Các bệnh lý về tim mạch được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng” bởi những diễn biến diễn ra trong âm thầm nhưng lại vô cùng nguy hiểm. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm những dấu hiệu của bệnh tim mạch vành là cách để bảo vệ bản thân và những người trong gia đình trước những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Sau đây là thông tin về bệnh mạch và 6 dấu hiệu bệnh tim mạch vành thường gặp giúp bạn nhận diện.
Bạn đang đọc: Top 6 dấu hiệu của bệnh tim mạch vành bạn không thể bỏ qua
1. Bệnh tim mạch vành là gì?
Bệnh mạch vành là bệnh lý xuất hiện khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hoặc cản trở do các mảng xơ vữa hình thành (xơ vữa động mạch) và tích tụ nhiều trong mạch máu. Các động mạch vốn dĩ mềm mại và có độ đàn hồi tốt, nay trở nên bị hẹp hơn và xơ cứng lại do sự xuất hiện của những mảng bám trong thời gian dài. Xơ vữa động mạch vành thường do sự tích tụ cholesterol (LDL Cholesterol) hoặc một số chất khác bám lên thành mạch vành tạo nên.
Bệnh tim mạch vành rất nguy hiểm bởi khi bệnh trở nên nặng hơn, máu sẽ lưu thông kém khiến tim không thể nhận được đủ oxy và máu để duy trì sự sống, gây ra các cơn đau thắt ngực và nguy hiểm hơn là nhồi máu cơ tim. Bên cạnh những nguy cơ đó, bệnh mạch vành cũng khiến tim phải hoạt động nhiều (co bóp nhiều để bơm máu và oxy đến các cơ quan), điều này khiến tim suy yếu nhanh chóng gây bệnh suy tim hay rối loạn nhịp tim.
Bệnh tim mạch vành nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
2. Những ai dễ mắc bệnh mạch vành?
Tuổi tác hay tiền sử gia đình là một trong những yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch vành. Đa phần những người dễ mắc bệnh lý mạch vành thường là nam giới ở độ tuổi 50 trở lên và nữ giới trên 55 tuổi. Tuổi càng cao thì bệnh mạch vành cũng càng dễ xuất hiện. Thông thường nam giới sẽ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới, nhưng nữ giới khi ở giai đoạn mãn kinh lại có tỉ lệ cao hơn.
Nhất là những người đang mắc các bệnh lý như: tiểu đường (đái tháo đường), cao huyết áp, suy thận, béo phì, rối loạn mỡ máu… Ngay khi có những dấu hiệu bệnh mạch vành, bạn cần thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa tim mạch để tìm đúng nguyên nhân, điều trị kịp thời nhanh chóng, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
3. Những dấu hiệu của bệnh tim mạch vành
3.1. Đau thắt ngực – dấu hiệu của bệnh tim mạch vành điển hình
Các cơn đau thắt ngực là biểu hiện điển hình hay gặp ở bệnh tim mạch. Cơn đau đôi khi chỉ “mơ hồ” thoáng quá, người bệnh chỉ cảm thấy hơi tức ngực chứ không đau hoàn toàn. Nhưng có những trường hợp cơn đau xuất hiện đột ngột, dữ dội với các biểu hiện:
– Cảm giác căng, ép chặt hay bóp nghẹt lồng ngực
– Đau lan ra cổ, vai, lưng, cánh tay, hàm
– Cơn đau kéo dài trong vài phút, nặng hơn thì gắng sức và giảm dần khi nghỉ ngơi
– Khó thở, chóng mặt và hoa mắt
– Đổ mồ hôi, buồn nôn và nôn
Chứng đau thắt ngực còn có thể là biểu hiện của một số bệnh lý khác, tuy nhiên bệnh tim mạch thường phổ biến nhất và cũng là nguy hiểm nhất, cần phải được thăm khám và điều trị từ sớm.
Chứng đau thắt ngực có thể là dấu hiệu khá điển hình của bệnh tim mạch vành.
3.2. Hoa mắt chóng mặt
Cảm giác chóng mặt, hoa mắt chiếm khoảng 30% các dấu hiệu của bệnh mạch vành, chủ yếu xuất hiện ở những người lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên. Thường do não không được cung cấp đủ máu và oxy bởi một trong các nguyên nhân sau:
– Xơ vữa động mạch
– Cơ thể thiếu máu
– Mất nước/ thiếu nước
– Rối loạn nhịp tim
– Đường huyết tăng
– Tụt huyết áp
– Đột quỵ
3.3. Đánh trống ngực là dấu hiệu của bệnh tim mạch vành
Đánh trống ngực là tình trạng tim đập bất thường, đây cũng là triệu chứng phổ biến báo hiệu các bệnh lý tim mạch. Các bệnh nhân đều mô tả giống như tim đập lệch, nhịp đập lạ hoặc gần như dừng hoạt động, có lúc đập nhanh, có lúc lại đập chậm.
Có thể nói, nguyên nhân chính gây ra tình trạng đánh trống ngực ở bệnh nhân là do rối loạn nhịp tim. Tình trạng này được ghi trong hồ sơ bệnh án với cái tên: ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, rung nhĩ và nhịp tim nhanh trên thất. Đôi khi sẽ có một số trường hợp tim đập rất nhanh và cần phải đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.
3.4. Mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày
Tình trạng thiếu máu và oxy lên não do bệnh lý tim mạch hoặc do cơ thể làm việc quá sức dễ khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ “ngáp ngắn, ngáp dài”. Ngoài ra, mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày có thể do người bệnh bị rối loạn giấc ngủ vào ban đêm (mất ngủ, ngủ nhiều, rối loạn hành vi khi ngủ.
Tìm hiểu thêm: Chuyên gia hướng dẫn 7 cách phòng ngừa đột quỵ
Suy tim có thể khiến bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, buồn ngủ
3.5. Khó thở là dấu hiệu của bệnh tim
Chứng suy tim có thể bắt nguồn từ bệnh mạch vành, đây là một trong những nguyên nhân gây tình trạng khó thở. Bệnh nhân bị suy tim thường bị khó thở khi gắng sức, trong trường hợp nặng hơn có thể gặp khó thở ngay cả khi nghỉ ngơi. Một số bệnh nhân xuất hiện tình trạng đang ngủ đột nhiên dậy thở hổn hển vào ban đêm, đây được gọi là “khó thở kịch phát về đêm”. Thậm chí một số bệnh lý liên quan đến tim mạch khác như các bệnh liên quan đến van tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý hô hấp, đều có thể khiến bệnh nhân khó thở.
3.6. Ngất xỉu và mất ý thức
Ngất xỉu và mất ý thức là trường hợp nguy hiểm, mất tạm thời hoặc đột ngột ý thức là một triệu chứng khá phổ biến ở nhiều người có thể do căng thẳng, hoảng hốt lo sợ, chỉ cần nghỉ ngơi, giữ bình tĩnh là sẽ hết. Tuy nhiên, ngất xỉu cũng có thể là dấu hiệu bệnh tim mạch, có thể đe doạ đến tính mạng.
Đó là khi lượng máu hoặc oxy đến não bị giảm đột ngột nhanh chóng, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách “tắt” bớt một số hoạt động của các cơ quan. Do vậy, khi thấy có người ngất xỉu, bạn cần phải biết rõ nguyên nhân ở đây là gì.
Một số các bệnh lý về tim mạch khiến người bệnh có thể ngất như: nhịp tim chậm đột ngột, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, hẹp van động mạch chủ, hẹp động mạch phổi,…Ngoài ra, còn có những nguyên nhân nữa khiến bệnh nhân đột ngột ngất xỉu như bị tại biến mạch máu não (đột quỵ) do tắc mạch máu não (nhồi máu não) hoặc vỡ mạch máu não (xuất huyết mạch máu não) người bệnh ngất xỉu cần được cấp cứu kịp thời nếu không sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.
>>>>>Xem thêm: Tìm hiểu về bệnh xơ vữa động mạch
Ngất xỉu là biểu hiện của bệnh tim mạch vành giai đoạn nặng, báo hiệu cơn nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ não.
4. Phải làm gì để phòng tránh bệnh tim mạch vành?
Thực hiện các phương pháp phòng ngừa bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh như:
– Không hút thuốc lá
– Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút một ngày
– Giảm thiểu stress, căng thẳng kéo dài
– Giảm ăn muối, mỡ và phủ tạng động vật
– Hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt gây tăng cân
Bên cạnh đó, bạn nên đi thăm khám và điều trị các bệnh lý liên quan trực tiếp đến động mạch vành như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân béo phì,… theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khám sức khỏe định kỳ thường xuyên, để luôn đảm bảo sức khỏe ổn định nhất và sớm phát hiện tình trạng bệnh lý, điều trị kịp thời tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Hi vọng qua bài viết bạn đã nắm được các dấu hiệu của bệnh tim mạch vành để có thể phát hiện bệnh sớm và điều trị hiệu quả. Nếu có bất cứ biểu hiện nào của bệnh, hãy tới gặp các chuyên gia tim mạch ngay để được chẩn đoán chính xác, tránh chủ quan hoặc bỏ qua dẫn đến những hậu quả nghiệm trọng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.