Tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ nếu kéo dài sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như chậm phát triển, suy dinh dưỡng, tư duy trí tuệ bị kém so với bạn bè đồng trang lứa, dễ mắc các bệnh mãn tính,… Vậy trẻ em biếng ăn phải làm sao để ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng trên? Trong bài viết bên dưới, chúng tôi sẽ chia sẻ với bố mẹ 7 cách trị chứng biếng ăn của trẻ nhanh chóng.
Bạn đang đọc: Trẻ em biếng ăn phải làm sao? Mách bố mẹ 7 cách giúp trẻ ăn ngon miệng
1. Đôi nét về tình trạng trẻ biếng ăn
Biếng ăn là tình trạng nhiều trẻ nhỏ gặp phải, nhất là những bé trong độ tuổi từ 1 – 6. Tuy nhiên, trên thực tế, sau khi trẻ 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng của con sẽ giảm dần, dẫn tới số lượng thức ăn cần nạp vào cơ thể cũng giảm theo. Tình trạng này được gọi là biếng ăn sinh lý nên lúc này, con vẫn hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ biếng ăn cũng có thể xuất pháp từ những nguyên nhân khác, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của bé như:
– Trẻ nhỏ mắc phải một số bệnh như đau họng, ho, rối loạn đường tiêu hóa, sốt,…
– Trẻ nhỏ ham chơi nên quên ăn.
– Trẻ nhỏ bị thay đổi môi trường sống hoặc xa mẹ.
– Trẻ nhỏ sợ ăn vì từng bị tổn thương hệ tiêu hóa như hóc, sặc,… hoặc bị ép ăn. Đây là một trong những nguyên nhân rất khó để cải thiện tình trạng biếng ăn ở trẻ nhỏ.
– Chế độ ăn uống của trẻ không phù hợp như uống nhiều sữa, ăn vặt quá nhiều,…
– Thiếu sắt, thiếu máu cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng trẻ biếng ăn và chậm lớn.
Những nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ biếng ăn có thể xảy ra cùng một lúc với những mức độ khác nhau. Do đó, khi thấy trẻ em có dấu hiệu biếng ăn, bố mẹ cần phải bình tĩnh để xử lý, tránh để tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn.
Biếng ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ nhỏ
2. Trẻ em biếng ăn phải làm sao để con ăn ngon miệng hơn?
Rất nhiều bố mẹ lo lắng, băn khoăn không biết nên làm gì khi trẻ biếng ăn. Bởi lẽ nếu để tình trạng này kéo dài, nguy cơ trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ rất cao. Một số cách giúp trị chứng biếng ăn ở trẻ nhỏ là:
2.1. Hãy để bữa ăn của trẻ trở nên vui vẻ
Bên cạnh việc cho trẻ ngồi ăn chung với cả gia đình, bố mẹ hãy để con tự cảm nhận món ăn bằng việc tự chạm, sờ vào đồ ăn (với bé nhỏ) và hướng dẫn con sử dụng nĩa, muỗng (với bé lớn). Khi trẻ ăn ngon miệng, bố mẹ nên vỗ tay khen ngợi như để khuyến khích, động viên con, giúp bé cảm thấy thích thú và ăn ngoan hơn.
Tìm hiểu thêm: Trẻ bị sốt về đêm là biểu hiện của bệnh gì?
Bố mẹ hãy để giờ ăn của trẻ trở nên vui vẻ hơn
2.2. Không nên làm trẻ nhỏ bị căng thẳng
Khi cho trẻ ăn, bố mẹ tuyệt đối không được ép vì điều này sẽ khiến bé bị căng thẳng và dần hình thành nên cảm giác sợ ăn. Thay vào đó, vào mỗi bữa ăn, bố mẹ chỉ nên cho con ăn từng phần nhỏ. Sau khi con ăn hết một phần, bố mẹ lại tiếp tục cho trẻ ăn phần nữa. Khi ăn hết phần nhỏ này tới phần nhỏ khác, con sẽ học được cảm giác no bụng và không cảm thấy căng thẳng mỗi khi tới giờ ăn.
2.3. Chú ý tới thời gian cho trẻ ăn mỗi bữa
Với những trẻ năng động, rất khó để con ngồi im trong suốt cả bữa ăn. Vì vậy, dù con có ăn ít đi chăng nữa, bố mẹ cũng chỉ nên cho trẻ ăn trong khoảng 30 phút. Điều này không chỉ giúp con tránh được áp lực tâm lý mà còn kích thích khả năng tự điều chỉnh số lượng thức ăn cần nạp vào cơ thể của bé.
2.4. Chú ý khoảng cách giữa các bữa ăn của trẻ
Bố mẹ cần phải thiết kế giờ ăn của con một cách khoa học, tốt nhất là nên cách từ 4 – 5 tiếng vì:
– Nếu khoảng cách giữa các bữa ăn của trẻ quá gần thì con sẽ chưa có cảm giác đói.
– Nếu khoảng cách giữa các bữa ăn của trẻ quá xa hoặc bố mẹ để con đói thì sẽ làm tình trạng biếng ăn trở nên xấu đi vì bé đã cảm thấy mệt.
Đặc biệt, bố mẹ phải lưu ý một điều là không được để trẻ nhỏ ăn vặt giữa các cữ để tránh làm xáo trộn giờ ăn của con.
2.5. Không sử dụng đồ ăn làm phần thưởng cho trẻ
Việc sử dụng các món ăn vặt để làm phần thưởng cho bé là sai lầm cho nhiều bố mẹ khi giải quyết vấn đề “trẻ em biếng ăn phải làm sao?”. Bởi lẽ điều này sẽ khiến trẻ ăn đối phó vào bữa chính. Do đó, bố mẹ nên tìm những phần thưởng khác để khuyến khích con ăn ngoan như đọc truyện cho trẻ nghe, chơi cùng bé,…
2.6. Luôn kiên nhẫn với trẻ khi thử đồ ăn mới
Việc giúp trẻ trải nghiệm những món ăn mới, đặc biệt là với những bé biếng ăn là điều không hề dễ dàng. Một trong những bí quyết tốt nhất để giải quyết vấn đề này là bố mẹ nên cùng con trải nghiệm. Khi thấy bố mẹ ăn ngon miệng thì trẻ sẽ tập theo.
2.7. Tham khảo ý kiến của bác sĩ Dinh dưỡng
Ngoài việc thiết kế khẩu phần ăn của trẻ dựa vào tháp dinh dưỡng, bố mẹ cũng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Dinh dưỡng. Thông qua việc thăm khám và làm một số xét nghiệm, bác sĩ sẽ cho bố mẹ biết nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và nhu cầu dinh dưỡng của con ra sao. Từ đó, bố mẹ có thể điều chỉnh bữa ăn cho con một cách khoa học hơn.
>>>>>Xem thêm: Chuyên gia giải đáp: Quai bị có lây không?
Bố mẹ nên cho trẻ đi khám dinh dưỡng khi con biếng ăn
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp bố mẹ giải đáp được thắc mắc “Trẻ em biếng ăn phải làm sao?”. Từ đó, tìm được giải pháp phù hợp nhất để giúp con ăn ngon miệng hơn.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.