Trẻ em hiếu động, chạy nhảy nhiều nên thân nhiệt thường cao và mồ hôi thường nhiều hơn người trưởng thành. Bên cạnh đó, trẻ cũng chưa có ý thức dự phòng muỗi đốt. Tất cả những đặc điểm đó đều khiến trẻ dễ bị muỗi đốt và mắc sốt xuất huyết hơn người trưởng thành. Sốt xuất huyết ở trẻ thường đi kèm nhiều triệu chứng phiền toái. Bởi thế, nhiều phụ huynh thắc mắc trẻ sốt xuất huyết mấy ngày thì khỏi, những triệu chứng phiến toái của sốt xuất huyết mấy ngày thì biến mất và sốt xuất huyết có mắc lại không. Bài viết sau của Thu Cúc TCI sẽ giải đáp những thắc mắc đó, đọc ngay bố mẹ nhé!
Bạn đang đọc: Trẻ sốt xuất huyết mấy ngày thì khỏi, có bị lại không
1. Giải đáp chi tiết thắc mắc: Trẻ sốt xuất huyết mấy ngày thì khỏi?
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính phát sinh do virus Dengue, có thể bùng phát thành dịch. Sốt xuất huyết lây từ người sang người thông qua muỗi vằn. Cụ thể, muỗi vằn đốt người bệnh sốt xuất huyết và nhiễm virus Dengue. Sau đó, chúng đốt người lành, truyền virus Dengue và làm người đó khởi phát sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết có thể xuất hiện quanh năm nhưng bùng phát mạnh mẽ nhất vào các tháng 7, 8, 9, 10.
Sốt xuất huyết lây từ người sang người thông qua muỗi vằn.
Khi virus Dengue xâm nhập vào cơ thể người, nó cần khoảng 3 – 13 ngày để ủ bệnh sốt xuất huyết. Trong giai đoạn này, sốt xuất huyết thường không biểu hiện hoặc có biểu hiện nhưng không rõ ràng. Sau đó, các triệu chứng sốt xuất huyết có thể xuất hiện và bệnh truyền nhiễm cấp tính này có thể tiến triển qua những giai đoạn như sau:
– Giai đoạn 1, giai đoạn sốt, thường kéo dài 3 – 7 ngày: Lúc này, trẻ sốt cao (từ 40 độ C) đột ngột và liên tục; đau đầu, đau hốc mắt, đau cơ xương khớp; buồn nôn và nôn; có thể tiêu chảy; nổi hạch; phát ban;…
– Giai đoạn 2, giai đoạn nguy hiểm, thường xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7, tính từ khi trẻ sốt. Trẻ sốt xuất huyết giai đoạn nguy hiểm thường hết sốt; đau bụng dữ dội; xuất huyết dưới da; xuất huyết niêm mạc (chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, chảy máu âm đạo, tiểu tiện và đại tiện ra máu); vật vã, li bì, lơ mơ.
– Giai đoạn 3, giai đoạn hồi phục, thường kéo dài khoảng 1 – 2 ngày
Như vậy, kể từ thời điểm sốt xuất huyết có những biểu hiện rõ ràng đầu tiên, trẻ sẽ khỏi trong khoảng 7 – 10 ngày.
Nghi ngờ sốt xuất huyết, bố mẹ phải đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín gần nhất thăm khám ngay. Sau thăm khám và chẩn đoán xác định, nếu sốt xuất huyết cấp 1 trẻ có thể điều trị ngoại trú theo đơn, có hẹn ngày tái khám. Nếu sốt xuất huyết cấp 2, trẻ có thể điều trị ngoại trú, có theo dõi chặt chẽ hoặc điều trị nội trú nếu xét thấy cần thiết.
Trong quá trình điều trị ngoại trú, bố mẹ cần theo dõi thân nhiệt của trẻ liên tục. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ, cần cho trẻ uống Paracetamol đơn chất với liều lượng 10 – 15mg/kg/lần. Đo lại thân nhiệt của trẻ 1 giờ sau uống Paracetamol. Cho trẻ uống Paracetamol sau 4 – 6 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt trên 38,5 độ C. Tuyệt đối không dùng Aspirin và Ibuprofen cho trẻ vì hai thuốc này có thể gây rối loạn đông máu, rất nguy hiểm. Ngoài sử dụng thuốc, bố mẹ có thể chườm mát nách, trán, bẹn với nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của trẻ 2 – 3 độ C để tăng hiệu quả hạ sốt cho trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần cho trẻ uống dung dịch Oresol, nước trái cây, nước lọc,… để tránh mất nước, trụy mạch.
Tìm hiểu thêm: Nhận biết biểu hiện bệnh viêm phế quản, phân biệt với viêm họng
Để tránh mất nước, trụy mạch, bố mẹ cần cho trẻ uống dung dịch Oresol, nước trái cây, nước lọc,…
2. Dấu hiệu cho thấy trẻ sốt xuất huyết đã khỏi?
Biểu hiện cho thấy trẻ sốt xuất huyết đã khỏi là trẻ không còn mệt mỏi, thèm ăn, ăn ngon miệng. Ngoài ra, khi trẻ sốt cao, dẫn đến tình trạng mất nước, trẻ sẽ tiểu tiện ít hơn so với bình thường; nhưng khi đã khỏi, trẻ tiểu tiện nhiều hơn. Một biểu hiện quan trọng nữa cho thấy trẻ sốt xuất huyết đã khỏi là trẻ không xuất hiện các vết phát ban mới, trẻ không còn ngứa ngáy.
Một điều phụ huynh cần ghi nhớ, hết sốt không phải là biểu hiện cho thấy trẻ sốt xuất huyết đã khỏi. Thông thường, khi hết sốt, sốt xuất huyết mới bước vào giai đoạn nguy hiểm. Lúc này, bố mẹ cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ và cho trẻ nhập viện ngay nếu trẻ: Đau bụng dữ dội; xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc; nôn liên tục; bỏ bú, bỏ ăn; tay chân lạnh, ẩm, rối loạn tri giác như lơ mơ, li bì,…
3. Trẻ sốt xuất huyết có mắc lại không?
Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ đã mắc sốt xuất huyết thì không thể mắc lại bệnh truyền nhiễm cấp tính này. Đây là một quan niệm sai lầm.
Sốt xuất huyết có nguyên nhân phát sinh là virus Dengue. Có tất cả 4 tuýp huyết thanh Dengue gây sốt xuất huyết, đó là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Trẻ sốt xuất huyết do tuýp huyết thanh nào sẽ có miễn dịch đặc hiệu với tuýp huyết thanh đó, nhưng chỉ với tuýp huyết thanh đó mà thôi. Như vậy, trẻ sốt xuất huyết một lần vẫn có thể sốt xuất huyết thêm ba lần nữa, chỉ cần trẻ bị đốt bởi muỗi vằn nhiễm tuýp huyết thanh Dengue trẻ chưa nhiễm.
>>>>>Xem thêm: Giải đáp vấn đề trẻ suy dinh dưỡng là thiếu chất gì
Có tất cả 4 tuýp huyết thanh Dengue gây sốt xuất huyết, đó là DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4.
Phía trên là câu trả lời cho câu hỏi trẻ bị sốt xuất huyết mấy ngày thì khỏi, có mắc lại không? Để biết thêm thông tin chi tiết về sốt xuất huyết, liên hệ Thu Cúc TCI bố mẹ nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.