Trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng là điều bình thường khi trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Nhưng nếu trẻ đi ngoài lỏng quá nhiều trong một ngày thì đó có thể là dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy.
Bạn đang đọc: Trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng có phải tiêu chảy?
1. Trẻ sơ sinh đi ngoài như thế nào thì bình thường?
Khi mới chào đời, trong khoảng 2-3 ngày đầu, trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài ra phân su. Loại phân này thường có màu đen hoặc xanh đen, sệt, dính, không mùi.
Sau vài ngày bú sữa mẹ, trẻ sơ sinh sẽ thải phân lỏng có màu vàng hoặc hơi xanh. Phân có thể có những hạt trắng lợn cợn hoặc có mùi hơi chua. Trung bình, trẻ sơ sinh bú sữa mẹ sẽ đi ngoài lỏng khoảng 5-6 lần/ngày trong tháng đầu tiên. Nhìn qua thì rất giống bé bị tiêu chảy nhưng thực tế đây là điều hoàn toàn bình thường ở trẻ sơ sinh.
Với trẻ bú sữa công thức, phân của trẻ thường đặc hơn, nhão như bơ đậu, có màu xanh lá cây nâu hoặc vàng nâu, và nặng mùi hơn phân trẻ bú mẹ. Trẻ bú sữa công thức thường đi ngoài từ 2-4 lần/ ngày trong 6 tuần đầu sau sinh.
2. Cách nhận biết trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng do tiêu chảy
Phân trẻ có mùi hôi hoặc tanh là một dấu hiệu có thể trẻ đang bị tiêu chảy
Trẻ sơ sinh đi ngoài lỏng là điều bình thường nên khá nhiều bà mẹ bị bối rối trong việc nhận biết trẻ có đang bị tiêu chảy hay không. Tuy nhiên, nghiên cứu thực tế cho thấy, nếu trẻ bị tiêu chảy, trẻ sẽ có những dấu hiệu khác với khi đi ngoài thông thường, đó là:
– Số lần đi ngoài lỏng của trẻ sẽ nhiều hơn so với bình thường
– Lượng phân lỏng cũng nhiều hơn so với những lần đi ngoài trước đó, thậm chí phân lỏng có thể tràn cả ra khỏi tã/bỉm
– Phân trẻ thải ra có chất nhầy, hoặc có máu
– Phân có mùi hôi hoặc tanh
Bên cạnh đó, khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy, bé có thể bị sốt nhẹ hoặc sốt cao, nôn ói, bỏ bú hoặc bú kém. Cơ thể trẻ sẽ bị mất nước với các dấu hiệu:
– Tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu đậm màu hơn. Trường hợp mất nước nặng, trẻ có thể sẽ không đi tiểu trong vòng 6 giờ
– Trẻ bị khô môi, mắt trũng, khóc ra ít hoặc không ra nước mắt
– Da khô, không có khả năng đàn hổi hoặc khả năng đàn hồi kém
– Thóp trũng
– Trẻ lờ đờ, mệt mỏi, thờ ơ với mọi thứ xung quanh, kể cả với những đồ chơi mà trước đó trẻ yêu thích
– Mạch nhanh, huyết áp tụt
Tóm lại, trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng có thể là một trong những dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy. Nhưng bố mẹ cần phải theo dõi thêm các dấu hiệu khác để xác định khả năng này. Đặc biệt, bố mẹ cần hết sức chú ý tới dấu hiệu mất nước ở trẻ, bởi đây là hậu quả rất nghiêm trọng của bệnh tiêu chảy.
3. Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy có thể do rất nhiều nguyên nhân, trong đó các nguyên nhân phổ biến gồm:
– Trẻ bị nhiễm virus (hay gặp nhất là Rotavirus), vi khuẩn salmonella, hoặc ký sinh trùng giardia.
– Trẻ bị ngộ độc thực phẩm
– Trẻ không dung nạp đường lactose có trong sữa mẹ và sữa công thức
– Trẻ bị hội chứng ruột kích thích (một bệnh do tình trạng ống tiêu hóa rối loạn gây nên)
– Trẻ được cho uống kháng sinh, hoặc mẹ sử dụng kháng sinh nhưng vẫn cho con bú. Kháng sinh khi đi vào cơ thể trẻ không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt luôn vi khuẩn có lợi, gây mất cân bằng đường ruột ở trẻ, dẫn đến tiêu chảy.
Để biết chính xác nguyên nhân, các bậc phụ huynh cần đưa con đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám, làm các xét nghiệm kiểm tra cho con, từ đó có hướng điều trị phù hợp cho trẻ.
4. Cách xử lý tại nhà khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy
Nếu trẻ sơ sinh bị đi ngoài lỏng do tiêu chảy, mẹ cần xử lý tùy theo mức độ bị mất nước của trẻ. Nếu trẻ bị mất nước nghiêm trọng, mẹ nên đưa bé đến ngay bệnh viện để các bác sĩ điều trị kịp thời cho con. Còn trong trường hợp con chỉ bị mất nước nhẹ, các triệu chứng khác đều nhẹ, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc con tại nhà như sau:
4.1. Cho trẻ bú sữa nhiều hơn để bù nước cho trẻ
Tìm hiểu thêm: Cách chữa cảm cúm cho trẻ 2 tuổi khoa học, hiệu quả
Mẹ cần cho trẻ bú sữa nhiều hơn để bù nước và điện giải cho con
Đây là nguyên tắc quan trọng nhất mà mẹ cần đặc biệt ghi nhớ đối với trẻ bị tiêu chảy. Mẹ cần cho trẻ bú sữa nhiều hơn để cung cấp đủ lượng nước và điện giải cần thiết cho cơ thể trẻ, tránh nguy cơ trẻ có thể bị các biến chứng nghiêm trọng hơn do mất nước.
4.2. Lên thực đơn đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ
Việc chăm sóc trẻ sơ sinh bị tiêu chảy cần phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Do ở giai đoạn sơ sinh, trẻ chỉ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức, do đó mẹ cần bổ sung đủ chất dinh dưỡng trong các bữa ăn của mình hàng ngày. Mẹ nên hạn chế các thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ uống có gas, … Điều này sẽ giúp sữa mẹ có giá trị dinh dưỡng cao hơn và qua đó, trẻ cũng sẽ được đảm bảo hấp thụ đủ chất dinh dưỡng từ sữa mẹ.
4.3. Giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ
Trẻ đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày sẽ khiến bé khó chịu. Vì vậy, mẹ cần chú ý thay tã/bỉm cho trẻ thường xuyên để mông trẻ luôn sạch, khô, tránh bị hăm tã.
Bên cạnh đó, cha mẹ cũng cần phải vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng sau khi thay tã/bỉm cho bé, hoặc sau khi tiếp xúc, dọn dẹp chất nôn của con. Bỉm và chất nôn cần phải được xử lý gọn gàng, hợp vệ sinh, Dụng cụ, đồ dùng của bé cũng cần phải được rửa sạch sẽ, tránh lây lan mầm bệnh cho người khác hoặc gây ra tình trạng tái nhiễm cho trẻ.
5. Khi nào cần đưa trẻ sơ sinh bị tiêu chảy tới cơ sở y tế?
>>>>>Xem thêm: Chăm sóc khi trẻ bị viêm mũi dị ứng
Cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, tư vấn điều trị phù hợp
Bố mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu thấy trẻ có những dấu hiệu sau:
– Trẻ bị đi ngoài phân lỏng nhiều hơn bình thường quá 3 ngày
– Phân trẻ có máu hoặc nhầy, có mùi thối
– Trẻ sốt cao (trên 38,5 °C) liên tục
– Trẻ nôn ói nhiều
– Trẻ cáu gắt, quấy khóc nhiều
– Trẻ bắt đầu có các dấu hiệu mất nước vừa: mắt trũng, da khô, kém đàn hồi, lờ đờ, …
Nhìn chung, giai đoạn sơ sinh là giai đoạn trẻ non nớt nhất, đồng thời trẻ chỉ có thể biểu hiện sự khó chịu qua khóc. Nếu bố mẹ không tinh ý quan sát, có thể sẽ không nhận biết được tình trạng bệnh của con. Do đó, để đảm bảo an toàn cho con, lời khuyên dành cho các cha mẹ vẫn là đưa con đi khám sớm nhất có thể để các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh của con và hướng dẫn gia đình cách điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.