Nhồi máu não chiếm tới 80 – 85% các trường hợp tai biến, tiềm ẩn những nguy cơ lớn ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người bệnh trong tương lai. Tùy vào mức độ và vị trí tổn thương mà các triệu chứng nhồi máu não có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân.
Bạn đang đọc: Triệu chứng nhồi máu não theo vị trí tổn thương
1. Nhồi máu não và những dấu hiệu nhận biết chung
Nhồi máu não là một trong hai dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi các mạch máu não bị tắc nghẽn, hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng. Sự tổn thương hoặc chết đi của các tế bào não có thể gây ra các triệu chứng như:
– Liệt mặt: Thường ở một nửa dưới của một bên mặt, khiến miệng méo sang một bên, nhân trung lệch, miệng không khép được chặt. Liệt mặt có thể xảy ra hoàn toàn ở một nửa mặt, hoặc thêm liệt nửa trên của một bên mặt, mắt nhắm không kín.
– Yếu, liệt chân tay hay nửa người: Biểu hiện tay không giữ được lâu khi đưa thẳng ra trước hay giơ lên cao. Thậm chí, người bệnh có thể liệt hoàn toàn, không thể cử động được phần tay.
– Nói khó: Bệnh nhân có thể hiểu được y lệnh của bác sĩ nhưng không nhắc lại đầy đủ hay không diễn tả được. Một số trường hợp khác bệnh nhân không hiểu y lệnh của bác sĩ hoặc bệnh nhân hiểu và nói được nhưng giọng nói khó nghe, nói lắp, nói giọng mũi. Đôi khi điều này xảy ra do mặt bị liệt khiến môi không mím được chặt.
Ngoài ra, bệnh nhân nhồi máu não có thể có các biểu hiện khác như: giảm, mất cảm giác nửa người, nuốt khó, chóng mặt, buồn nôn, nôn, thất điều, giảm thị lực, mù một mắt, đau đầu, co giật, hôn mê…
2. Triệu chứng nhồi máu não theo các vị trí tổn thương
Triệu chứng thần kinh khu trú ở bệnh nhân bị nhồi máu não tùy thuộc vào khu vực và động mạch bị tổn thương. Triệu chứng tai biến nhồi máu não cụ thể theo vị trí động mạch bị tổn thương được chia thành các hội chứng sau:
2.1 Hội chứng động mạch cảnh trong
Gồm các triệu chứng mất thị lực bên có động mạch bị tổn thương; liệt nửa người bên đối diện; giảm áp lực võng mạc trung tâm. Người bệnh có khả năng hồi phục một phần hoặc hoàn toàn nếu động mạch chưa tắc hoàn toàn
2.2 Hội chứng động mạch não trước
Các triệu chứng gồm liệt nửa đối diện bên tổn thương, nửa người trái mất tác dụng, rối loạn cơ vòng…
2.3 Hội chứng động mạch não giữa
– Tổn thương ở gốc động mạch: Triệu chứng thường rất nặng như liệt, mất cảm giác nửa người bên đối diện, rối loạn ngôn ngữ và ý thức.
– Tổn thương nhánh nông: Gây liệt không đồng đều ở nửa bên đối diện, thường ở mặt và tay, rối loạn cảm giác.
– Tổn thương nhánh sâu: Gây liệt đồng đều nửa bên đối diện tổn thương, không kèm rối loạn cảm giác. Tuy nhiên bệnh nhân có thể bị rối loạn ngôn ngữ.
– Tổn thương động mạch não giữa bán cầu trội: Trong trường hợp này, bệnh nhân thường có các triệu chứng thường như rối loạn ngôn ngữ vận động hoặc ngôn ngữ giác quan, khả năng xác định vị trí, phương hướng, tính toán, viết, nhận thức…
Tìm hiểu thêm: Những điều cần biết về rối loạn tiền đình
2.4 Hội chứng động mạch màng mạch trước
Các triệu chứng gồm:
– Liệt toàn bộ nửa người trước một cách đồng đều
– Mất cảm giác ở nửa người kiểu đồi thị
– Bán manh
– Tăng trương lực cơ
– Rối loạn thần kinh thực vật, thường ở nửa người đối diện
2.5 Hội chứng động mạch đốt sống thân nền
Nếu tổn thương toàn bộ động mạch đốt sống thân nền, các triệu chứng sẽ rất nặng như:
– Rối loạn trương lực cơ
– Duỗi cứng mất não
– Liệt các dây thần kinh sọ
– Rối loạn thần kinh thực vật mức độ nặng
Tiên lượng của những bệnh nhân này thường xấu và dễ tử vong. Nếu tổn thương động mạch thân nền không hoàn toàn sẽ gây chứng liệt hành não. Ngoài ra tổn thương động mạch thân nền còn gây nên hội chứng tiểu não.
3. Chẩn đoán và điều trị như thế nào đối với bệnh nhân nhồi máu não?
3.1 Chẩn đoán
Việc chẩn đoán nhồi máu não cần dựa trên các biểu hiện lâm sàng và các xét nghiệm, chụp chiếu hỗ trợ.
Nếu thấy các triệu chứng trên, đặc biệt là liệt mặt, nói khó, liệt tay chân cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay. Đặc biệt khi có các yếu tố nguy cơ như tiền sử bệnh nền tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, lớn tuổi. Việc chẩn đoán và can thiệp kịp thời có ý nghĩa quan trọng đối với việc cứu sống và hạn chế di chứng cho người bệnh.
Tại các cơ sở y tế, người bệnh thường được chụp CT scan não để loại trừ xuất huyết não và các nguyên nhân khác. Trong một số trường hợp hình ảnh trên phim chụp CT có thể cho thấy ổ nhồi máu não sớm. Sau đó, các phương pháp như chụp mạch máu bằng CT scan (CTA) hoặc MRI có thể được chỉ định để xác định vị trí, mức độ tắc hẹp, từ đó quyết định phương pháp điều trị.
>>>>>Xem thêm: Tai biến mạch máu não: Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng
3.2 Điều trị
Các phương pháp điều trị nhồi máu não gồm có:
– Điều trị tiêu huyết khối: Là phương pháp đặc hiệu trong điều trị nhồi máu não nhưng chỉ áp dụng khi bệnh nhân đáp ứng các tiêu chuẩn xét nghiệm và thời gian không quá 3 giờ kể từ khi khởi phát.
– Điều trị bằng aspirin: Được sử dụng ở tất cả các trường hợp đột quỵ nhồi máu não trừ trường hợp bệnh nhân dị ứng, không dung nạp aspirin hoặc đang cân nhắc dùng thuốc tiêu huyết khối. Một số loại thuốc chống đông khác như Heparin chỉ được chỉ định trong trường hợp nhồi máu não nhưng bệnh nhân có rung nhĩ, mắc bệnh van tim,…
– Điều trị bằng thuốc hạ huyết áp: Điều trị hạ huyết áp là cần thiết đối dù bệnh nhân tăng huyết áp chưa đột quỵ hay bệnh nhân đã có nhồi máu não.
Nếu bệnh nhân nhồi máu não có kèm đái tháo đường thì sẽ được khuyến cáo điều trị đưa mức đường huyết về bình thường và HbA1c dưới 7%.
Tất cả các trường hợp điều trị bằng thuốc đều phải có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
4. Đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh nhồi máu não
Theo các chuyên gia, bất cứ ai cũng có thể bị nhồi máu não, tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ cao bị nhồi máu não cấp cao hơn, gồm:
– Người mắc bệnh tim, bệnh mạch máu não, cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn đông máu
– Người nghiện thuốc lá hoặc rượu bia
– Người bị béo phì, ít vận động, nồng độ cholesterol cao, thường xuyên stress
Trên đây là các triệu chứng nhồi máu não và những thông tin cơ bản về căn bệnh này. Các thông tin trên chỉ mang tính tham khảo, không thể thay thế các chẩn đoán và điều trị y khoa. Vì vậy, khi có các dấu hiệu nghi ngờ, hãy đưa người bệnh đi cấp cứu ngay để đảm bảo thời gian vàng cứu sống bệnh nhân.