Trẻ bị ngứa vùng kín là vấn đề khiến nhiều phụ huynh hoang mang. Nhiều người lầm tưởng tình trạng này chỉ xảy ra ở người lớn nên thường chủ quan không để ý. Thực tế, vùng kín của trẻ em rất nhạy cảm và thiếu các rào chắn sinh lý nên trẻ dễ bị kích ứng từ các yếu tố bên ngoài. Chính vì vậy, bố mẹ hãy tham khảo bài viết dưới đây về tình trạng trẻ bị ngứa vùng kín để trang bị kiến thức cần thiết giúp kịp thời xử lý vấn đề này nhé.
Bạn đang đọc: Trẻ bị ngứa vùng kín những điều cần biết và cách khắc phục
1. Biểu hiện trẻ bị ngứa vùng kín
Tình trạng ngứa vùng kín không chỉ khiến trẻ cảm thấy khó chịu mà có thể ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản của trẻ về sau. Vì vậy, khi trẻ có các dấu hiệu bất thường dưới đây, phụ huynh cần lưu ý và đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh ngày càng diễn tiến nặng.
– Vùng kín bị ngứa, sưng đỏ: Trẻ thường xuyên cảm thấy ngứa, đau rát khó chịu, hay gãi liên tục tại vùng kín. Đồng thời, khi quan sát bằng mắt thường có thể thấy tình trạng sưng đỏ, có thể lở loét kèm các nốt mụn li ti ở cơ quan sinh dục của trẻ nhỏ.
– Tiết dịch bất thường kèm theo có mùi khó chịu: Vùng kín của trẻ tiết nhiều dịch bất thường có màu trắng đục, màu xanh lá, hoặc nâu, có mùi hôi khó chịu.
– Rối loạn bài tiết đường niệu: Mỗi lần đi tiểu, trẻ có thể cảm thấy đau buốt, tiểu ít, đi tiểu són nhiều lần, mỗi lần một ít gây khó chịu cho trẻ.
– Ngoài ra xuất hiện một số triệu chứng khác như trẻ thấy mệt mỏi, hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc, thậm chí cơ thể bị nóng sốt.
Trẻ hay quấy khóc là một trong những biểu hiện cho thấy trẻ bị ngứa vùng kín.
2. Nguyên nhân gây ngứa khó chịu vùng kín ở trẻ em
Người lớn thường nghĩ rằng tình trạng viêm nhiễm vùng kín chỉ gặp đối với người trưởng thành đã từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vì vùng kín của trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị tác động từ các yếu tố bên ngoài gây viêm nhiễm cơ quan sinh dục ở trẻ. Sau đây là các nguyên nhân phổ biến khiến trẻ em bị ngứa vùng kín:
– Mắc các bệnh lý ngoài da: Khi trẻ bị ngứa ngáy khó chịu ở vùng kín có thể bé đang mắc các bệnh lý ngoài da như vảy nến, mề đay, viêm da cơ địa…Điều này có thể đến từ việc vệ sinh cho trẻ không sạch sẽ hoặc trẻ bị dị ứng với các hóa chất đang sử dụng. Các bệnh lý này khiến bé ngứa ngáy, gãi liên tục vào vùng kín có thể hình thành vết lở loét. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, virus càng dễ dàng dàng tấn công vào bộ phận sinh dục trẻ nhỏ gây viêm nhiễm.
– Vấn đề vệ sinh cho trẻ sai cách: Thói quen hằng ngày bé đi vệ sinh xong, không lau chùi sạch sẽ, dùng giấy vệ sinh kém chất lượng hoặc lau sai cách dễ khiến vi khuẩn dễ dàng tấn công từ hậu môn vào vùng kín. Ngoài ra, khi tắm rửa cho trẻ nhỏ, bố mẹ quên vệ sinh tay sạch sẽ trước khi tắm cho con vô tình khiến vi khuẩn từ tay người lớn lây sang cho bé. Đồng thời, việc dùng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh dễ khiến vùng da nhạy cảm ở vùng kín của trẻ bị dị ứng.
– Quần áo của trẻ giặt chung với người lớn: Đa phần trong các gia đình hiện nay hay có thói quen giặt chung quần áo của người lớn với trẻ nhỏ, đặc biệt là đồ lót. Điều này sẽ làm nấm mốc, vi khuẩn dễ dàng lây chéo từ bố mẹ sang trẻ nhỏ. Khi trẻ em mặc quần áo này vào, nguy cơ viêm nhiễm cơ quan sinh dục khá cao.
– Trẻ bị dị ứng: Các bậc phụ huynh nên lưu ý bộ phận sinh dục của trẻ nhỏ khá nhạy cảm và thiếu rào chắn sinh lý để bảo vệ. Do đó trẻ rất dễ bị dị ứng với các sản phẩm tẩy rửa mạnh, bụi bẩn, lông vật nuôi hoặc cho trẻ mặc quần áo chật chội, ẩm ướt…
– Trẻ bị giun kim: Trẻ em thường hiếu động, hay ngồi bệt dưới đất có thể dẫn đến trẻ bị giun kim. Đây là một loài giun sống kí sinh ở ruột già và hậu môn, có thể di chuyển sang bộ phận sinh dục. Khi trẻ bị mắc giun kim làm cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, đồng thời gây ngứa ngáy khó chịu cho trẻ, đặc biệt là vào ban đêm.
Tìm hiểu thêm: Nguyên tắc điều trị viêm họng liên cầu khuẩn cho trẻ
Trẻ mặc tã hoặc quần lót chật chội, ẩm ướt là dễ khiến trẻ bị ngứa vùng kín.
3. Cách chăm sóc trẻ bị ngứa vùng kín
Khi thấy trẻ có dấu hiệu bị ngứa vùng kín, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế uy tín để kịp thời phát hiện và điều trị cho bé. Bạn cũng nên lưu ý một số cách chăm sóc vùng kín cho trẻ tại nhà sau đây để giúp bé sớm cải thiện tình trạng này:
– Mẹ nên dặn bé không nên dùng tay gãi vào vùng kín và giải thích cho bé hiểu khi làm vậy càng khiến vùng kín bị tổn thương nhiều hơn.
– Bạn nên cho trẻ mặc quần áo thoải mái, thấm hút mồ hôi. Đồng thời nên giặt quần áo của trẻ nhỏ với người lớn tách ra riêng đề phòng lây nhiễm chéo và phơi quần áo ngoài nắng để tiêu diệt vi khuẩn.
– Tã giấy không nên lạm dụng mặc thường xuyên cho trẻ vì dễ khiến bé bị bí mồ hôi, ẩm ướt càng tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển dễ gây viêm nhiễm bộ phận sinh dục.
– Sau khi trẻ đi đại tiện, nên vệ sinh cho trẻ từ trước ra sau để tránh lây nhiễm vi khuẩn từ hậu môn sang vùng kín.
– Sử dụng khăn vải mềm lau rửa vùng kín, sau đó lau khô ít nhất 3 lần/ ngày, đảm bảo vùng kín của trẻ sạch sẽ, khô thoáng.
– Khi dẫn trẻ đi bơi, bố mẹ nên chọn bể bơi có nguồn nước sạch và không cho trẻ bơi quá lâu vì có thể khiến trẻ dễ bị cảm lạnh và dễ gây viêm nhiễm vùng kín.
– Bố mẹ nên tạo môi trường xung quanh an toàn, sạch sẽ cho trẻ vui chơi. Sau khi trẻ chơi xong, cần vệ sinh sạch sẽ cho bé để hạn chế lây nhiễm vi khuẩn, kí sinh trùng từ bên ngoài vào.
– Lựa chọn các sản phẩm tắm gội an toàn, không gây kích ứng cho trẻ, đặc biệt là vùng kín nhạy cảm. Đồng thời, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc nước muỗi pha loãng cho vùng kín của trẻ.
– Tẩy giun cho trẻ theo định kỳ 6 tháng/lần để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm giun lây từ hậu môn sang vùng kín.
>>>>>Xem thêm: 4 Sai lầm phụ huynh hay mắc khi điều trị cho bé bị táo bón
Vệ sinh vùng kín cho trẻ, đảm bảo vùng kín sạch sẽ, khô thoáng.
Bài viết trên đã chia sẻ những kiến thức về tình trạng ngứa vùng kín ở trẻ. Đây có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý viêm nhiễm vùng kín mà bạn cần nên lưu ý. Hi vọng những thông tin trên giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng vùng kín của trẻ, đồng thời biết cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ tốt hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.