cung, vùng chậu,…
– Nội soi buồng tử cung, phát hiện những yếu tố đe dọa khả năng sinh sản. Đặc biệt, những trường hợp phát hiện bất thường sau thực hiện siêu âm tử cung cần được nội soi để chẩn đoán chính xác, kỹ càng hơn.
>>>>>Xem thêm: Điều trị nang ở phổi thế nào?
Phụ nữ sau đẻ mổ, việc phát hiện các vấn đề về vết mổ như ứ dịch sẽ được chẩn đoán qua siêu âm, tái khám sau sinh
Để hạn chế gặp phải biến chứng tụ dịch vết mổ đẻ, chị em nên lưu ý một số vấn đề sau:
– Cố gắng sinh thường nếu tình trạng sức khỏe thai kỳ cho phép.
– Không nên chọn ngày, giờ sinh mổ chủ động và nên mổ đẻ ở sát ngày dự sinh, như vậy quá trình liền sẹo vết mổ đẻ sẽ thuận lợi và nhanh chóng hơn.
– Khám thai định kỳ, thường xuyên sát sao với sức khỏe thai kỳ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho quá trình sinh nở.
– Lựa chọn cơ sở y tế chuyên khoa có khoa Phụ sản riêng biệt, có đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi, đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại.
– Sau sinh, các mẹ nên chủ động hỏi ý kiến bác sĩ về việc chăm sóc vết mổ tại nhà.
– Quá trình lưu viện, mẹ có thể chú ý các thao tác, hướng dẫn của điều dưỡng khi chăm sóc, vệ sinh vết mổ và có thể sử dụng các dịch vụ kích thích vết mổ nhanh phục hồi như chiếu Plasma.
Để phòng tránh biến chứng ứ dịch vết mổ đẻ cũ, các mẹ cần nhớ lưu tâm đến việc sàng lọc trước sinh. Ngay cả khi gặp phải tình trạng này, sản phụ cũng cần bình tĩnh, đến ngay cơ sở y tế đã thực hiện sinh mổ thật sớm để được nhận những lời khuyên, sự hỗ trợ phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.