Trào ngược dạ dày thực quản là bệnh lý tiêu hóa phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng do lối “sống vội” của phần lớn người dân. Vậy bệnh lý này làm sao để nhận biết và chữa trị như thế nào cho hiệu quả? Thu Cúc sẽ giúp bạn giải đáp.
Bạn đang đọc: Trào ngược dạ dày thực quản: Nhận biết và cách chữa trị
1. Hiểu về bệnh trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng dịch dạ dày gồm acid HCL, pepsin, dịch mật, thậm chí là cả thức ăn bị đẩy ngược từ dạ dày lên thực quản.
Cơ chế trào ngược dạ dày thực quản
Trào ngược dạ dày thực quản được chia làm 2 dạng là trào ngược sinh lý và trào ngược bệnh lý.
– Trào ngược sinh lý, chức năng thường không ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể.
– Trào ngược bệnh lý có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, viêm thực quản, và một số biến chứng hô hấp, tiêu hóa khác, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Theo thống kê, có khoảng 1/3 dân số thế giới ở độ tuổi trưởng thành có biểu hiện trào ngược tại một giai đoạn bất kỳ trong vòng đời. Và khoảng 10% dân số toàn cầu bị ttrào ngược dạ dày mỗi ngày.
2. Dấu hiệu bệnh nhận biết bệnh trào ngược dạ dày thực quản
2.1 Ợ hơi, ợ nóng, ợ chua là dấu hiệu đặc trưng của trào ngược dạ dày thực quản
Thường xuyên ợ hơi khi đói là triệu chứng mà người bệnh cần nghĩ ngay đến bệnh trào ngược.
Trong khi đó, ợ chua, ợ nóng thường hay đi kèm với nhau. Ợ nóng là cảm giác nóng rát từ dạ dày, có khi là vùng ngực dưới lan lên cổ. Ợ chua xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng khi đánh răng. Người bệnh có cảm giác vị chua trong miệng khi ợ lên.
Tần suất xảy ra các triệu chứng này có thể tăng khi ăn no, khi uống nước, khi đang bị đầy bụng khó tiêu, khi người bệnh cúi gập người về phía trước, nằm nghỉ hoặc ngủ vào ban đêm.
2.2 Buồn nôn, nôn
Tình trạng này thường xảy ra khi người bệnh ăn quá no hoặc nằm ngay sau khi ăn. Ngoài nôn, buồn nôn, có thể cảm thấy như đang mắc nghẹn thức ăn. Khi bị say tàu xe, ốm nghén, hay dùng một số loại thuốc… người bệnh cũng dễ buồn nôn hơn.
2.3 Bệnh nhân cảm thấy đau, tức ngực
Đây là triệu chứng khiến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản đôi khi dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch. Người bệnh thường có cảm giác bị đè ép, co thắt ở ngực, thậm chí xuyên ra lưng và cánh tay. Cảm giác đau ở đoạn thực quản phần chạy qua ngực gây ra cảm giác đau giống như đau ở ngực.
Đau tức ngực là dấu hiệu bệnh trào ngược
2.4 Nuốt khó
Khi bệnh trở nặng, axit dạ dày trào ngược lên với tần suất lớn có thể gây phù nề, sưng tấy niêm mạc thực quản. Bệnh nhân vì thế thường có cảm giác nuốt nghẹn, khó nuốt và vướng ở cổ.
2.5 Trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến ho, khàn giọng
Tình trạng này xảy ra do dây thanh quản tiếp xúc với axit dạ dày bị làm cho sưng tấy. Nếu bệnh diễn ra trong thời gian dài, bệnh nhân sẽ dễ bị khàn giọng, khó nói và ho liên tục.
2.6 Tiết nước bọt nhiều hơn bình thường
Ợ chua khiến acid dạ dày trào ngược lên thực quản. Lúc này nước nước bọt sẽ tiết ra nhiều hơn bình thường để trung hòa axit.
2.7 Đắng miệng
Dịch vị trào lên kèm theo dịch mật khiến người bệnh có cảm giác đắng miệng. Đây là biểu hiện của rối loạn thần kinh dạ dày, Lúc này, cơ thể mở van môn vị quá mức khiến dịch mật trào ra.
Một số triệu chứng ít gặp hơn có thể kể đến: Người bệnh chán ăn, sụt cân, thiếu máu, hoặc xuất huyết đường tiêu hóa.
3. Nguyên nhân bệnh lý
Một số nguyên nhân gây bệnh trào ngược dạ dày thực quản bao gồm: các nguyên nhân từ thực quản, từ dạ dày và các ảnh hưởng từ các yếu tố khác.
3.1 Chức năng thực quản suy giảm
– Suy cơ thắt dưới thực quản: Thông thường, cơ thắt dưới thực quản sẽ giãn mở khi nuốt, sau đó co thắt và đóng lại để ngăn không cho dịch dạ dày trào ngược lên. Tuy nhiên, khi bị suy cơ, thực quản lúc này không thể đóng kín dẫn đến tình trạng dịch vị, axit dạ dày, thậm chí thức ăn trào ngược lên thực quản.
– Thoát vị hoành: Cơ hoành là một cơ vân dẹt hình vòm ngăn ngăn cách lồng ngực và khoang bụng. Cơ hoành co sẽ tạo sức mạnh cho cơ thắt dưới thực quản đóng chặt, ngăn tình trạng trào ngược. Khi bị thoát vị hoành, một phần dạ dày chui qua cơ hoành lên khoang lồng ngực. Lúc này, cơ thắt dưới thực quản không nằm cùng mức với cơ hoành, không nhận được lực co của cơ hoành nên dễ xảy ra tình trạng hở ống thực quản, dễ dẫn đến trào ngược.
Tìm hiểu thêm: 10 Cách chữa trĩ cho bà bầu đơn giản và hiệu quả tại nhà
Thoát vị hoành là một trong những nguyên nhân gây bệnh
3.2 Nguyên nhân tại dạ dày
– Ứ đọng lại thức ăn tại dạ dày: Người từng mắc các bệnh tiêu hóa khác như: viêm dạ dày, ung thư dạ dày, hẹp môn vị… cũng có khả năng gặp tình trạng trào ngược. Ảnh hưởng từ các bệnh lý nói trên khiến cho thức ăn trong dạ dày khó được tiêu hóa, chậm lưu thông xuống ruột, từ đó làm tăng áp lực trong dạ dày.
– Áp lực ổ bụng tăng đột ngột: Người bệnh ho, hắt hơi mạnh hoặc gắng sức đột ngột cũng có thể là nguyên nhân gây trào ngược dạ dày.
3.3 Nguyên nhân khác
– Căng thẳng thần kinh, áp lực, mệt mỏi trong thời gian dài
– Ăn uống không lành mạnh
– Các yếu tố bẩm sinh: Cơ thắt thực quản dưới yếu, bệnh nhân bị sa dạ dày, hay có thoát vị cơ hoành, chấn thương tai nạn…
– Béo phì
4. Cảnh báo biến chứng trào ngược dạ dày thực quản
Người bệnh mắc trào ngược dạ dày sinh lý thường chỉ gặp một vài lần rồi hết, không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên, với trào ngược bệnh lý, tần suất diễn ra liên tục hơn sẽ rất nguy hiểm. Lúc này, bệnh nhân có thể đối mặt với các biến chứng nguy hiểm như:
– Viêm, loét thực quản
– Hẹp thực quản
– Barrett thực quản
– Ung thư thực quản
Bên cạnh đó, một lượng nhỏ dịch axit trào lên được tới đường hô hấp trên cũng có thể gây ra tình trạng viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phế quản hay phổi và ho. Một số trường hợp có thể không đáp ứng hoặc đáp ứng kém với các phương pháp điều trị thông thường.
Ngoài ra, người bị bệnh trào ngược có thể bị khàn tiếng, mòn răng, viêm tai, viêm tuyến giáp…
Hình ảnh nội soi barrett thực quản
5. Chữa trào ngược dạ dày thực quản như thế nào?
Điều trị bệnh thường dựa trên nguyên tắc kết hợp giữa thay đổi lối sống với phác đồ điều trị nội khoa hoặc ngoại khoa.
5.1 Điều chỉnh lối sống
– Lựa chọn các thực phẩm từ tinh bột như bánh mì hay bột yến mạch, hay đạm dễ tiêu,… Đây là các loại đồ ăn có tính kiềm, giúp tránh sự bào mòn lớp nhầy trong dạ dày của axit, hạn chế các đợt cơ thắt thực quản có axit trào lên.
– Hạn chế các loại thực phẩm như: nước hoa quả chanh, cam, dứa…, nước có ga, thức ăn cay, nóng, chocolate… Các loại đồ ăn, thức uống này có thể kích thích tăng tiết axit và cơ thắt dưới thực quản.
– Bỏ hoặc hạn chế tối đa tiêu thụ rượu bia, cà phê, thuốc lá. Mặc trang phục thoải mái, không ăn quá no, không ăn vào buổi tối muộn, không cúi quá lâu, không nằm ngay sau khi ăn, không uống nhiều nước khi ăn.
– Có kế hoạch giảm cân nếu bệnh nhân đang trong tình trạng thừa cân, béo phì.
>>>>>Xem thêm: Thực phẩm người bị viêm loét dạ dày cần tránh
Các thực phẩm bệnh nhân bị trào ngược nên ăn
5.2 Phương pháp nội khoa
Bước đầu trong điều trị tình trạng trào ngược, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh điều chỉnh lối sống kết hợp sử dụng thuốc. Một số loại thuốc dùng trong điều trị các triệu chứng bệnh bao gồm:
– Thuốc ức chế thụ thể H-2
– Thuốc ức chế bơm proton
– Các loại thuốc giúp tăng cường cơ thắt thực quản dưới và co thắt cơ thực quản dưới.
5.3 Phương pháp ngoại khoa
Bệnh sau khi điều trị bằng thuốc thường cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, trong trường hợp dùng thuốc không đem lại hiệu quả, bác sĩ có thể tư vấn người bệnh thực hiện phẫu thuật để củng cố cơ vòng thực quản dưới (Fundoplication). Bằng cách mổ nội soi, phương pháp này giúp thắt chặt các cơ vòng thực quản dưới, ngăn chặn trào ngược dạ dày.
Tùy vào nguyên nhân, biểu hiện và tình trạng bệnh mà bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp phù hợp. Bác sĩ chuyên khoa thực hiện điều trị từng bước nhằm đạt tới các mục tiêu: Kiểm soát triệu chứng, làm liền các tổn thương, hạn chế nguy cơ biến chứng…
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản không phải bệnh lý nguy hiểm nhưng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh gây khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Chuyên khoa tiêu hóa – một trong những chuyên khoa mũi nhọn tại Thu Cúc TCI với đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, sáng y đức, hệ thống thiết bị y tế hiện đại sẽ giúp người bệnh chẩn đoan, điều trị hiệu quả bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.