Tình trạng co giật khi sốt cao thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tái phát nhiều lần, nó có thể làm tổn thương não bộ trẻ. Vậy trẻ bị sốt co giật phải xử trí như thế nào và làm sao để dự phòng tình trạng đó tái phát. Nếu đây là vấn đề bố mẹ quan tâm, đọc ngay bài viết sau để được cung cấp đầy đủ thông tin.
Bạn đang đọc: Trẻ bị sốt co giật: 3 bước xử trí, hạn chế tổn thương não
1. Trẻ bị sốt co giật là gì?
Nhiệt độ bình thường của cơ thể trẻ luôn là khoảng 37 độ C. Khi trẻ nóng trên 37.5, trẻ được xác định là bị sốt. Sốt là một biểu hiện cho thấy trẻ nhiễm virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc mắc các bệnh tự miễn, các bệnh lý ác tính… Sốt được phân loại thành 4 mức độ: Sốt nhẹ, sốt vừa, sốt cao và sốt rất cao. Trong đó: Sốt nhẹ là sốt từ 37.5 đến 38 độ C. Sốt vừa là sốt từ 38 đến 39 độ C. Sốt cao là sốt từ 39 đến 40 độ C. Và sốt rất cao là sốt trên 40 độ C.
Khi trẻ nóng trên 37.5, trẻ được xác định là bị sốt.
Co giật là tình trạng co cơ kịch phát hoặc co cơ nhịp điệu và từng hồi. Co giật khi sốt cao là tình trạng co giật xuất hiện khi sốt cao. Tình trạng này thường chỉ gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Co giật khi sốt cao có 2 loại: co giật đơn giản và co giật phức tạp.
– Co giật đơn giản là co giật toàn thể, kiểu tăng trương lực và co cứng cơ. Co giật đơn giản thường kéo dài khoảng 15 phút. Sau co giật đơn giản, trẻ ít rối loạn tri giác.
– Co giật phức tạp là co giật khu trú. Co giật phức tạp thường kéo dài không dưới 15 phút. Trong 24 giờ, thường có ít nhất hai cơn co giật phức tạp
⅔ số trường hợp co giật là co giật đơn giản.
2. Co giật khi sốt cao nguy hiểm như thế nào?
Nếu chỉ xuất hiện một vài lần thì co giật khi sốt cao không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tái đi tái lại, tình trạng này có thể đem đến nhiều hệ lụy tai hại, chủ yếu là hệ lụy liên quan đến hệ thần kinh trung ương. Theo đó, chúng ta có thể kể đến 5 hệ lụy phổ biến nhất của tình trạng co giật khi sốt cao như sau:
– Tổn thương não bộ: Nguyên nhân phát sinh tình trạng co giật khi sốt cao là sự phóng điện quá mức của các nơron thần kinh. Bởi thế, nếu tái đi tái lại, co giật khi sốt cao có thể hủy hoại tế bào não. Từ đó, trẻ bị hạn chế nhận thức và khả năng tư duy.
– Động kinh: Cơ chế hoạt động của não là sửa chữa – thích nghi. Chính vì vậy, co giật khi sốt cao nếu tái đi tái lại có thể sẽ trở thành một phản xạ có điều kiện của cơ thể. Tức là cứ có sốt là trẻ co giật. Thậm chí, tình trạng này có thể xuất hiện ngay cả khi trẻ không có sốt.
– Tăng động giảm chú ý: Tăng động giảm chú ý là một rối loạn thần kinh vô cùng phổ biến ở trẻ. Trẻ có rối loạn thần kinh này thường hiếu động một cách bất thường, thiếu tập trung, khó kiểm soát cảm xúc cũng như hành vi.
– Hội chứng rối loạn tic: Tương tự tăng động giảm chú ý, đây cũng là một rối loạn thần kinh phổ biến ở trẻ.
– Ảnh hưởng tâm lý: Co giật khi sốt cao tái đi tái lại có thể khiến trẻ sợ hãi. Chưa hết, tình trạng đó nếu thường xuyên xuất hiện bất ngờ có thể khiến trẻ tự ti, dễ cáu gắt và tự làm bản thân tổn thương.
Tìm hiểu thêm: Chuyên gia giải đáp: Quai bị lây qua đường nào?
Tình trạng co giật nếu thường xuyên xuất hiện bất ngờ có thể khiến trẻ dễ cáu gắt.
3. Hướng dẫn chi tiết cách xử trí khi trẻ bị sốt co giật
3.1. 3 bước xử trí đúng đắn khi trẻ bị sốt co giật
Khi trẻ sốt cao co giật, đầu tiên, bố mẹ cần bĩnh tĩnh. Chỉ và chỉ khi bình tĩnh, bố mẹ mới có thể xử trí tình trạng đó đúng đắn, theo hướng dẫn chi tiết của chuyên gia, như dưới đây:
– Bước 1, đảm bảo đường thở thông thoáng cho trẻ: Đặt trẻ nằm nghiêng ở nơi bằng phẳng như giường, mặt đất,…; không đặt trẻ nằm ngửa. Khi co giật, trẻ có thể nôn và nôn khi nằm ngửa trẻ có thể ngạt thở. Nếu có thể, kê đầu trẻ trên gối. Để hai chân trẻ một duỗi, một co. Nới lỏng cổ áo. Không nhét dị vật vào miệng trẻ. Không đè, không cố gắng giữ tay chân trẻ để kiềm chế tình trạng co giật.
– Bước 2, hạ sốt cho trẻ: Hạ sốt cho trẻ bằng hai cách. Cách một là dùng Paracetamol, liều lượng 10 – 15mg/kg/lần, mỗi lần cách nhau từ 4 đến 6 giờ (nếu còn sốt), một ngày không quá 4 lần, nên dùng thuốc dạng nhét hậu môn. Cách hai là chườm mát bằng khăn ẩm; sử dụng 5 khăn, 4 khăn chườm hai nách và hai bẹn, 1 khăn chườm trán hoặc lau toàn thân; thay khăn mỗi 2 – 3 phút; nước dùng để làm ẩm khăn chườm nên thấp hơn 2 độ C so với nhiệt độ cơ thể trẻ (không dùng nước lạnh để tránh co mạch, làm giảm hiệu quả hạ sốt).
– Bước 3, cho trẻ thăm khám với chuyên gia khi tình trạng co giật kết thúc: Tại các cơ sở y tế uy tín, bố mẹ cần cung cấp những thông tin sau về tình trạng co giật ở trẻ cho chuyên gia: Hoàn cảnh xuất hiện và điều kiện kết thúc; thời điểm xuất hiện; số lần và thời gian mỗi lần; bộ phận cơ thể bị ảnh hưởng; biểu hiện bất thường trước co giật và khả năng vận động các chi sau co giật.
3.2. Dự phòng tình trạng trẻ bị sốt co giật tái phát
Xử trí đúng các cơn sốt là cách hiệu quả nhất để dự phòng sự tái phát của tình trạng co giật khi sốt cao. Theo đó, bố mẹ cần:
– Cho trẻ thăm khám với chuyên gia ngay, nếu: Trẻ dưới 2 tháng tuổi; trẻ sốt trên 40 độ C; trẻ khóc không dỗ được; trẻ khóc khi cử động hoặc trẻ khóc khi bố mẹ chạm vào trẻ; trẻ rối loạn tri giác; trẻ thở khó; trẻ khó nuốt đồ ăn thức uống; trẻ nôn nhiều, nôn ra máu và đại tiểu tiện ra máu; trẻ yếu rõ rệt.
>>>>>Xem thêm: Vì sao trẻ dưới 2 tuổi không nên xem tivi?
Cho trẻ bị sốt thăm khám với chuyên gia ngay nếu trẻ dưới 2 tháng tuổi.
– Cho trẻ thăm khám với chuyên gia trong vòng 24 giờ, nếu: Trẻ từ 2 đến 4 tháng tuổi; trẻ sốt trên 24 giờ không rõ nguyên nhân; trẻ cắt sốt trên 24 giờ rồi sốt lại; trẻ sốt trên 72 giờ do bất cứ nguyên nhân nào.
– Ngoài những trường hợp trên, bố mẹ tiến hành hạ sốt cho trẻ tại nhà bằng Paracetamol và chườm mát. Trong thời gian đó, cho trẻ uống đầy đủ nước lọc, nước trái cây hoặc dung dịch Oresol.
Phía trên là 3 bước xử trí khi trẻ bị sốt co giật. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn trước tình trạng này.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.