Triệu chứng của bệnh đột quỵ: Chớ nên chủ quan! 

Triệu chứng của bệnh đột quỵ có thể bộc lộ rõ ràng, dữ dội nhưng cũng có thể chỉ mờ nhạt và không điển hình. Tuy nhiên những dấu hiệu rất nhỏ cũng có thể trở thành “cứu tinh” cho các bệnh nhân. Cùng tìm hiểu các triệu chứng đột quỵ để nhận diện sớm và xử trí kịp thời nhé.

1. Tầm quan trọng của việc nhận diện sớm các triệu chứng đột quỵ

Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não – tình trạng gián đoạn hoặc giảm đáng kể cung cấp máu, oxy và dinh dưỡng khiến não bộ bị tổn thương nghiêm trọng. Thông thường, trong vòng vài phút nếu không được cung cấp đủ máu, các tế bào não sẽ bắt đầu chết.

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Các thống kê cho thấy trung bình cứ 3 phút lại có 1 ca tử vong do đột quỵ.

Người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức bởi thời gian với họ là “vàng”. Thời gian kéo dài càng lâu, vùng tổn thương càng lan rộng. Khi số lượng tế bào não chết quá nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới vận động và tư duy, thậm chí là gây tử vong. 

Cấp cứu càng muộn, nguy cơ tử vong của người bệnh càng cao, họ cũng dễ gặp các di chứng sau đột quỵ như: tê liệt, yếu một phần cơ thể, khó vận động, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm… Vì vậy nhận diện sớm các triệu chứng đột quỵ là vô cùng quan trọng đối với việc cứu sống và hạn chế những ảnh hưởng lâu dài. 

Vai trò của việc nhận diện triệu chứng đột quỵ

Nhận diện sớm các triệu chứng của đột quỵ giúp cấp cứu và điều trị kịp thời.

2. Tìm hiểu các triệu chứng của bệnh đột quỵ

Các triệu chứng đột quỵ biểu hiện đa dạng ở mỗi bệnh nhân, có thể bộc lộ rõ ràng, dữ dội nhưng cũng có thể chỉ mờ nhạt và không điển hình.

Tuy nhiên, có những biểu hiện đáng chú ý cảnh báo cơn đột quỵ sau:

2.1 Nhận diện triệu chứng của bệnh đột quỵ với quy tắc  F.A.S.T

Đây là một trong những quy tắc giúp nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ một cách nhanh nhất và xử trí đúng. Bộ quy tắc này gồm các yếu tố:

– F (viết tắt của Face): Biểu hiện ở sự mất cân đối của khuôn mặt. Người bệnh bị yếu liệt mặt, một bên mặt chảy xệ, nụ cười méo mó. Khi được yêu cầu cười tươi, bệnh nhân thường khó thực hiện theo và hoặc khuôn mặt biến dạng khi cười.

– A (viết tắt của Arm): Bệnh nhân đột quỵ có thể gặp khó khăn khi cử động, không thể cử động tay chân, yếu liệt một bên cơ thể. Nếu hai tay yếu, không thể nâng qua đầu cùng lúc hoặc không giữ được lâu thì khả năng người đó bị đột quỵ là rất cao.

– S (viết tắt của Speech): Giọng nói bị thay đổi, nói ngọng, nói không rõ ràng, dính chữ…là những biểu hiện rối loạn ngôn ngữ ở người đột quỵ. Người bệnh thậm chí không thể nhắc lại được những từ ngữ đơn giản.

– T (viết tắt của Time): Nhấn mạnh vào yếu tố thời gian. Nếu thấy bệnh nhân có các biểu hiện trên, cần gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa họ đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

2.2 Quy tắc B.E.F.A.S.T

Hiện nay, quy tắc này đã được mở rộng thành B.E.F.A.S.T với sự bổ sung của 2 dấu hiệu là:

– B (viết tắt của Balance): Bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, có người đau đầu dữ dội.

– E (viết tắt của Eyesight): Dấu hiệu liên quan đến sự suy giảm thị lực, bệnh nhân bị mờ mắt hoặc mất hoàn toàn thị lực. Điều này có thể xảy ra ở 1 hoặc cả 2 mắt.

2.3 Các triệu chứng của bệnh đột quỵ khác

Ngoài ra, vã mồ hôi lạnh, dáng đi bất thường, nấc cụt,…cũng có thể là biểu hiện của đột quỵ mà người bệnh và người thân không nên bỏ qua.

Các triệu chứng của bệnh đột quỵ thường gặp

Chóng mặt, choáng ngất, té ngã có thể là dấu hiệu của bệnh đột quỵ.

2. Các biến chứng thường gặp sau đột quỵ và các triệu chứng

Đột quỵ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm tuy nhiên loại di chứng và mức độ ảnh hưởng đến người bệnh không giống nhau ở mỗi người, gồm:

– Tử vong: Tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tử vong lên tới 50%.

– Phù não: Tình trạng não sưng phù bên trong hộp sọ gây ảnh hưởng đến dòng chảy của oxy và máu lên não. 

– Viêm phổi: Đây là một bệnh nhiễm trùng phổ biến ở bệnh nhân đột quỵ, hậu quả của tình trạng nuốt sặc do người bệnh phải nằm lâu một chỗ. Ngoài ra người bệnh có thể gặp các vấn đề khi nuốt, cảm giác thức ăn mắc kẹt trong cổ họng, khó nhai, khó thở, trào ngược… 

– Nhiễm trùng đường tiết niệu: Các triệu chứng gồm nước tiểu đục, tiểu ra máu, đau rát khi đi tiểu, đau vùng bụng dưới, chuột rút bụng,…

– Động kinh: Việc các tế bào não bị tổn thương do đột quỵ có thể dẫn đến tình trạng động kinh, co giật, co cứng chi, hạn chế khả năng vận động. 

– Huyết khối tĩnh mạch sâu: Tình trạng này có thể xảy ra trước khi người bệnh bị đột quỵ và là nguyên nhân gây đột quỵ nhưng cũng có thể là hậu quả của việc nằm một chỗ quá lâu sau đột quỵ.

– Rối loạn ngôn ngữ: Biểu hiện ở việc khó giao tiếp, không thể nói chuyện, không hiểu được lời nói, mất khả năng diễn đạt,…

Nhồi máu cơ tim: Bệnh nhân đột quỵ do xơ vữa động mạch não có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim.

– Trầm cảm: Người bệnh thường xuyên trống rỗng buồn bã, lo lắng, cảm thấy bản thân vô dụng, luôn uể oải, mệt mỏi, ít năng lượng…

4. Nguyên nhân gây đột quỵ là gì?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đột quỵ, gồm yếu tố không thể thay đổi được và yếu tố thay đổi được.

4.1 Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ không thể thay đổi

– Tuổi tác: Nguy cơ đột quỵ ở người già cao hơn người trẻ. Đặc biệt sau tuổi 55, nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp đôi sau mỗi 10 năm.

– Giới tính: Đột quỵ xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

– Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình từng bị đột quỵ thì họ cũng có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn.

– Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi thường có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn, gần gấp đôi so với người da trắng.

Các yếu tố dẫn đến triệu chứng đột quỵ

Lối sống không khoa học, ăn uống, ngủ nghỉ thiếu điều độ khiến bạn dễ bị đột quỵ.

4.2 Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể thay đổi

– Tiền sử đột quỵ: Người có tiền sử bị đột quỵ có nguy cơ cao tái phát, nhất là trong vòng vài tháng đầu trong khoảng 5 năm. 

– Các bệnh lý: Đái tháo đường, bệnh tim mạch, cao huyết áp, mỡ máu là các bệnh lý thường gặp khiến thành động mạch bị tổn thương hoặc tắc nghẽn dẫn đến xuất huyết não, nhồi máu não.

– Thừa cân, béo phì: Đây là tác nhân dẫn đến nhiều bệnh như cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch…

– Hút thuốc: Những người hút thuốc có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 2 lần. 

– Lối sống không lành mạnh: Gồm chế độ ăn uống không điều độ, thiếu cần bằng, lười vận động…

Những triệu chứng của bệnh đột quỵ được chia sẻ trong bài viết hi vọng sẽ giúp bạn nhận diện được căn bệnh này. Khi có các dấu hiệu nghi ngờ, hãy liên hệ với cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *