Các triệu chứng hẹp mạch vành có thể không biểu hiện hoặc biểu hiện không rõ ràng khi bệnh ở mức độ nhẹ. Nhưng khi bệnh tiến triển, các triệu chứng sẽ ngày càng rõ nét và gây ảnh hưởng nhiều đến người bệnh.
Bạn đang đọc: Triệu chứng hẹp mạch vành và cách điều trị
1. Bệnh mạch vành và các triệu chứng hẹp mạch vành thường gặp
1.1 Hẹp mạch vành là gì?
Hẹp mạch vành là tình trạng lòng động mạch vành (mạch máu cung cấp máu nuôi dưỡng cơ tim) bị thu hẹp. Tùy vào mức độ hẹp của mạch vành mà khả năng lưu thông của máu trong lòng mạch sẽ bị ảnh hưởng nhất định.
Đây được coi là một quá trình thoái hóa tự nhiên và âm thầm của động mạch vành. Quá trình này diễn ra mỗi ngày trong cơ thể của mỗi người đang sống. Theo thời gian, mạch vành ngày càng cứng và thu hẹp lòng mạch do giảm đàn hồi của thành mạch và sự tích tụ của các chất lắng đọng, khiến cơ tim không có máu nuôi dần ngừng hoạt động hoàn toàn dẫn đến tử vong.
Tình trạng này diễn ra nhanh hơn nếu người bệnh mắc nhiều bệnh cùng một lúc như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao hoặc có nhiều yếu tố thúc đẩy như hút thuốc lá, lười vận động, căng thẳng. Điều này khiến bạn mắc bệnh mạch vành sớm hơn và giảm tuổi thọ.
Tình trạng hẹp mạch vành có thể không xuất hiện bất cứ biểu hiện gì nhưng cũng có thể gây những triệu chứng khó chịu.
1.2 Các triệu chứng hẹp mạch vành mạn tính
– Đau thắt ngực là triệu chứng thường gặp nhất của chứng hẹp mạch vành
Đau thắt ngực ổn định là biểu hiện phổ biến nhất của tình trạng hẹp mạch vành. Tình trạng lòng mạch bị thu hẹp khiến cho cơ tim bị thiếu máu, oxy và dinh dưỡng để hoạt động, gây ra tình trạng đau.
Cơn đau thắt ngực có thể biểu hiện từ nhẹ đến dữ dội. Đó là cảm giác nặng, căng tức, tê rát vùng ngực trái, có thể lan đến vai, cánh tay, cổ, lưng hoặc hàm.
Cơn đau thường xuất hiện khi bạn cố gắng hoạt động thể chất hoặc căng thẳng về tinh thần. Cảm giác đau biến mất hoặc thuyên giảm nếu bạn nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch nitroglycerin.
Lúc mạch vành hẹp nhẹ dưới 50% (thường là khi còn trẻ dưới 50 tuổi), người bệnh sẽ không cảm thấy hoặc ít bị đau ngực. Nhưng càng lớn tuổi hoặc khi mạch vành hẹp nặng từ 50 – 100%, cơn đau ngực sẽ càng rõ ràng, thậm chí xảy ra khi nghỉ ngơi và không hết khi dùng thuốc giãn mạch. Đó được gọi là cơn đau thắt ngực không ổn định và dễ dẫn tới nhồi máu cơ tim.
– Các triệu chứng khác
Bên cạnh đau thắt ngực, hẹp mạch vành còn có thể gây ra các triệu chứng:
+ Khó thở: Do cơ tim không nhận đủ máu, hoạt động co bóp, tống máu đi và hút máu về suy giảm, dẫn tới ứ máu và dịch trong phổi gây khó thở
+ Chóng mặt, choáng váng: Mạch vành hẹp dẫn đến cơ tim yếu, máu lên não không đủ dẫn tới các triệu chứng bất ổn về thần kinh.
+ Tim đập nhanh hoặc không đều: Nguyên nhân là do tim có bóp không đều.
+ Ho khan: Sự ứ trệ máu ở phổi là nguyên nhân gây ho.
+ Cảm thấy buồn nôn, khó chịu ở dạ dày: Hệ tiêu hóa không được cung cấp đủ máu khiến, gặp rối loạn khiến người bệnh thấy khó chịu, buồn nôn.
+ Mệt mỏi, kiệt sức: Các tình trạng kể trên khiến cơ thể không thể vận hành một cách trơn tru, gây mệt mỏi, nhất là ở các trường hợp hẹp mạch vành nặng. Nhiều người thậm chí có thể cảm thấy kiệt sức do lượng máu thiếu hụt quá nhiều.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp chẩn trị bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn là gì?
Đau ngực là một trong những triệu chứng thường gặp ở những người bị hẹp mạch vành.
2. Các phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán chứng hẹp mạch vành, người bệnh cần thăm khám tại chuyên khoa tim mạch của các cơ sở y tế uy tín. Tại đó, các bác sĩ sẽ tiến hành khám cận lâm sàng gồm các bước: đo huyết áp, nghe nhịp tim, hỏi chi tiết các triệu chứng, tiền sử bệnh, lối sống và chế độ ăn uống. Bên cạnh đó tiền sử gia đình cũng là yếu tố góp phần đưa ra các chẩn đoán chính xác.
Các phương pháp cận lâm sàng giúp chẩn đoán bệnh mạch vành:
– Xét nghiệm máu: Giúp kiểm tra các chất gây hại cho động mạch hoặc làm tăng nguy cơ hẹp mạch vành.
– Chụp cắt lớp vi tính (MSCT) mạch vành: Phát hiện vị trí và mức độ tắc nghẽn trong mạch vành, đo lượng canxi trong thành mạch vành.
– Siêu âm tim: Đánh giá cấu trúc và chức năng của tim nhờ sóng âm thanh.
– Điện tâm đồ: Phương pháp ghi lại hoạt động điện của tim, giúp phát hiện nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cũng như các vấn đề về nhịp tim.
3. Các phương pháp điều trị triệu chứng và nguyên nhân hẹp mạch vành?
Bệnh hẹp mạch vành có thể kiểm soát, thậm chí chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và có biện pháp điều trị phù hợp. Phác đồ điều trị bệnh này tùy thuộc vào mức độ hẹp của mạch vành và tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân. Các phương pháp thường bao gồm thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ và uống thuốc.
3.1 Thay đổi lối sống
Thực hiện và duy trì lối sống lành mạnh, từ bỏ các thói quen xấu bằng các biện pháp sau:
– Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa tiếp xúc với khói thuốc
– Ăn ít muối, chất béo bão hòa, đường, tăng cường bổ sung rau củ quả, các loại hạt, ngũ cốc, cá, thịt gia cầm bỏ da…
– Tập thể dục đều đặn, nên tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày/tuần
– Hạn chế uống rượu bia, sử dụng các thức uống lành mạnh
– Giữ cân nặng trong giới hạn cho phép
3.2 Kiểm soát nguy cơ
Để ngăn bệnh mạch vành tiến triển, bạn cần kiểm soát tốt các yếu tố sau: đường máu, huyết áp, cholesterol cao, triglyceride… bằng cách theo dõi các chỉ số này thường xuyên tại nhà hoặc qua thăm khám định kỳ.
>>>>>Xem thêm: Các biến chứng của bệnh hẹp van 2 lá
Để chẩn đoán và điều trị hẹp mạch vành hiệu quả, bạn nên chủ động thăm khám chuyên khoa Tim mạch sớm.
3.3 Điều trị triệu chứng hẹp mạch vành bằng thuốc
Các loại thuốc giúp kiểm kiểm soát yếu tố nguy cơ, cải thiện triệu chứng do hẹp mạch vành gây ra, bao gồm:
– Thuốc hạ huyết áp
– Thuốc giảm cholesterol
– Thuốc giãn mạch, giúp kiểm soát cơn đau thắt ngực
– Thuốc chống tập kết tiểu cầu
Nếu tình trạng mạch vành hẹp nặng gây biến chứng hoặc việc điều trị nội khoa không đem lại kết quả, bác sĩ sẽ tiến hành can thiệp hoặc phẫu thuật tùy theo mức độ bệnh.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về triệu chứng hẹp mạch vành và những phương pháp điều trị giúp giảm triệu chứng của bệnh, điều trị nguyên nhân. Khi thấy các triệu chứng nghi ngờ mạch vành tắc hẹp, bạn hãy chủ động đi khám để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, tránh những biến cố nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.