Tăng nhãn áp Glocom (thiên đầu thống) được biết đến là một trong những bệnh lý về mắt nguy hiểm hàng đầu. Bệnh có khả năng gây ra mù lòa vĩnh viễn, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Vậy, triệu chứng tăng nhãn áp là gì và làm sao để điều trị? Để bạn đọc có cái nhìn rõ nét hơn, hãy cùng chúng tôi đi vào tìm hiểu ngay nhé!
Bạn đang đọc: Triệu chứng tăng nhãn áp Glocom, làm sao để nhận biết?
1. Tăng nhãn áp Glocom
Tăng nhãn áp Glocom là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh lý ở đầu dây thần kinh thị giác. Bệnh tiến triển mạn tính với biểu hiện đặc trưng là tổn hại thị trường, lõm teo đĩa thị. Kèm theo đó là tình trạng nhãn áp tăng cao.
Tăng nhãn áp Glocom là thuật ngữ dùng để chỉ một nhóm bệnh lý ở đầu dây thần kinh thị giác
Ở Việt Nam, Glocom thường được phân loại thành:
– Glocom nguyên phát: Bao gồm Glocom nguyên phát góc đóng và Glocom nguyên phát góc mở.
– Glocom thứ phát: Xuất hiện sau một số rối loạn ở mắt hoặc toàn thân (VD: Chấn thương, viêm màng bồ đào, đục thủy tinh thể, tiểu đường,…)
Glocom nguy hiểm ở chỗ nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ không có phương pháp nào có thể hồi phục những tổn thương mà bệnh lý gây ra. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra mù lòa hàng đầu tại Việt Nam (chỉ sau đục thủy tinh thể).
2. Triệu chứng tăng nhãn áp Glocom
Với mỗi thể Glocom khác nhau, người bệnh sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau.
2.1 Glocom nguyên phát (góc đóng)
TRƯỜNG HỢP: CÓ NGHẼN ĐỒNG TỬ
– Glocom nguyên phát góc đóng cơn cấp:
Bệnh xảy ra khi mống mắt chu biên đột ngột áp ra trước gây tắc nghẽn vùng bè, làm nhãn áp tăng cao một cách nhanh chóng. Bệnh diễn biến rầm rộ và thường xảy ra vào lúc chiều tối hoặc sau xúc động mạnh.
Triệu chứng: Đau nhức mắt đột ngột, nhức quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu, nhìn mờ như có màn sương, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn đèn, sợ ánh sáng, lóa mắt, chảy nước mắt,… Đôi khi có thể kèm theo buồn nôn, đau bụng, sốt hoặc vã mồ hôi,…
– Glocom nguyên phát góc đóng bán cấp:
Trong trường hợp này, những đợt tăng nhãn áp xuất hiện ở mức vừa phải.
Triệu chứng: Giảm thị lực, nhìn sáng có quầng, đau nhức nhẹ ở mắt và đầu. Các biểu hiện này khá âm thầm và hầu như không thực sự rõ rệt. Các triệu chứng có thể tự qua đi cho dù không điều trị gì.
– Glocom nguyên phát góc đóng mạn tính:
Bệnh lý biểu hiện âm thầm và gần như không có triệu chứng chủ quan. Chỉ trong một số trường hợp, người bệnh đôi khi có cảm giác căng tức nhẹ thoáng qua ở vùng mắt hoặc đầu.
TRƯỜNG HỢP: KHÔNG CÓ NGHẼN ĐỒNG TỬ
Người bệnh thường không xuất hiện các triệu chứng chủ quan đau nhức. Do đó, họ thường đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn và tiến triển nặng. Đã có tổn thương trên đĩa thị và tổn hại về thị trường.
2.2 Glocom nguyên phát (góc mở)
Các triệu chứng bệnh thường không rõ ràng, trừ khi đã có tổn thương nặng trên thị trường. Vì vậy, người bệnh rất khó phát hiện được ở giai đoạn sớm. Nhiều người bệnh chỉ phát hiện được nhờ vào các hoàn cảnh tình cờ.
Triệu chứng: Hơi căng tức mắt; Mắt mờ nhẹ khi nhìn nhiều, căng thẳng hoặc lo lắng nhiều; Nhìn như có màn sương trước mắt vào buổi sáng;…
Tìm hiểu thêm: Tất tần tật các thông tin về hiện tượng đau mắt đỏ
Với mỗi thể Glocom khác nhau, người bệnh sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng khác nhau
2.3 Glocom thứ phát
Bệnh thường dễ xuất hiện sau các rối loạn ở mắt và toàn thân. VD: Chấn thương, viêm màng bồ đào, đục thủy tinh thể, tiểu đường, cao huyết áp, từng phẫu thuật mắt,…
3. Làm gì khi bị Glocom?
Glocom nếu không được điều trị kịp thời sẽ ngày càng làm tổn thương đĩa thị và thị trường. Thậm chí gây ra mù lòa, không có khả năng hồi phục thị lực. Tuy nhiên, nếu được điều trị sớm đúng cách, người bệnh có thể làm giảm được nguy cơ này.
Mục đích của điều trị Glocom là làm dừng hoặc chậm lại quá trình bệnh tiến triển. Nhờ đó duy trì chất lượng nhìn và chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị Glocom phổ biến nhất hiện nay là: Dùng thuốc, laser hoặc phẫu thuật.
Người bệnh cần xác định được chính xác cơ chế gây bệnh mới có thể tìm ra biện pháp điều trị thích hợp nhất. Tuy nhiên, cũng cần dựa trên nhiều yếu tố khác như: Hình thái bệnh, giai đoạn bệnh, hay đôi khi là các yếu tố về kinh tế, địa lý, xã hội,…
Ví dụ, người bệnh ở xa, hoàn cảnh kinh tế không cho phép hoặc bệnh nhân không tuân thủ điều trị thì nên cân nhắc phẫu thuật. Nếu tăng nhãn áp do nghẽn đồng tử gây ra cần laser mở mống mắt. Nếu tăng nhãn áp do viêm màng bồ đào sẽ cần thực hiện chống viêm. Glocom tân mạch thì cần quang đông võng mạc, tiêm Avastin nội nhãn,…
Đối với trường hợp sử dụng thuốc, các thuốc hạ nhãn áp ít nhiều sẽ có tác dụng phụ. Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ càng tăng khi dùng thuốc trong thời gian dài. Vì vậy, nên dò tìm các liều thuốc thấp nhất để đảm bảo duy trì nhãn áp đích.
Glocom vẫn có thể tiến triển ngay cả khi đã được điều trị đúng cách. Do vậy, người bệnh nên được lập hồ sơ theo dõi suốt đời. Duy trì khám định kỳ 3 đến 6 tháng một lần để đánh giá nhãn áp, thị trường cũng như tình trạng gai thị.
Việc khám và theo dõi định kỳ cũng giúp đánh giá sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Nhờ đó, bác sĩ có thể đánh giá chính xác nhất tình trạng bệnh. Dự đoán trước các tình huống có thể xảy ra và đưa ra phương án xử lý kịp thời. Hạn chế tối đa các biến chứng không mong muốn cho người bệnh.
Cho đến nay, chưa có biện pháp nào có thể phòng tránh bệnh Glocom. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm, theo dõi thường xuyên là vô cùng quan trọng. Các đối tượng có nguy cơ cao như người trên 40 tuổi nên đi khám mắt định kỳ hàng năm. Người có người thân mắc Glocom cũng nên khám mắt định kỳ 6 tháng/lần để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
>>>>>Xem thêm: Viêm bờ mi mắt có nguy hiểm không?
Việc khám và theo dõi định kỳ giúp đánh giá chính xác tình trạng bệnh
Như vậy, trên đây là những chia sẻ về bệnh tăng nhãn áp Glocom và các triệu chứng tăng nhãn áp thường gặp. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc một số những thông tin hữu ích mà bạn đang tìm kiếm. Để được tư vấn kỹ hơn, hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.