Trẻ bị viêm xoang mũi và những điều cần biết 

Ngày nay, các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em có xu hướng ngày một gia tăng do môi trường sống bị ô nhiễm, do hít phải khói thuốc, khí độc hại. Theo thống kê của bệnh viện Tai Mũi Họng TW tỷ lệ trẻ bị viêm xoang mũi chiếm đến 1,7% số bệnh nhân bị mắc bệnh tai mũi họng. Bệnh có xu hướng gia tăng và để lại nhiều hệ luỵ sức khỏe nghiêm trọng nếu như các bậc phụ huynh không có kiến thức cơ bản trong việc chăm sóc trẻ bị viêm mũi xoang.

1. Thông tin chung về bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em

1.1 Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị viêm xoang mũi

Trẻ bị viêm xoang mũi và những điều cần biết 

Viêm xoang mũi là bệnh lý tai mũi họng phổ biến ở trẻ em

Bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em thường hay gặp ở những bé dưới 6 tuổi, nhất là những bé bị suy dinh dưỡng, gầy yếu hoặc sống trong môi trường ô nhiễm, khói bụi, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá, bếp than hay những trẻ có cơ địa dị ứng. Viêm xoang mũi ở trẻ nhỏ thường khởi đầu bằng các bệnh lý:

– Bị viêm đường hô hấp trên: ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ,…

– Bệnh viêm mũi dị ứng: hay khò khè, khó thở, chảy nước mũi, có thể kèm ran ở phổi.

– Hen phế quản hoặc gặp các vấn đề bất thường trong hốc mũi như vẹo vách ngăn, quá phát VA vòm,…

Những bệnh trên không được điều trị dứt điểm, kéo dài dai dẳng khiến niêm mạc mũi trẻ bị phù nề, tắc nghẽn ở lỗ thông mũi xoang dẫn đến ứ đọng dịch trong xoang, lâu ngày xảy ra viêm mũi xoang.

1.2 Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm xoang mũi

Theo bác sĩ chuyên khoa, bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em được chia thành ba thể khác nhau với mức độ diễn biến của bệnh theo thời gian đó là:

– Viêm mũi xoang cấp tính: kéo dài dưới 4 tuần.

– Viêm mũi xoang bán cấp: từ 4-8 tuần.

– Viêm mũi xoang mạn tính: kéo dài từ 8-12 tuần, có thể hơn dù có được điều trị.

Các dấu hiệu giúp bố mẹ có thể nhận biết bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em là:

– Trẻ có các triệu chứng: sốt nhẹ, nghẹt mũi, nước mũi có màu vàng hoặc xanh đặc, hay ho nhiều vào ban đêm, hơi thở ngắn do bị nghẹt mũi kéo dài và tái phát nhiều trong năm đặc biệt là khi thời tiết thay đổi.

– Trẻ bị khàn tiếng, đau tai, ù tai, mũi mất khả năng ngửi mùi, hay ngủ ngáy, ngủ không ngon giấc, cơ thể trẻ mệt mỏi.

– Trẻ lớn hơn còn có thể bị đau đầu, nặng vùng mặt, phù nề ở xung quanh mắt, đau răng,…

1.3 Biến chứng bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em

Nếu viêm xoang mũi ở trẻ em không được can thiệp điều trị kịp thời hoặc điều trị sai cách sẽ có thể gây nhiều hệ luỵ sức khoẻ bao gồm:

– Là tác nhân gây ra: viêm họng, viêm phế quản thể mạn tính, viêm tai giữa, polyp mũi, hen suyễn,…

– Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, viêm mí mắt, viêm túi lệ,…

– Một số trẻ nặng hơn có thể bị viêm cốt-tủy xương, tắc tĩnh mạch hang, viêm màng não, áp xe não.

Trẻ bị viêm xoang mũi và những điều cần biết 

Những biến chứng hay gặp khi trẻ bị viêm xoang mũi

2. Phân biệt bệnh viêm mũi xoang như thế nào?

2.1 Phân biệt trẻ bị viêm mũi xoang với bệnh viêm đường hô hấp trên

Nhiều phụ huynh hay nhầm lẫn bệnh viêm mũi xoang với các bệnh viêm đường hô hấp trên ở trẻ em do vậy dẫn đến tình trạng điều trị không kịp thời và gây ra các hệ luỵ sức khoẻ nêu trên. Vậy phân biệt trẻ bị bệnh viêm mũi xoang với viêm đường hô hấp trên cấp tính như thế nào. Thông thường bố mẹ có thể chẩn đoán bệnh viêm mũi xoang ở trẻ nhỏ dựa vào các triệu chứng lâm sàng như sau:

– Sau một đợt bị viêm mũi họng cấp kéo dài, khoảng trên 7 ngày, trẻ vẫn còn các triệu chứng sốt nhẹ, dịch mũi có màu vàng, xanh đặc, có mùi hôi. Trẻ bị chảy đờm từ mũi xuống họng, ho nhiều vào ban đêm kèm theo hơi thở hôi, dễ nôn trớ, người lừ đừ, mệt mỏi.

– Với những trẻ đang bú mẹ sẽ không bú được dài hơi, hay quấy khóc, ngủ không ngon giấc. Trẻ ở độ tuổi lớn hơn, từ 12 tháng tuổi trở lên hay bị đau đầu, có biểu hiện sưng nề ở mặt.

– Khi đi khám sẽ thấy tình trạng niêm mạc mũi bị ứ đọng dịch, nhiều mủ vàng xanh. Màng tai trẻ thường dày đục và lõm, có hiện tượng ứ đọng dịch trong hòm tai hay còn gọi là viêm tai giữa thanh dịch.

2.2 Trẻ bị viêm mũi xoang khác gì với người lớn?

Bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em rất khác với bệnh ở người trưởng thành do hệ thống xoang không phải được hoàn thiện ngay từ khi sinh ra mà phát triển và hoàn thiện khi trẻ lớn dần lên. Xoang sàng nằm ở khu vực trên của hốc mũi, giữa hai bên mắt và dưới trán hình thành ngay từ khi trẻ sinh ra. Còn các xoang khác trong hệ thống xoang sẽ dần phát triển khi trẻ lớn lên như 3-4 tuổi có xoang hàm, 7-8 tuổi bắt đầu hình thành xoang bướm và xoang trán và hoàn thiện khi 20 tuổi.

Theo các chuyên gia, kích thước xoang của trẻ rất nhỏ, chỉ là một rãnh hằn vào xương do đó các triệu chứng bệnh viêm mũi xoang ở trẻ nhỏ không rõ rệt như người lớn. Cùng với đó là trẻ nhỏ chưa có đủ nhận thức để cảm nhận biểu hiện bất thường của cơ thể. từ đó, việc chẩn đoán bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn.

Do đó, khi thấy trẻ có những dấu hiệu về họng, mũi bất thường, kéo dài và tái phát nhiều lần thì phụ huynh cần cho bé đi thăm khám tại bệnh viện uy tín để tìm ra chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Trẻ bị viêm xoang mũi và những điều cần biết 

Khi thấy trẻ có những dấu hiệu về họng, mũi bất thường, phụ huynh cần cho bé đi thăm khám tại bệnh viện uy tín.

3. Phương pháp điều trị bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em

Với bệnh viêm mũi xoang ở trẻ em nguyên tắc điều trị là làm thuyên giảm các triệu chứng lâm sàng, kiểm soát các tác nhân gây nhiễm trùng (siêu vi, vi khuẩn, nấm) đồng thời phòng tránh các yếu tố gây dị ứng (khói thuốc lá, bụi nhà, lông vũ, phấn hoa).

Điều trị viêm xoang dựa vào thể bệnh mà trẻ em mắc phải:

– Viêm mũi xoang cấp tính: điều trị chính bằng các thuốc kháng sinh, thuốc chống sung huyết mũi có tác dụng giảm phù nề niêm mạc mũi xoang được bác sĩ kê đơn.

– Viêm mũi xoang mạn tính: cần điều trị nội khoa tiếp tục hoặc phải can thiệp phẫu thuật nội soi mũi xoang. Phương pháp này áp dụng cho trẻ kéo dài triệu chứng bệnh trên 12 tuần hoặc tái phát bệnh từ 4 – 6 lần trong một năm. Ngoài ra khi khám mũi phát hiện những biến dạng như có polyp, VA phì đại…

Với những thông tin hữu ích trên, hy vọng bố mẹ có thể nhận biết bệnh viêm mũi xoang ở trẻ nhỏ và có cách điều trị kịp thời khi trẻ bị viêm xoang mũi để hạn chế những biến chứng nguy hiểm về hô hấp sau này.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *