Polyp đại tràng không phải ung thư nhưng mang nguy cơ phát triển thành ung thư. Nhận biết các triệu chứng polyp đại tràng cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm để kịp thời thăm khám và điều trị sớm, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Bạn đang đọc: Triệu chứng polyp đại tràng cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm
1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là những tổn thương tân tạo ở đường tiêu hóa dưới. Polyp có hình dạng giống khối u mọc lồi lên từ lớp niêm mạc. Polyp gồm 2 loại: có cuống và không cuống. Thông thường, polyp không cuống có mức độ nguy cơ ác tính cao hơn polyp có cuống.
Về nguyên nhân hình thành nên polyp vẫn chưa được kết luận. Song có những yếu tố làm gia tăng nguy cơ hình thành polyp gồm có:
– Tuổi cao. Người từ 40-50 tuổi có nguy cơ mắc polyp cao hơn.
– Có yếu tố gia đình. Nguy cơ có polyp cao hơn khi trong gia đình có bố mẹ hoặc anh chị em ruột mắc polyp hoặc ung thư đại trực tràng.
– Người sinh sống lâu dài trong môi trường độc hại, nguồn nước ô nhiễm,…
– Chế độ ăn không lành mạnh, ăn nhiều đồ chiên rán, đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,…
– Người hút thuốc lá.
– Người uống nhiều rượu bia.
– Người béo phì.
Hình ảnh khối polyp phát triển kích thước lớn bên trong lòng đại tràng.
2. Triệu chứng polyp đại tràng không thể chủ quan
Hầu hết người có polyp đại tràng thường không biểu hiện triệu chứng rõ rệt nào cho tới khi thực hiện thăm khám y tế. Ngoài ra, kể cả khi nhận thấy triệu chứng polyp đại tràng, người bệnh cũng dễ nhầm tưởng với những vấn đề tiêu hóa khác.
Hãy lưu ý những triệu chứng bất thường sau đây, cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm về polyp đại trực tràng không thể chủ quan:
2.1. Chảy máu trực tràng
Polyp đại tràng lớn, bề mặt sung huyết nặng có thể dẫn tới chảy máu trực tràng. Tuy nhiên, triệu chứng này không quá điển hình ở polyp mà nó thường gặp nhiều hơn ở bệnh trĩ hoặc tình trạng rách hậu môn.
2.2. Phân có màu là triệu chứng cảnh báo polyp đại tràng
Khi phân đi qua polyp đại tràng có thể kéo theo màu đi theo. Phân có thể có màu đen hoặc xuất hiện các tơ máu tươi. Tuy nhiên, bạn cần phân biệt đúng phân đen do có lẫn máu với trường hợp thay đổi màu sắc phân do ăn những thực phẩm có màu hoặc uống thuốc/thực phẩm chức năng.
2.3. Thay đổi thói quen đi tiêu
Polyp có thể gây ra táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài. Trường hợp táo bón, tiêu chảy không thuyên giảm thì không thể chủ quan. Đây có thể là biểu hiện cảnh báo nguy cơ về u polyp, nặng hơn là ung thư đại trực tràng.
Tìm hiểu thêm: Thoát vị bẹn ở trẻ: dấu hiệu, biến chứng và cách điều trị
Táo bón, tiêu chảy cảnh báo về nguy cơ có polyp đại tràng.
2.4. Triệu chứng đau bụng nghi ngờ polyp đại tràng
Người có polyp đại tràng có thể thường xuyên thấy đau quặn bụng bất thường do polyp gây tắc nghẽn một phần ruột.
2.5. Thiếu máu
Polyp gây chảy máu âm thầm trong thời gian dài. Từ đó làm sụt giảm lượng lớn sắt cần thiết cho cơ thể. Nếu không được bổ sung kịp thời, cơ thể sẽ có các dấu hiệu của thiếu máu như người mệt mỏi, sắc mặt kém, cơ thể dần suy nhược,…
3. Làm gì khi nghi ngờ có polyp?
Khi bạn gặp phải các triệu chứng nghi ngờ có polyp đại trực tràng kể trên, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa và nội soi đường tiêu hóa dưới khi có chỉ định.
Hiện nay, nội soi dạ dày đại tràng là phương pháp tiêu chuẩn giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý đường tiêu hóa bao gồm cả ung thư. Bên cạnh giá trị chẩn đoán, nội soi còn cho phép can thiệp sinh thiết mô bệnh học tìm dấu ấn ung thư, cắt polyp, điều trị ung thư giai đoạn sớm không cần mổ mở. Đây cũng là lợi thế của nội soi mà các phương pháp chẩn đoán khác không thể thực hiện.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia nội soi tiêu hóa, tại Việt Nam cứ từ 40 tuổi kể cả không có triệu chứng cũng nên chủ động thực hiện nội soi tầm soát bệnh lý, phòng chống nguy cơ ung thư. Đặc biệt, với những đối tượng có nguy cơ cao như tiểu sử gia đình có thành viên mắc polyp đại trực tràng, ung thư đại trực tràng hoặc môi trường sống có nhiều người mắc ung thư thì có thể thực hiện tầm soát sớm hơn.
3. Điều trị polyp đại tràng tránh nguy cơ biến chứng
Tùy theo tình trạng cụ thể của polyp cũng như mức độ nguy cơ ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị tối ưu. Hiện nay, 2 phương pháp điều trị polyp được áp dụng phổ biến gồm can thiệp cắt polyp qua nội soi và phẫu thuật.
3.1. Nội soi can thiệp cắt polyp
Các polyp đại tràng kích thước từ 0,2-2cm hoặc lớn hơn, không phải tế bào ác tính thì có thể được chỉ định cắt ngay qua nội soi. Can thiệp cắt polyp đại tràng qua nội soi là kỹ thuật an toàn, xâm lấn tối thiểu, cắt trọn khối polyp không đau, hạn chế biến chứng chảy máu, thời gian hồi phục nhanh chóng, bảo toàn cấu trúc đại trực tràng.
Nội soi can thiệp cắt polyp được thực hiện ngay trong ngày, không phải mổ mở. Đây được đánh giá là phương pháp tối ưu trong điều trị polyp cho người bệnh.
Người bệnh hãy lựa chọn những bệnh viện uy tín, nơi có đội ngũ bác sĩ nội soi giỏi chuyên môn cùng trang bị hệ thống máy móc nội soi tân tiến. Điều này sẽ đảm bảo quá trình cắt polyp diễn ra thuận lợi, mang lại hiệu quả điều trị tốt và an toàn cho người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Phương pháp tán sỏi laser không đau, sạch sỏi
Hình ảnh ekip nội soi đang thực hiện kỹ thuật can thiệp cắt polyp đại tràng.
3.2. Phẫu thuật cắt đại tràng
Với những trường hợp polyp đại tràng kích thước lớn, polyp có nguy cơ ác tính cao hoặc có tế bào ung thư, bác sĩ sẽ phải thực hiện phẫu thuật cắt đi một phần hoặc toàn phần của đại trực tràng để loại bỏ polyp. Tùy vào tình trạng cụ thể của người bệnh có thể thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mổ mở.
Phẫu thuật cắt đại tràng có mức độ rủi ro nhất định và nhiều yêu cầu khắt khe. Người bệnh tiến hành thăm khám, thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán cận lâm sàng cần thiết để đánh giá toàn diện tình trạng bệnh. Bác sĩ sẽ lên lịch phẫu thuật và chỉ định phẫu thuật điều trị thích hợp.
Khi nhận thấy những triệu chứng polyp đại tràng, người bệnh nên chủ động thăm khám sớm, thực hiện nội soi đại tràng khi có chỉ định. Việc phát hiện sớm polyp sẽ mang lại nhiều lợi thế điều trị và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.