Trào ngược axit dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến xảy ra ở độ tuổi ngoài 30. Rất nhiều người nhầm lẫn trào ngược với chứng ợ hơi, ợ chua, ợ nóng nên sinh ra tâm lý chủ quan không điều trị. Thực tế, căn bệnh này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, do đó cần có biện pháp xử lý kịp thời.
Bạn đang đọc: Trào ngược axit: hệ quả và phương pháp điều trị
1. Khái quát về trào ngược axit
Trào ngược axit (tên gọi khác của trào ngược dạ dày thực quản – GERD) là tình trạng xảy ra khi cơ thắt thực quản hoạt động kém hiệu quả làm dịch axit, dịch mật, thức ăn từ dạ dày đi ngược lên thực quản, gây kích thích niêm mạc thực quản.
Bệnh xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
– Thực quản có vấn đề: do suy cơ thắt dưới thực quản, thoát vị hoành.
– Dạ dày có vấn đề (Viêm dạ dày, ung thư dạ dày và hẹp môn vị…)
– Do béo phì.
– Các bệnh lý khác như: tổn thương hệ thần kinh phó giao cảm thực quản, bệnh lý nhiễm trùng ở thực quản, bệnh lý di truyền, chấn thương…
– Lo âu, căng thẳng.
– Lối sống thiếu khoa học.
– Ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của các loại thuốc giảm đau, chống viêm.
Tại Việt Nam có hơn 7 triệu người mắc trào ngược axit dạ dày. Trên thực tế, con số có thể tiếp tục tăng do lối sống thiếu kiểm soát của phần lớn cư dân trẻ.
2. Hệ quả của bệnh trào ngược axit
Trào ngược axit dạ dày có thể gây hại hoặc không gây hại, phụ thuộc vào dạng bệnh mà bạn mắc phải. Trường hợp trào ngược sinh lý thường không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất của cơ thể. Trong khi trào ngược bệnh lý có thể dẫn đến các biến chứng hô hấp – tiêu hóa, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ tử vong.
Đối với trào ngược bệnh lý, nếu không chủ động điều trị hoặc điều trị sai cách, người bệnh sẽ phải đối mặt với các tình trạng nghiêm trọng như:
2.1 Viêm loét thực quản
Là tình trạng niêm mạc thực quản bị tổn thương bởi axit đẩy lên từ dạ dày, gây ra những tổn thương viêm loét. Người bệnh thường cảm thấy đau rát khi nuốt, đau xương ức. Trường hợp nặng hơn có thể gây rò và xuất huyết thực quản.
2.2 Chít hẹp thực quản
Khá phổ biến ở người bị trào ngược. Tình trạng này không chỉ gây khó khăn cho việc vận chuyển, lưu thông thức ăn từ dạ dày xuống miệng dẫn tới khó nuốt, ăn uống kém, cơ thể suy kiệt,… mà còn ảnh hưởng đến đường hô hấp, khiến người bệnh cảm thấy khó thở.
2.3 Barrett thực quản
Được ghi nhận ở các bệnh nhân mắc trào ngược axit trong thời gian dài. Đây là tình trạng xảy ra khi thực quản cố gắng tự chữa lành vết thương gây ra bởi axit, khiến các tế bào trong thực quản thay đổi tính chất và cấu trúc vốn có. Bệnh thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng nên rất dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua. Tuy nhiên tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ tiến triển thành ung thư thực quản.
Tìm hiểu thêm: Có nên cắt trĩ ngoại không? Khi nào cần tiến hành cắt trĩ?
Vẫn có một số người bệnh được chẩn đoán Barrett thực quản nhưng chưa bao giờ có triệu chứng ợ nóng hoặc trào ngược axit
2.4 Ung thư thực quản – biến chứng nguy hiểm nhất của trào ngược axit
Ở giai đoạn sớm thường không gây ra triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng. Bệnh khi tiến triển có thể xuất hiện các dấu hiệu phổ biến như: nuốt nghẹn, nôn, tăng tiết nước bọt, sụt cân… Bệnh có thể điều trị nhưng tỉ lệ sống trung bình 5 năm chỉ từ 5% – 30% do hầu hết người bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi ung thư đã lan rộng và di căn.
Ngoài ra, việc gia tặng lượng axit tại thực quản còn gây ra các bệnh như viêm phế quản, viêm phổi, viêm họng, viêm xoang… Người bị bệnh trào ngược cũng có nguy cơ bị khàn tiếng, mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp…
3. Điều trị hiệu quả trào ngược axit dạ dày
Với những biến chứng nêu trên, bệnh trào ngược axit dù phổ biến nhưng vẫn là bệnh lý không thể coi thường. Người bệnh khi nghi ngờ các triệu chứng sau đây, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời:
– Ợ nóng, ợ hơi, ợ chua
– Trào ngược
– Nuốt khó
Ngoài ra, người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng không điển hình bao gồm:
– Đau ngực (khác với triệu chứng bệnh tim mạch)
– Hen suyễn, viêm phổi
– Khàn tiếng. ho, sặc
3.1 Chẩn đoán
Dựa trên triệu chứng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp kiểm tra khác nhau tùy thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân. Sau khi thăm khám lâm sàng, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm như: đo nồng độ axit, dùng nhân trắc học thực quản, chụp X-quang có thuốc phản quang, xem xét độ pH thực quản, nội soi.
Kết quả chính xác từ chẩn đoán sẽ giúp người bệnh sớm phát hiện bệnh và chủ động trong điều trị bệnh trào ngược axit dạ dày.
3.2 Cách điều trị trào ngược axit hiệu quả
Điều trị cho bệnh nhân mắc trào ngược dạ dày được thực hiện nhằm đạt tới mục tiêu: kiểm soát triệu chứng, làm lành tổn thương và hạn chế nguy cơ biến chứng. Để đạt được điều này, các bác sĩ có thể chỉ định người bệnh sử dụng một hoặc kết hợp nhiều phương pháp.
Điều chỉnh lối sống
Có thể nói chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt là những yếu tố tác động không nhỏ đến mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bệnh. Do đó, để làm thuyên giảm các triệu chứng, người bệnh nên xây dựng lối sống lành mạnh bằng cách thực hiện các điều sau:
– Hạn chế ăn các món chiên, xào, nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay
– Bổ sung các thực phẩm thân thiện với dạ dày như bánh mì, ngũ cốc, chuối, đạm dễ tiêu (thịt, cá nạc)
– Không hút thuốc, sử dụng thường xuyên các đồ uống có cồn, cafein: rượu, bia, cà phê
– Không ăn quá no, ăn tối quá muộn hoặc nằm ngay sau khi ăn.
– Tăng cường vận động mỗi ngày, tránh tình trạng thừa cân, béo phì.
Dùng thuốc
Trào ngược dạ dày có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt. Vậy nhưng, cũng có những người bệnh trào ngược dạ dày cần phải dùng đến thuốc để có kết quả nhanh chóng và rõ rệt.
Một số loại thuốc thường được kê đơn để điều trị chứng trào ngược axit bao gồm:
– Thuốc kháng axit, trung hòa axit dạ dày
– Thuốc giảm quá trình sản xuất axit ( thuốc chẹn H2, thuốc ức chế bơm Proton)
– Thuốc ức chế proton để làm giảm axit dạ dày
– Thuốc hỗ trợ kích thích nhu động (Prokinetics) giúp làm rỗng dạ dày
>>>>>Xem thêm: Triệu chứng sớm của bệnh viêm dạ dày ruột do virus
Điều trị nội khoa trào ngược axit là phương pháp đem lại hiệu quả cao
Phẫu thuật
Hầu hết bệnh nhân sau khi dùng thuốc thường cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong trường hợp điều trị nội khoa không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể tư vấn người bệnh thực hiện mổ để củng cố, thắt chặt cơ vòng thực quản dưới (Fundoplication) giúp ngăn trào ngược.
Trào ngược axit dạ dày với các triệu chứng bệnh vẫn hằng ngày gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống của người dân. Để ngăn chặn, giảm thiểu những tác động không mong muốn này, cách tốt nhất là người bệnh đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và tư vấn liệu trình điều trị phù hợp, hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.