Một trong những hiện tượng phổ biến, hay gặp ở trẻ sơ sinh là chứng khóc đêm. Vậy, việc trẻ quấy khóc đêm có ảnh hưởng gì không và cha mẹ nên làm gì? Cùng đón đọc câu trả lời có trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Trẻ quấy khóc đêm thì cha mẹ nên làm gì?
1. Trẻ quấy khóc đêm như nào là bình thường?
Dân gian vẫn thường gọi hiện tượng trẻ khóc đêm là khóc dạ đề. Phần lớn, trẻ thường trăn trở, khó chịu và quấy khóc khi ngủ. Cũng có những trường hợp bé khóc thét lúc ngủ do bị giật mình.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, chứng khóc dạ đề thường xuất hiện ở trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi. Sau đó, trẻ sẽ ngừng khóc hoặc tần suất khóc đêm của trẻ cũng giảm rõ rệt. Mỗi khi trẻ “vào cơn” thì không có cách nào ngoài việc đợi đến khi trẻ tự nín.
Hiện nay, có đến 30% trẻ sơ sinh mắc phải hiện tượng này. Do đó, cha mẹ đừng quá lo lắng, hãy kiên nhẫn dỗ dành và vỗ về con. Nếu qua 6 tháng tuổi mà bé vẫn thường xuyên quấy khóc, cha mẹ hãy tới gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể và chính xác.
Dân gian vẫn thường gọi hiện tượng trẻ khóc đêm là khóc dạ đề.
2. Trẻ quấy khóc đêm như nào là bất thường?
Không phải trường hợp khóc đêm nào của bé cũng là khóc dạ đề bình thường. Trẻ quấy khóc ban đêm có thể do con đang gặp phải một số vấn đề gây ức chế, khó chịu.
Một số lý do thường gặp khiến trẻ quấy khóc đêm bao gồm:
2.1. Trẻ quấy khóc đêm do có sự thay đổi về thể chất và môi trường
Với trẻ nhũ nhi vừa lọt lòng mẹ, sự thay đổi đột ngột từ trong bụng mẹ sang môi trường ngoài có thể khiến con khó ngủ và quấy khóc. Bởi lẽ, trẻ không kịp thích nghi với sự khác nhau giữa hai môi trường nên sinh ra khó chịu.
Đối với trẻ sơ sinh hoặc dưới 2 tuổi, con vẫn chưa thể diễn đạt được hết những khó chịu đang gặp phải như: Đói bụng, đầy hơi, chướng bụng, lạnh, mọc răng, côn trùng đốt, giun kim, bỉm ướt hoặc bẩn…
Do đó, cha mẹ hãy lưu ý:
– Cho con ăn nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa cách nhau khoảng 2 – 3 giờ đồng hồ.
– Không nên cho con ăn quá no trước khi đi ngủ.
– Kiểm tra thân nhiệt của bé và điều chỉnh nhiệt độ điều hòa phù hợp.
– Kiểm tra việc mọc răng của con.
– Có biện pháp ngăn ngừa côn trùng tấn công bé như: mắc màn, xông tinh dầu…
– Chế biến thực phẩm đảm bảo vệ sinh, tẩy giun định kỳ cho bé.
– Kiểm tra và thay bỉm cho bé nếu cần
Côn trùng đốt cũng khiến trẻ khó chịu, quấy khóc trong khi ngủ.
2.2. Trẻ quấy khóc đêm do những yếu tố về tinh thần
Nếu ban ngày trẻ được cha mẹ đưa đến những nơi đông người hoặc tiếp xúc với những bộ phim, bản nhạc có tiết tấu mạnh… có thể sẽ khiến trẻ quấy khóc vào ban đêm. Lí do là vì hệ thần kinh của trẻ rất nhạy cảm, những thứ bé tiếp xúc có thể gây ra ác mộng, khiến bé giật mình và khóc vào ban đêm.
Ngoài ra, có nhiều gia đình cho con ngủ riêng từ rất sớm cũng là yếu tố khiến con khóc đêm. Việc phải ở một mình trong bóng tối có thể sẽ khiến con bất an, hoang mang và tủi thân. Do đó, hành động quấy khóc ban đêm của bé có thể là tín hiệu muốn cha mẹ âu yếm, vỗ về và an ủi.
2.3. Trẻ quấy khóc đêm do một số bệnh lý
Khi thể trạng không được khỏe, người lớn chúng ta rất dễ rơi vào trạng thái mệt mỏi, mất ngủ. Trẻ nhỏ cũng vậy. Do đó, khi không may gặp phải một số bệnh lý về đường tiêu hóa như: chướng bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa… trẻ sẽ quấy khóc nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
Bên cạnh đó, những bệnh về răng miệng như mọc răng, nứt lợi, loét miệng, nhiệt miệng… cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc khi ngủ. Nếu thấy con bỏ ăn, sốt nhẹ, nhiều nước dãi, mẹ hãy kiểm tra tình trạng răng miệng của con xem sao nhé.
Tìm hiểu thêm: Viêm phế quản phổi ở trẻ em: Nguyên nhân và cách phòng ngừa
Những vấn đề về răng miệng như mọc răng, nứt lợi, loét miệng, nhiệt miệng… cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc đêm.
3. Trẻ hay quấy khóc về đêm có ảnh hưởng thế nào?
Nhiều chuyên gia Nhi khoa đã khẳng định, giấc ngủ có vai trò khôi phục và tái tạo năng lượng cũng như sức khỏe cho bé. Một giấc ngủ ngon sẽ giúp tuyến yên sản sinh ra hormone tăng trưởng, giúp con phát triển chiều cao và cân nặng. Bên cạnh đó, khi con trẻ ngủ sâu, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều tế bào miễn dịch hơn.
Do đó, việc trẻ thường xuyên quấy khóc ban đêm sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của trẻ, cả thể lực và trí lực. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, trẻ mất ngủ kéo dài sẽ có nguy cơ bị suy giảm trí nhớ, suy giảm khả năng tập trung. Không những thế, trẻ không ngủ đủ hoặc không ngủ ngon sẽ bị suy giảm miễn dịch và dễ bị vi khuẩn, virus tấn công và dễ bị ốm.
>>>>>Xem thêm: Bé bị cúm A khi nào cần cho đi viện khám?
Một giấc ngủ ngon sẽ giúp tuyến yên sản sinh ra hormone tăng trưởng, giúp con phát triển cả thể lực và trí lực.
4. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ hay khóc đêm?
Có thể nói, việc con trẻ quấy khóc ban đêm không chỉ khiến tất cả cha mẹ lo lắng, xót xa mà còn khiến họ mất ngủ. Vì vậy, các phương pháp để giúp trẻ hạn chế khóc đêm đều được các bố mẹ quan tâm.
Dưới đây là một số lời khuyên từ các chuyên gia Nhi, nhằm giúp các bậc phụ huynh khi có con hay quấy khóc buổi đêm:
– Đầu tiên, cha mẹ hãy bình tĩnh, nhanh chóng theo dõi và tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ khó chịu, quấy khóc. Nếu nguyên nhân là do những bất thường từ cơ thể như đói, sốt, nóng, lạnh… thì cha mẹ chỉ cần khắc phục những vấn đề đó, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
– Mẹ hãy âu yếm, vỗ về bé để bé lấy lại bình tĩnh, cân bằng cảm xúc và tạo cảm giác an toàn cho con.
– Trước khi ngủ, mẹ không nên cho bé ăn hay bú quá nhiều, quá no, khiến trẻ đầy bụng mà còn dễ bị tiểu đêm, gây ướt bỉm.
– Vệ sinh, thay bỉm cho bé, giữ cho cơ thể bé được khô ráo, đặc biệt là trước khi ngủ.
– Thường xuyên thay chăn ga, sử dụng chăn ga có chất liệu mềm mại, thoáng khí và sử dụng bột giặt chuyên dụng cho bé để tránh gây kích ứng da cho con.
– Giúp trẻ hình thành và tạo lập thói quen sinh hoạt khoa học, ăn uống, vệ sinh, vui chơi, nghỉ ngơi đúng giờ.
– Không nên cho bé ngủ quá nhiều vào ban ngày vì ban đêm sẽ dễ bị mất ngủ.
– Hạn chế các hoạt động vui đùa, ồn ào quá mức khiến trẻ giật mình, khó ngủ.
– Cha mẹ có thể cho con tham gia một số hoạt động nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ… vào ban ngày để ban đêm con dễ ngủ và ngủ ngon hơn.
Trên thực tế, việc trẻ khóc ban đêm có thể chỉ là một dấu hiệu sinh lý thông thường. Tuy nhiên, nếu hiện tượng này kéo dài thì các mẹ cần tìm hiểu kỹ vì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cũng như sự phát triển của trẻ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.