Trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không?

Hiện tượng vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng không hiếm gặp song khiến nhiều cha mẹ lo lắng bởi không biết đây là tình trạng sinh lý bình thường hay bất thường ở trẻ. Vậy trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không?

1. Hiện tượng vàng da ở trẻ

Trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không?

Hiện tượng vàng da sơ sinh có thể xuất hiện sau 24 giờ kể từ thời điểm bé chào đời

Hiện tượng vàng da ở trẻ là tình trạng da có màu sắc vàng nhạt hoặc vàng đậm tại một số bộ phận hoặc trên toàn thân. Da trẻ bị vàng nguyên nhân xuất phát từ sự tích tụ bilirubin trong máu. Đây là một sắc tố vàng được tạo thành trong quá trình tế bào hồng cầu bị phá hủy. Khi còn trong bụng mẹ, việc loại bỏ bilirubin được thải bỏ thông qua cơ thể mẹ. Nhưng từ khi chào đời, cơ thể trẻ phải hoàn toàn đảm nhận chức năng này.  Với trẻ sơ sinh, do chức năng gan chưa được hoàn thiện nên không thể lọc bỏ một cách hiệu quả lượng bilirubin ra khỏi cơ thể gây nên hiện tượng vàng da.

2. Trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không?

Hiện tượng vàng da có ảnh hưởng đến trẻ hay không phụ thuộc vào việc trẻ bị vàng da sinh lý bình thường hay trẻ vàng da bệnh lý.

2.1. Trẻ vàng da sinh lý

Vàng da sinh lý là tình trạng vàng da thông thường. Mức độ vàng da thường chỉ dừng lại ở việc vàng da vùng mặt, cổ và vùng ngực, vùng bụng trên rốn của trẻ và hoàn toàn không kèm theo các triệu chứng bất thường của trẻ như tình trạng thiếu máu, bỏ bú, lá lách lớn,…. Trong quá trình kiểm tra nồng độ bilirubin trong máu, trẻ sinh đủ tháng không vượt quá 12mg% và trẻ sinh non không vượt quá 14mg%. Nguyên nhân vàng da sinh lý tương tự như cơ chế sản sinh bilirubin đã đề cập bên trên. Quá trình thay mới và phá hủy hồng cầu cũ ở trẻ sơ sinh diễn ra vô cùng mạnh mẽ, chính vì vậy lượng bilirubin cũng nhanh chóng gia tăng ngay khi vừa mới sinh. Tuy nhiên tốc độ tăng bilirubin trong máu không được vượt quá 5mg% trong mỗi 24 giờ.

Hiện tượng vàng da thường xuất hiện 24 giờ sau sinh và sẽ nhanh chóng giảm dần, biến mất trong khoảng 7 ngày với trẻ được sinh đủ tháng, đối với trẻ sinh thiếu tháng là khoảng thời gian lâu hơn, khoảng 14 ngày đến 20 ngày. Lý do bởi sau sinh vài ngày, các cơ quan bài tiết của trẻ dần được hoàn thiện và bắt đầu đảm nhiệm chức năng lọc bỏ các chất thải, chất độc khỏi cơ thể, nhờ đó mà lượng bilirubin dư thừa trong máu cũng được đào thải ra bên ngoài.

Trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không?

Muốn biết trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không cần thực hiện xét nghiệm kiểm tra nồng độ Bilirubin trong máu

2.2. Trẻ vàng da bệnh lý

Vàng da bệnh lý là tình trạng vàng da mức độ lớn. Cha mẹ có thể nhận biết tình trạng vàng da bệnh lý một cách dễ dàng thông qua các triệu chứng như:

– Tình trạng vàng da xuất hiện sau 24 giờ và không có dấu hiệu giảm sau một đến hai tuần.

– Mức độ vàng da gia tăng, không chỉ ở vùng cổ ngực, bụng mà vàng da xuất hiện toàn thân. Quan sát mắt của trẻ cũng cảm nhận được củng mạc mắt của bé cũng có ánh vàng.

– Vàng da đi kèm hiện tượng thiếu máu, trẻ mệt mỏi, bỏ bú.

– Khi kiểm tra nồng độ bilirubin, lượng bilirubin trong máu vượt quá mức tiêu chuẩn ( 12mg% ở trẻ bình thường và 14mg% ở trẻ sinh non, cùng với đó tốc độ gia tăng bilirubin quá 5mg% trong mỗi 24 giờ).

Hiện tượng vàng da bệnh lý vô cùng nguy hiểm cho trẻ bởi khi nồng độ bilirubin trong máu quá cao sẽ gây nên tình trạng não nhiễm độc bilirubin. Biến chứng nguy hiểm của tình trạng nhiễm độc này là gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho não bộ, là nguyên nhân gây nên tình trạng bại não và suy giảm hệ thần kinh vận động. Trong đó nguy hiểm nhất là tình trạng vàng da nhân: hiện tượng lắng đọng bilirubin trong nhân thân của não, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tương lai của trẻ ( trẻ bị thiểu năng trí tuệ, điếc, liệt dây thần kinh mắt, động kinh, cong cột sống,…Khi phát hiện trẻ vàng da bất thường, hãy chủ động đưa trẻ đi thăm khám và điều trị ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm của bệnh vàng da.

3. Điều trị vàng da ở trẻ

Hiện tượng vàng da ở trẻ dù là vàng da sinh lý cũng cần phải theo dõi liên tục để kiểm soát nồng độ bilirubin trong máu để tránh biến chứng hoặc tăng bilirubin bất thường. Đối với vàng da bệnh lý, cần điều trị kịp thời. Hiện nay, ba phương pháp phổ biến nhất để điều trị vàng da cho trẻ là chiếu đèn; cung cấp chất dinh dưỡng và chất chuyển hóa bilirubin; thay máu cho trẻ.

3.1. Cung cấp chất dinh dưỡng và chất chuyển hóa Bilirubin

Đối với trẻ sơ sinh, nồng độ bilirubin trong máu vượt quá mức bình thường ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Chính vì vậy, khi trẻ bị vàng da, mẹ cần tích cực cho bé bú sữa, hoặc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định truyền albumin và một số loại thuốc cần thiết để đẩy nhanh tốc độ phân giải và chuyển hóa bilirubin một cách gián tiếp cho trẻ.

3.2. Chiếu đèn điều trị vàng da

Trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không?

Chiếu đèn là một trong những biện pháp phổ biến được sử dụng để điều trị vàng da cho trẻ

Chiếu đèn điều trị vàng da đã và đang là phương pháp điều trị hiệu quả và tiết kiệm chi phí nhất. Khi phát hiện trẻ có hiện tượng vàng da, các bác sĩ sẽ đưa trẻ đi chiếu đèn. Tác dụng phân giải bilirubin có được là nhờ tác dụng của ánh sáng trắng hoặc ánh sáng xanh tác động chuyển bilirubin tự do trong các mô mỡ dưới da thành photobilirubin – một sản phẩm quang oxy có thể hòa tan trong nước và không gây độc cho cơ thể. Khi Bilirubin được  phân giải hoàn toàn sẽ được đào thải khỏi cơ thể thông qua gan và thận một cách bình thường.

3.3. Thay máu cho trẻ

Biện pháp thay máu cho trẻ được áp dụng khi nồng độ Bilirubin quá cao và có nguy cơ gây nhiễm độc não.

Trên thực tế, tùy thuộc vào tình trạng vàng da của trẻ mà trong quá trình điều trị các bác sĩ có thể kết hợp 2 hoặc cả ba phương pháp cùng lúc.

Trên đây là một số thông tin về vấn đề vàng da ở trẻ. Với những thông tin trên, hi vọng rằng cha mẹ đã trả lời được câu hỏi trẻ sơ sinh bị vàng da có sao không. Hãy đưa trẻ đi kiểm tra và theo dõi liên tục để điều trị kịp thời trong trường hợp trẻ bị vàng da bệnh lý để tránh biến chứng nguy hiểm tới sức khỏe và tính mạng của trẻ.

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *