Còi xương là bệnh lý phát sinh khi trẻ thiếu Vitamin D. Bệnh lý này kéo dài, có thể làm trẻ chậm phát triển cả thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, còi xương đòi hỏi bố mẹ phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trong bài viết sau, Thu Cúc TCI xin chia sẻ dấu hiệu nhận biết và những nội dung chính trong điều trị cho trẻ còi xương, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Trẻ còi xương: Những nguyên tắc điều trị cốt lõi
1. Nguyên nhân phát sinh còi xương ở trẻ
Thiếu Vitamin D, khiến quá trình hấp thu và chuyển hóa Canxi, Photpho – những nguyên liệu tối cần thiết cho sự phát triển của hệ thống cơ – xương – khớp, bị ảnh hưởng, là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trẻ còi xương.
Có hai dạng Vitamin D là Vitamin D3 – dạng Vitamin cơ thể tự tổng hợp dưới tác động của ánh sáng mặt trời và Vitamin D2 – dạng Vitamin cơ thể được cung cấp bằng tiêu thụ thực phẩm. Trẻ có thể thiếu Vitamin D do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phổ biến nhất là do:
– Thiếu ánh sáng mặt trời: Thiếu ánh sáng mặt trời, trẻ thiếu Vitamin D3. Bởi thế, vùng dịch tễ hay gặp trẻ còi xương là miền núi, nơi ít ánh sáng mặt trời. Thành thị, nơi nhiều ánh sáng mặt trời nhưng trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với nó cũng là vùng dịch tễ hay gặp trẻ còi xương.
Vùng dịch tễ hay gặp trẻ còi xương là miền núi, nơi ít ánh sáng mặt trời.
– Trẻ bú mẹ hoàn toàn, sữa mẹ ít Vitamin D do mẹ không hoặc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
– Chế độ ăn dặm sai lầm: Hai sai lầm phổ biến trong chế độ ăn dặm khiến trẻ thiếu Vitamin D là ăn sữa bò khi chưa đủ 1 tuổi và ăn quá nhiều đạm, tinh bột, gây tình trạng toan chuyển hóa.
– Các nguyên nhân khác: Trẻ có thể thiếu Vitamin D do một số nguyên nhân khác, tiêu biểu như sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, nhiễm trùng, rối loạn tiêu hóa kéo dài…
2. Dấu hiệu nhận biết trẻ còi xương
Sự tồn tại của còi xương có thể được nhận biết thông qua biểu hiện trên nhiều vùng cơ thể. Cụ thể, chúng ta có:
– Biểu hiện toàn thân: Trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng, da xanh xao, lách to…
– Biểu hiện thần kinh: Trẻ ra nhiều mồ hôi, kể cả ban đêm; trẻ ngủ khó, ngủ không sâu giấc, hay giật mình; trẻ rụng tóc…
– Biểu hiện xương: Trẻ thóp chậm liền, bờ thóp mềm, bướu trán, bướu đỉnh; trẻ chậm mọc răng, răng mọc lộn xộn, răng sâu nhiều; trẻ lồng ngực hình gà, chuỗi hạt sườn; vòng cổ chân, vòng cổ tay, xương chi cong…
3. Biến chứng bệnh lý còi xương
Trẻ còi xương nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời, có thể để lại nhiều di chứng ở xương như biến dạng lồng ngực; gù, vẹo cột sống; chân tay cong (hình chữ O, hình chữ X), khung chậu hẹp (ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của bé gái khi trưởng thành). Tất cả các di chứng ở xương này đều làm hạn chế chiều cao của trẻ. Ngoài ra, chức năng hô hấp của trẻ cũng bị chúng hạn chế. Còi xương không chỉ để lại di chứng ở xương, bệnh lý này còn để lại di chứng ở cả hệ thần kinh – cơ. Chính vì vậy, trẻ còi xương khả năng vận động và sức mạnh tinh thần thường kém.
Tìm hiểu thêm: Bé bị cảm lạnh sổ mũi, bố mẹ chớ chủ quan
Trẻ còi xương bị chân chữ X.
4. Điều trị và dự phòng bệnh lý còi xương
4.1. Điều trị cho trẻ còi xương
– Đảm bảo trẻ được tiếp xúc với ánh mặt trời mỗi ngày: Để chân, tay, lưng, bụng trẻ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời mỗi ngày từ 10 đến 15 phút (ánh sáng mặt trời trước 9 giờ sáng). Lưu ý, ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu trên da mới hoạt hóa hiệu quả tiền chất 7 dehydrocholesterol của Vitamin D thành Vitamin D. Màu đông, ít ánh sáng mặt trời, bố mẹ nên cho trẻ tắm điện ở khoa lý liệu pháp tại bệnh viện.
– Bổ sung Vitamin D: Trẻ bình thường là 4000 UI/ngày trong 4 – 8 tuần. Trẻ có viêm phổi, tiêu chảy cấp cần tăng liều Vitamin D lên 5000 – 10000 UI/ngày trong 4 tuần. Thay vì uống, bố mẹ cũng có thể tiêm Vitamin D cho trẻ, liều 200.000 UI/3 tháng, trong năm đầu tiên sau chào đời.
– Bổ sung các chế phẩm chứa Canxi như: Canxi B1 – B2 – B6, 1 – 2 ống/ngày, đối với trẻ nhỏ. Trẻ lớn có thể ăn cốm 1 – 2 thìa cà phê/ngày.
– Thực hiện chế độ dinh dưỡng tiêu chuẩn: Đối với trẻ vẫn bú mẹ, tiếp tục cho trẻ bú mẹ. Đối với trẻ ăn dặm, cho trẻ tiêu thụ thực phẩm giàu Canxi như sữa, cua, tôm, cá… Chế biến thức ăn cho trẻ với dầu; bởi Vitamin D tan trong dầu, thiếu dầu, cơ thể không hấp thu Vitamin D.
>>>>>Xem thêm: Bệnh tràn dịch màng phổi ở trẻ em
Cho trẻ tiêu thụ thực phẩm giàu Canxi như sữa, cua, tôm, cá…
4.2. Dự phòng bệnh lý còi xương
– Mẹ cần nghỉ ngơi đầy đủ khi mang thai để tránh trẻ sinh non.
– Khi mang thai từ tháng thứ 7, mẹ cần bổ sung đầy đủ Vitamin D. Liều Vitamin D mẹ cần bổ sung là 600.000UI/3 tuần, mỗi tuần 200.000UI.
– Sau sinh, cả mẹ cả trẻ không nên nghỉ ngơi trong phòng kín, tối mà nên nghỉ ngơi trong phòng thoáng, đầy đủ ánh sáng mặt trời.
– Sau sinh 2 tuần, cho trẻ tắm nắng 10 – 15 phút mỗi ngày.
– Trong suốt năm đầu tiên, cho trẻ uống Vitamin D 400UI/ngày.
– Khi trẻ ăn dặm, tăng cường cho trẻ ăn sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh và dầu.
Phía trên là thông tin cơ bản về bệnh lý còi xương ở trẻ. Theo đó, bệnh lý này chủ yếu phát sinh do thiếu Vitamin D, vì thiếu Vitamin D quá trình hấp thu và chuyển hóa hai thành phần cơ bản của hệ cơ – xương – khớp là Canxi và Photpho bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực. Trẻ còi xương thường ra nhiều mồ hôi trộm, hay quấy khóc, rụng tóc liên tục, chậm mọc răng… Khi có các dấu hiệu này, bố mẹ cho trẻ thăm khám với bác sĩ dinh dưỡng sớm để trẻ được chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, tránh những di chứng đáng tiếc ở xương và hệ thần kinh – cơ. Để điều trị còi xương, trẻ cần tăng cường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, bổ sung Vitamin D, bổ sung Canxi và tăng cường ăn thực phẩm giàu Vitamin D. Đối với những trẻ chưa có dấu hiệu còi xương, áp dụng những nội dung điều trị đó cũng giúp dự phòng bệnh lý này. Với những thông tin đó, hy vọng rằng, bố mẹ có thể hỗ trợ trẻ toàn diện trên hành trình phát triển cả thể chất lẫn tinh thần.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.