Khó ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, không chỉ khiến cơ thể người bệnh mệt mỏi, uể oải, dễ cáu gắt mà kéo dài còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần. Khó ngủ do nhiều nguyên nhân, có thể do thói quen sinh hoạt nhưng cũng có thể tiềm ẩn nhiều vấn đề bất ổn về sức khỏe. Cùng tìm hiểu các triệu chứng khó ngủ và cách chữa trị hiệu quả trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Triệu chứng khó ngủ và cách chữa trị hiệu quả bạn nên biết
1. Các triệu chứng khó ngủ thường hay gặp
1.1 Khó đi vào giấc ngủ là triệu chứng khó ngủ thường gặp nhất
Nếu một ai đó có biểu hiện nằm trằn trọc mãi mà không ngủ được, điều này có nghĩa là họ khó đi vào giấc ngủ. Một người bình thường theo thống kê trung bình mất khoảng 10-20 phút để chìm vào giấc ngủ (còn gọi là độ trễ giấc ngủ). Người khó ngủ tốn nhiều thời gian hơn để đi vào giấc ngủ, một số người khó ngủ than rằng họ phải mất khoảng 1 tiếng thậm chí lâu hơn mới có thể ngủ được.
1.2 Dễ giật mình tỉnh giấc khi ngủ
Người khó ngủ hay bị giật mình tỉnh giấc khi đang ngủ, kể cả họ có bị tác động từ bên ngoài hay không. Nhiều người than phiền rằng họ cảm giác như vừa trải qua một giấc mơ ngắn, trong giấc mơ có thể mơ thấy ác mộng hoặc không và tự nhiên bị giật mình, sau đó tỉnh giấc, phải mãi một lúc sau họ mới có thể ngủ tiếp được. Một đêm họ có thể giật mình tỉnh giấc nhiều lần, thậm chí có người tỉnh giấc sau đó khó có thể ngủ tiếp được.
Hay giật mình tỉnh giấc giữa đêm và một lúc sau mới ngủ tiếp được là một triệu chứng của hội chứng rối loạn giấc ngủ mà bạn không nên chủ quan.
1.3 Ngưng thở khi ngủ
Đây là một hội chứng thường hay gặp ở nam giới có biểu hiện điển hình là ngủ ngáy. Cơn ngưng thở khi ngủ thường kéo dài vài giây, lặp đi lặp lại nhiều lần trong lúc ngủ, kích hoạt chuyển đổi chu kỳ ngủ từ sâu sang nông.
Ngưng thở khi ngủ khiến người bệnh dễ giật mình và thức giấc dẫn tới khó ngủ. Tuy nhiên, có một số trường hợp bị ngưng thở khi ngủ dài có thể gây tử vong.
1.4 Hội chứng chân không yên
Người mắc hội chứng này thường bị thôi thúc, chân động đậy không yên. Một số người chia sẻ họ có cảm giác chân như bị đâm hoặc kiến bò, khó chịu hoặc ngứa ran, sởn gai ốc ở chân và điều này khiến cho việc chợp mắt của họ trở nên khó khăn. Người bệnh mắc hội chứng chân không yên thường bị những cơn co giật ở chân làm giật mình, đánh thức dậy vào giữa đêm và khiến họ khó ngủ tiếp.
1.5 Chứng miên hành (mộng du) – triệu chứng khó ngủ hay gặp ở trẻ em nhiều hơn
Ngày xưa nhiều người thấy người bị mộng du cho rằng họ bị ma quỷ rủ, nhưng thực chất đây là một tình trạng rối loạn giấc ngủ. Thể hiện bằng việc người bệnh thường ra khỏi giường và đi lang thang vào ban đêm, họ có những hành động bất thường nhưng họ lại không hề nhận thức được (không nhớ mình đã làm gì).
Một số người bị đánh thức dậy khi đang trong cơn mộng du và điều này khiến họ khó ngủ tiếp. Nhưng cũng có nhiều người được người thân nhẹ nhàng hướng dẫn, an ủi để về phòng và ngủ tiếp.
Tìm hiểu thêm: Nhồi máu cơ tim: Nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo
Người bị mộng du thường không nhớ những việc mình làm trong cơn mộng du.
2. Khó ngủ suy giảm cả về thời lượng ngủ và chất lượng giấc ngủ
Khó ngủ thể hiện ở cả việc người bệnh đó ngủ không đủ số tiếng quy định (không đủ thời lượng giấc ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày với người trưởng thành) và chất lượng giấc ngủ của người bệnh cũng bị suy giảm. Sau khi ngủ người bệnh vẫn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, kém tập trung.
Một số người bị khó ngủ kéo dài dễ thay đổi tính cách, họ trở nên hay cáu gắt, sống khép mình, không có hứng thú với công việc và thú vui trong cuộc sống. Họ thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày và thèm lắm những giấc ngủ ngắn giữa ngày. Họ sợ khi phải thay đổi sang môi trường khác, lâu dần có thể dẫn tới suy nhược cơ thể, rối loạn tâm thần, suy nhược thần kinh và nhiều bệnh lý khác.
3. Những nguyên nhân gây khó ngủ
Khó ngủ có thể do nhiều nguyên nhân, có thể do yếu tố bên ngoài tác động hoặc xuất phát do thói quen sống chưa khoa học và do bệnh lý tiềm ẩn bên trong cơ thể gây nên.
Các yếu tố bên ngoài tác động như: thay đổi lịch làm việc và du lịch liên tục; môi trường sống ồn ào và ô nhiễm, ánh sáng không phù hợp; thay đổi thời tiết,..
Thói quen sống chưa khoa học: hay lo lắng căng thẳng, ngủ không đủ giấc, ăn quá no trước khi ngủ, sử dụng các chất kích thích trước khi ngủ, …
Bệnh lý tiềm ẩn: bệnh cơ xương khớp, bệnh tim mạch, bệnh thận, ung thư, đái tháo đường, bệnh da liễu,… các cơn đau và triệu chứng bệnh có thể gây cản trở giấc ngủ của người bệnh. Đặc biệt là người bệnh ung thư, những cơn đau mà người bệnh ung thư phải chịu đựng vô cùng khó chịu, nhất là khi người bệnh rơi vào giai đoạn cuối. Cuối đời người bệnh ung thư thường suy kiệt sức khỏe do đau đớn, mất ngủ,…
Ngoài ra, sự lão hóa về tuổi tác và sự thay đổi trong cơ thể cũng khiến những người cao tuổi xuất hiện triệu chứng khó ngủ hơn những người còn trẻ tuổi.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu bị động kinh cần nhận biết sớm
Các bệnh lý ở đường hô hấp như hen suyễn, viêm phổi tắc nghẽn mạn tính COPD,… có thể cản trở giấc ngủ của người bệnh.
4. Cách chữa trị chứng khó ngủ hiệu quả
Chữa khó ngủ hay chữa rối loạn giấc ngủ nói chung cần tuân thủ nguyên tắc sau đây:
– Điều trị triệu chứng đồng hành với tìm nguyên nhân và xử trí nguyên nhân.
– Xây dựng lối sống khoa học và tuân thủ tập luyện giúp phục hồi giấc ngủ tốt hơn.
Cụ thể:
Điều trị triệu chứng khó ngủ cần kết hợp với tìm nguyên nhân gây khó ngủ và chủ yếu điều trị bằng thuốc an thần kết hợp với thuốc bệnh. Trong một số trường hợp nguyên nhân gây khó ngủ do các yếu tố cần phải phẫu thuật thì bác sĩ sẽ cân nhắc can thiệp bằng ngoại khoa.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, thì vệ sinh giấc ngủ cũng rất quan trọng giúp hỗ trợ người khó ngủ dễ đi vào giấc ngủ và duy trì giấc ngủ tốt hơn. Cụ thể, người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp, tập thể dục thường xuyên, xây dựng lối sống lành mạnh (đặc biệt là cần tắt các thiết bị điện tử trước ngủ khoảng 2 tiếng và tắt trong suốt quá trình ngủ); thoải mái tinh thần, suy nghĩ tích cực (tâm lý trị liệu).
Để việc điều trị có hiệu quả, điều quan trọng nhất là cần tìm đúng nguyên nhân gây khó ngủ. Bạn nên đến cơ sở y tế có bác sĩ chuyên về Nội thần kinh để được thăm khám, chẩn đoán đúng nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.