Triệu chứng cảnh báo bị tắc ruột, cách chẩn đoán và điều trị

Sự đình chỉ lưu thông của các chất trong lòng ruột gây tích tụ trong cơ thể và không thoát ra ngoài được gọi là hiện tượng tắc ruột. Người bị tắc ruột có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm không thể chủ quan. Vậy triệu chứng cảnh báo tắc ruột là gì? Chẩn đoán và điều trị tắc ruột như thế nào?

Bạn đang đọc: Triệu chứng cảnh báo bị tắc ruột, cách chẩn đoán và điều trị

1. Bị tắc ruột là gì?

Tắc ruột là hội chứng ruột của người bệnh bị tắc nghẽn cơ năng hoặc cơ học. Tình trạng này khiến sự di chuyển của các sản phẩm tiêu hóa bị ngăn cản, tích tụ lại, không thể đào thải ra ngoài cơ thể.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người gặp tình trạng tắc ruột. Trong đó các căn nguyên phổ biến nhất là: dính ruột, xoắn ruột, khối u, lạc nội mạc tử cung, viêm ruột thừa, thoát vị, lao ruột, lồng ruột, thiếu máu cục bộ ruột,…

Triệu chứng cảnh báo bị tắc ruột, cách chẩn đoán và điều trị

Có nhiều nguyên nhân gây tắc ruột

2. Phân loại các trường hợp bị tắc ruột

Tắc ruột là hội chứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Có 2 nhóm tắc ruột phân loại theo nhóm nguyên nhân gây bệnh như sau:

2.1. Tắc ruột cơ năng

Tắc ruột cơ năng còn được gọi là tắc ruột do rối loạn vận động của ruột. Bình thường, nhu động ruột giúp di chuyển các chất trong lòng ruột theo một chiều để cơ thể hoạt động theo đúng chu trình. Tuy nhiên, khi bị tắc ruột, các nhu động này sẽ bị mất đi sự ổn định. Phương pháp điều trị tắc ruột bằng phẫu thuật ngoại khoa không có tác dụng điều trị trực tiếp trong trường hợp này.

2.2. Tắc ruột cơ học

Đây là tình trạng gây ra bởi một chướng ngại nào đó. Người bệnh có thể gặp 2 loại rối loạn là rối loạn tại chỗ và rối loạn toàn thân. Tắc ruột cơ học có thể can thiệp được bằng phẫu thuật, người bệnh có thể điều trị ngoại khoa.

3. Triệu chứng cảnh báo tắc ruột

Chứng tắc ruột thường có một số biểu hiện lâm sàng như sau:

3.1. Bị tắc ruột gây đau chướng bụng

Đây là dấu hiệu đầu tiên cảnh báo tắc ruột. Người bệnh có thể đau bụng từng cơn, kéo dài khoảng 30 giây, đột ngột hoặc dữ dội rồi giảm dần. Các cơn đau thường cách nhau 2 – 3 phút nếu vị trí tắc nằm ở ruột non. Trong khí đó nếu phần tắc ở đại tràng, các cơn đau sẽ cách nhau khoảng 15 – 30 phút. Cơn đau ban đầu chỉ khu trú ở một vùng bụng, sau đó sẽ lan ra toàn bụng. Theo thời gian, triệu chứng đau xuất hiện càng nhiều và tăng lên về mức độ.

Tìm hiểu thêm:  Nội soi tiêu hóa cho trẻ em có nguy hiểm không?

Triệu chứng cảnh báo bị tắc ruột, cách chẩn đoán và điều trị

Tắc ruột khiến người bệnh đau bụng, chướng bụng

3.2. Buồn nôn, nôn nhiều

Hầu như người bệnh tắc ruột nào cũng có biểu hiện buồn nôn, nôn. Mức độ và tính chất nôn ở từng người bệnh sẽ khác nhau, tùy thuộc vào vị trí tắc. Nhiều người chỉ buồn nôn nhưng không bị nôn. Triệu chứng nôn xuất hiện có thể kèm theo các cơn đau bụng. Đầu tiên người bệnh nôn ra thức ăn, sau đó là nước mật, dịch tiêu hóa và các sản phẩm tiêu hóa khác.

Tình trạng tắc ruột càng nặng thì triệu chứng nôn sẽ càng xuất hiện sớm và tần suất nhiều. Điều này dễ dẫn đến mất nước, mất chất điện giải, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.

3.3. Bí trung đại tiện do bị tắc ruột

Một dấu hiệu khác của chứng tắc ruột là tình trạng bí trung tiện, đại tiện. Triệu chứng này cho thấy sự bí tắc hoàn toàn của các chất có trong lòng ruột.

Trong thời gian đầu bị tắc ruột, ruột vẫn có khả năng co bóp đẩy khí và phân ở dưới chỗ bị tắc ra ngoài. Khi các chất và hơi ở phía trên chỗ bị tắc không xuống được thì mới dẫn đến bí trung đại tiện. Do đó, triệu chứng này thường xảy ra muộn. Người bệnh cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức để tránh biến chứng nguy hiểm.

3.4. Các triệu chứng khác

Ở những người gầy có thành bụng mỏng, khi tắc ruột có thể sờ thấy quai ruột nổi hằn lên thành bụng. Thậm chí có thể thấy được sóng nhu động nổi cộm lên ở các quai ruột và di chuyển như rắn bò dưới da bụng. Hiện tượng này thường gặp trong tắc ruột cơ học.

Ngoài ra, người bệnh còn có thể bị sốt nhẹ, mất nước, nhiễm trùng dịch ứ đọng tại vị trí tắc.

Những dấu hiệu này giúp nhận biết sớm chứng tắc ruột. Bên cạnh đó, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và vị trí – cơ chế tắc ruột, người bệnh còn cần thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ.

4. Những đối tượng dễ bị tắc ruột

Bất kỳ độ tuổi giới tình nào cũng có thể mắc hội chứng tắc ruột. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:

– Người có các chấn thương đường ruột.

– Bệnh Crohn.

– Nhiễm khuẩn huyết.

– Viêm túi thừa.

– Người từng thực hiện chiếu xạ tại vùng bụng hoặc gần vùng bụng.

– Thực hiện phẫu thuật ổ bụng, bị nhiễm trùng hoặc chấn thương.

– Lão hóa, người cao tuổi.

– Người có tiền sử mắc bệnh ruột.

– Bệnh động mạch ngoại biên.

– Mất cân bằng điện giải, nhất là kali và canxi.

Triệu chứng cảnh báo bị tắc ruột, cách chẩn đoán và điều trị

>>>>>Xem thêm: Chẩn đoán nuốt vướng ở cổ họng bằng phương pháp đo HRM

Người bệnh tắc ruột cần nhanh chóng thăm khám tại cơ sở y tế uy tín

5. Cách chẩn đoán chứng tắc ruột

Đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng với người bệnh nghi ngờ bị tắc ruột. Từ các triệu chứng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các chẩn đoán, xét nghiệm như sau:

– Chụp Xquang ruột: Giúp xác định vị trí tắc ruột. Đây không phải lúc nào cũng là phương pháp khả thi nhất trong chẩn đoán tắc ruột.

– CT scan: Xác định đoạn ruột bị tắc qua hình ảnh chi tiết hơn.

– Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ MRI: Thường được sử dụng để chẩn đoán tắc ruột ở trẻ em và phụ nữ có thai.

– Chụp cản quang bằng Barit.

– Nội soi ống tiêu hóa.

6. Điều trị tắc ruột như thế nào?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tắc ruột. Vì vậy không có hướng điều trị chung cho tất cả người bệnh. Thay vào đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào nguyên nhân, tình trạng và mức độ nghiêm trọng của bệnh để chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Đầu tiên người bệnh thường được hồi sức ngoại khoa bằng kháng sinh, đặt sonde dạ dày và truyền dịch.Người bệnh bị nghẹt ruột cần phải tiến hành hồi sức nhanh để tránh khiến ruột tổn thương, vừa hút vừa truyền. Trong trường hợp tắc ruột hoàn toàn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật. Vị trí tắc sẽ được xử lý qua các bước: lấy khối bã làm tắc, giải phóng dây chằng, loại bỏ đoạn ruột bị hỏng. Còn với trường hợp khối u làm tắc ruột, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt u, làm hậu môn nhân tạo,…

Điều trị tắc ruột thông thường cần sự phối hợp giữa ngoại khoa và nội khoa. Sự kết hợp này giúp điều chỉnh các rối loạn toàn thân, từ đó người bệnh có đủ sức khỏe tiến hành phẫu thuật, giảm biến chứng trong quá trình thực hiện.

Để giảm thiểu rủi ro, người bị tắc ruột cần được cấp cứu khẩn trương. Được chẩn đoán và can thiệp càng sớm, khả năng điều trị thành công sẽ càng cao. Ngược lại, trường hợp xử lý chậm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Người bệnh cần đến cơ sở y tế kiểm tra ngay khi có dấu hiệu cảnh báo tắc ruột để được khám và điều trị sớm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *