Trẻ mắc cúm A có sốt không?

Cúm A ở trẻ thường có những biểu hiện khá giống với cảm lạnh thông thường nên nhiều cha mẹ thường đặt câu hỏi vậy cúm A có sốt không? Việc hiểu và nắm rõ những dấu hiệu cúm A giúp cha mẹ có cách chăm sóc con phù hợp, hạn chế tối đa những biến chứng.

1. Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốt cúm A

Theo các bác sĩ chuyên khoa, khi bị mắc cúm A dù ở giai đoạn nhẹ hay nặng con cũng sẽ xuất hiện những dấu hiệu dễ nhận biết bằng mắt thường như sau:

– Sốt. Đặc điểm của trẻ sốt cúm A là con sốt từ 38.5 – 39 độ C, thậm chí gần 40 độ C ở những ngày đầu mắc bệnh.

– Lạnh. Trẻ thường cảm thấy lạnh, đôi khi là rét mặc dù ngồi trong phòng kín gió. Có trường hợp trẻ còn run rẩy do lạnh.

– Đau đầu và cơ thể mệt mỏi. Khi bị cúm A trẻ không chỉ đau đầu mà còn đau người, đặc biệt là phần cơ của chân và tay cũng đau ê ẩm khiến trẻ mệt mỏi thường chỉ muốn nằm hoặc bắt bố mẹ bế.

– Mệt mỏi. Do đau và khó chịu trong người nên con thường có biểu hiện mệt mỏi, không muốn ăn, không muốn chơi. Đa phần trẻ sẽ có xu hướng muốn nằm.

– Họng đỏ và ho. Sốt cúm A họng con thường đỏ nên trẻ có xu hướng bỏ ăn hoặc ăn ít do họng đau khiến bé khó nuốt. Ngoài họng đỏ và đau con cũng xuất hiện kèm theo những cơn ho.

– Tiêu chảy: Khi trẻ bị nôn mửa, tiêu chảy là giai đoạn nặng và có nhiều khả năng biến chứng. Lúc này trẻ cần được điều trị bởi các bác sĩ để không ảnh hưởng tới sức khỏe về sau.

Trước những dấu hiệu trẻ sốt cúm A, cha mẹ chắc hẳn đã có được câu trả lời cho câu hỏi, cúm A có sốt không. Câu trả lời là có. Chính vì thế cha mẹ cần hết sức lưu ý để chăm sóc con được tốt nhất.

Trẻ mắc cúm A có sốt không?

Trẻ mắc cúm A thường sốt cao

2. Làm xét nghiệm cúm A giúp đánh giá được kết quả chính xác

Trong trường hợp nếu cha mẹ vẫn còn nghi ngờ và chưa chắc chắn về những dấu hiệu con đang gặp phải có phải do cúm A hay không thì nên tới bệnh viện để tiến hành làm xét nghiệm.

Dựa trên kết quả xét nghiệm cha mẹ có thể biết chính xác con có bị cúm A hay không và nên điều trị như thế nào để an toàn nhất.

– Xét nghiệm Real time RT-PCR: với xét nghiệm này bệnh nhân sẽ được bác sĩ lấy dịch từ họng bằng cách ngoáy họng, dịch tỵ hầu, dịch phế quản của bệnh nhân. Xét nghiệm sẽ có kết quả từ 4 – 6 giờ.

– Nuôi cấy vi rút: sẽ được thực hiện ở labo đảm bảo đủ điều kiện.

– Xét nghiệm với phương pháp sắc ký miễn dịch: phương pháp này bệnh nhân được lấy bệnh phẩm từ mũi họng và cho kết quả cực nhanh chỉ trong 10 tới 15 phút. Việc xét nghiệm sắc ký miễn dịch giúp phát hiện và phân biệt kháng nguyên của virus cúm type A và type B, từ đó đưa ra được phương pháp điều trị hợp lý.

Ngoài những cách trên bệnh nhân có thể xét nghiệm thông qua công thức máu, điện giải đồ, xét nghiệm chức năng gan, thận, chụp X-quang để đánh giá vụ thể về tình trạng hiện tại của trẻ.

Khi đã biết được kết quả chính xác, bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ cách điều trị. Nếu nhẹ trẻ có thể về điều trị tại nhà cùng đơn thuốc bác sĩ kê. Trường hợp nặng hơn con cần được nhập viện điều trị sớm để tránh biến chứng không đáng có.

Trẻ mắc cúm A có sốt không?

Làm xét nghiệm là cách đánh giá chính xác nhất trẻ có mắc cúm A hay không?

3. Trẻ mắc cúm A nên điều trị như thế nào?

Khi trẻ mắc cúm A nếu con được điều trị đúng cách, bệnh sẽ nhanh chóng thuyên giảm sau 7 ngày. Tùy theo mức độ mắc bệnh mà trẻ thường được điều trị tại nhà hoặc bệnh viện theo những cách sau:

3.1 Điều trị cúm A tại nhà

Nếu con được chỉ định tại nhà, cha mẹ nên chú ý đến chế độ dinh dưỡng, chăm sóc và cho con uống thuốc đều đặn theo kê đơn của bác sĩ.

Hàng ngày con cần được vệ sinh tai mũi họng bằng nước muối sinh lý. Sử dụng những thực phẩm mềm dễ tiêu để cho con ăn. Bên cạnh đó nên để trẻ nằm cách ly phòng riêng để giảm nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình.

Hạn chế tối đa việc đưa con tới chỗ đông người như đi chơi. Trong thời gian ốm nên để con nghỉ ngơi nhiều hơn giúp sức khỏe con nhanh chóng hồi phục.

Trẻ mắc cúm A có sốt không?

Khi trẻ mắc cúm A con cần được chăm sóc đặc biệt với chế độ ăn đủ chất

3.2 Điều trị cúm A tại bệnh viện

Trẻ sẽ được nhập viện trong trường hợp bệnh tiến triển nặng, con sốt cao mãi không đỡ, trẻ bỏ ăn, nôn và tiêu chảy. Thông thường, tại các cơ sở y tế trẻ sẽ được cho dùng thuốc Tamiflu cho trẻ trên 1 tuổi và người lớn.

Trường hợp sử dụng thuốc sớm trong vòng 48h kể từ khi xuất hiện triệu chứng, bệnh sẽ thuyên giảm và rút ngắn thời gian điều trị xuống còn từ 1-3 ngày.

Hiện nay cúm A chưa có thuốc đặc trị nên Tamiflu chỉ với vai trò là thuốc hỗ trợ điều trị. Vì vậy nên thuốc sẽ đạt hiệu quả cao khi dùng càng sớm càng tốt.

Trên đây là những thông tin giải đáp cho câu hỏi, cúm A có sốt không? Khi cha mẹ đã có được câu trả lời cũng như biết cách nhận biết dấu hiệu cúm A, có thể căn cứ vào đây để theo dõi sức khỏe con trong thời điểm dịch cúm A đang bùng phát như hiện nay.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *