Ung thư đại tràng là bệnh tiêu hóa phổ biến toàn cầu và đang có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân chính nằm ở việc nhiều người không chú ý xây dựng chế độ ăn uống – sinh hoạt lành mạnh và khoa học. Nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh lên đến 90%. Hãy tìm hiểu các triệu chứng của ung thư đại tràng qua bài viết sau để kịp thời thăm khám và điều trị. Đồng thời bài viết cũng cung cấp thông tin về giải pháp để phòng tránh bệnh lý ung thư này.
Bạn đang đọc: Triệu chứng của ung thư đại tràng và giải pháp phòng bệnh
1. Sự phổ biến và mức độ nguy hiểm của ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp nhất ở cả nam giới và nữ giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, năm 2020 thế giới ghi nhận 1.148.515 ca mắc mới ung thư đại tràng. Mức độ phổ biến của bệnh xếp thứ 4 chỉ sau ung thư vú, ung thư phổi và ung thư tuyến tiền liệt. Mặt khác, ung thư đại tràng đứng thứ 5 về số ca tử vong trên toàn cầu với 576.858 trường hợp.
Tại Việt Nam, WHO thống kê trong năm 2020 có 6.448 trường hợp mắc mới và 3.445 ca tử vong vì căn bệnh này. Hầu hết ca bệnh ung thư đại tràng tại nước ta không được phát hiện sớm. Lý do là vì dấu hiệu của bệnh ở giai đoạn đầu dễ bị bỏ qua và đa số người dân không có thói quen thăm khám tầm soát ung thư tiêu hóa định kỳ.
Ung thư đại tràng tại Việt Nam thường chỉ được phát hiện khi đã tiến triển sang giai đoạn muộn, khiến việc điều trị gặp nhiều khó khăn
2. Các triệu chứng thường gặp cảnh báo ung thư đại tràng
Việc phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư đại tràng là chìa khóa quan trọng giúp nâng cao hiệu quả chữa trị. Dưới đây là những triệu chứng cảnh báo bệnh sớm mà mỗi người cần đặc biệt lưu ý:
2.1. Rối loạn tiêu hóa kéo dài
Ung thư đại tràng có thể gây ra một số biểu hiện rối loạn tại đường tiêu hóa như sau:
– Khó tiêu, đầy bụng (vùng trên rốn), ăn không ngon, hay ợ hơi, ợ chua. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, bị sút cân nếu tính trạng này kéo dài.
– Thường xuyên xuất hiện các cơn đau đáng kể ở bụng: Triệu chứng khó chịu có thể xuất hiện ở vùng dạ dày (trên rốn) và lan ra toàn bộ vùng bụng. Tình trạng đau tức bụng có thể xuất hiện từng cơn trước hoặc sau khi ăn. Triệu chứng đau quặn bụng hay đau râm ran đều có thể liên quan đến rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đây là là dấu hiệu cảnh báo sự tồn tại của các khối u ở dạ dày và đường ruột.
– Người bệnh ung thư đại tràng có thể bị đi ngoài nhiều lần trong ngày giống với bệnh lỵ. Song bệnh lỵ có thể điều trị bằng kháng sinh, nhưng loại thuốc này không có tác dụng trong trường hợp ung thư đại tràng.
2.2. Rối loạn về đại tiện (liên quan bài tiết phân)
Đại tràng là cơ quan có chức năng bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa. Do đó ở giai đoạn sớm ung thư đại tràng, người bệnh có thể gặp phải chứng rối loạn đại tiện. Triệu chứng thường gặp là đại tiện phân lỏng, phân táo thất thường và kéo dài. Bên cạnh đó, người bệnh còn có cảm giác mót rặn, đi ngoài không hết phân, đau quặn bụng và khó chịu khi đại tiện.
2.3. Cân nặng giảm bất thường – Triệu chứng của ung thư đại tràng
Người bệnh không nên chủ quan khi gặp tình trạng giảm cân bất thường, không rõ nguyên nhân. Đây rất có thể là dấu hiệu của ung thư, đặc biệt là ung thư đại tràng hoặc các đường tiêu hóa nói chung.
Tìm hiểu thêm: Lịch siêu âm thai định kỳ chuẩn cho mẹ bầu
Hãy cảnh giác khi cân nặng giảm bất thường không phải do tập luyện hay ăn kiêng
2.4. Đi ngoài phân nhỏ
Người bệnh đi ngoài phân mỏng, hẹp hơn so với bình thường. Dấu hiệu này chứng tỏ phân đã gặp phải những vật cản tại đường tiêu hóa trong quá trình đào thải ra bên ngoài. Rất có thể trong đại tràng có xuất hiện khối u, nhất là khi phân mỏng như bút chì hoặc có hình lá lúa.
2.5. Đi ngoài kèm máu – Triệu chứng của ung thư đại tràng
Khi phân đi qua khối u không chỉ bị thay đổi về kích thước mà còn có thể gây ra hiện tượng chảy máu. Người bệnh đại tiện kèm máu đỏ tươi, máu nhỏ giọt, phủ lên phân. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp phân có máu đều do mắc ung thư đại tràng. Hiện tượng này có thể liên quan đến một số bệnh lý khác như trĩ, nứt hậu môn,…
Để phân biệt nguyên nhân chảy máu do trĩ hay ung thư, cần lưu ý đại tiện ra máu do trĩ thường là máu đỏ tươi. Còn trường hợp ung thư đại tràng đại tiện ra máu thường lẫn với nhầy, do niêm mạc vùng ung thư có thể bị viêm. Người bệnh cần thăm khám càng sớm càng tốt với bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác nguyên nhân gây chảy máu. Từ đó việc điều trị đảm bảo kịp thời, đúng bệnh và hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Điểm danh 5 bệnh lý răng miệng trẻ nhỏ thường gặp
Rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiện, đi ngoài ra máu, suy nhược,… là các dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng
2.6. Mệt mỏi và suy nhược
Các triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng, chóng mặt xuất hiện ở đa số trường hợp ung thư đại tràng nhưng lại rất dễ bị bỏ qua. Những biểu hiện này thường bị coi nhẹ, người bệnh chủ quan, không tiến hành thăm khám.
Tình trạng suy nhược thường liên quan đến thiếu máu, do xuất huyết đại tràng, mất máu trong phân. Ngay cả khi đã nghỉ ngơi đầy đủ, người bệnh vẫn thấy mệt mỏi, kiệt sức nhanh chóng không rõ nguyên nhân.
Bên cạnh các triệu chứng nêu trên, ung thư đại tràng tiến triển có thể xuất hiện khối u nổi dưới da bụng có thể sờ được, bụng to dần, co thắt dạ dày (do khối u phát triển làm tắc đường ruột). Đặc biệt, nếu có cảm giác đau đi kèm những cơn co thắt dạ dày thì bệnh ung thư có thể đã ở giai đoạn nghiêm trọng, khối u đã ăn sâu vào thành ruột.
3. Cần làm gì để phòng ngừa ung thư đại tràng?
– Kiểm tra đại tràng thường xuyên là cách phòng tránh ung thư hiệu quả nhất. Mỗi người đều nên chủ động thăm khám và nội soi đại tràng định kỳ ngay cả khi không có biểu hiện bất thường. Việc làm này giúp phát hiện và xử trí sớm các bệnh lý đại tràng (trong đó có polyp đại tràng – yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến ung thư). Đồng thời thăm khám còn giúp sàng lọc ung thư từ giai đoạn khởi phát, tăng khả năng điều trị.
– Giảm bớt các loại thịt đỏ trong khẩu phần ăn như thịt bò, thịt trâu, thịt cừu,…
– Tránh các thực phẩm chiên nướng, thực phẩm chế biến sẵn (thịt xông khói, dăm bông, xúc xích,…); hạn chế chất béo động vật.
– Bổ sung chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp chống oxy hóa, gia tăng tiêu thụ acid folic, giảm thời gian ứ đọng phân.
– Không hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia: Đây đều được biết đến là những “sát thủ” cho sức khỏe, làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng cho cả hai giới.
– Tăng cường vận động, hoạt động thể lực, tập luyện thể dục – thể thao, duy trì cân nặng khỏe mạnh, tránh thừa cân/ béo phì.
Như vậy, bài viết đã nêu rõ các triệu chứng của ung thư đại tràng mà bạn cần chú ý. Hãy chủ động phòng bệnh, đồng thời thăm khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Phát hiện sớm và điều trị kịp thời ung thư đại tràng sẽ giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống của người bệnh, tăng hiệu quả đồng thời giảm chi phí và thời gian điều trị.