Đau ngực là triệu chứng tràn dịch màng phổi thường gặp. Triệu chứng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Tràn dịch màng phổi nếu không được xử trí kịp thời sẽ gây biến chứng nguy hiểm.
Theo các chuyên gia y tế, tràn dịch màng phổi là biểu hiện hoặc biến chứng của nhiều loại bệnh khác nhau. Tràn dịch màng phổi có thể do viêm phổi bởi vi khuẩn. Tràn dịch màng phổi cũng có thể do u ác tính hoặc ung thư phổi. Một số bệnh như áp-xe dưới cơ hoành, áp-xe gan, xơ gan cổ trướng, viêm tuỵ tạng, viêm màng ngoài tim, suy tim sung huyết, chấn thương lồng ngực cũng có thể gây tràn dịch màng phổi.
Bạn đang đọc: Triệu chứng tràn dịch màng phổi cần quan tâm
Tràn dịch màng phổi là biểu hiện hoặc biến chứng của nhiều loại bệnh khác nhau.
Bên cạnh đó, bệnh thấp khớp mạn tính hoặc lupus ban đỏ cũng có thể gây nên tràn dịch màng phổi. Một tỉ lệ rất thấp tràn dịch màng phổi do ký sinh trùng gây nên như: bệnh lỵ amíp, bệnh giun chỉ, bệnh sán lá gan cũng có thể gặp.
Triệu chứng tràn dịch màng phổi
Đau ngực là triệu chứng khởi đầu và điển hình của tràn dịch màng phổi. Đau âm ỉ phía bên tràn dịch, nhất là khi nằm nghiêng về phía bên đó thì sẽ đau tăng lên.
Ngoài đau ngực, tràn dịch màng phổi còn gây khó thở. Đồng thời có thể có sốt, sốt thường biểu hiện của triệu chứng nhiễm trùng do vi sinh vật gây ra và là phản ứng của cơ thể.
Ho khan cũng có thể xuất hiện khi tràn dịch màng phổi nhưng số lần nhiều hay ít cũng như sốt cao hay sốt vừa còn tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh (viêm phổi do vi sinh vật, lao phổi thì ho nhiều hơn các bệnh như: áp-xe gan, áp-xe cơ hoành…).
Triệu chứng tràn dịch màng phổi thường gặp là đau ngực, khó thở, ho
Để chẩn đoán xác định tràn dịch màng phổi, ngoài khám lâm sàng người bệnh có thể được chỉ định chụp X-quang phổi, chụp cắt lớp vi tính (CT), siêu âm màng phổi.
Nếu có điều kiện chọc dò màng phổi để quan sát màu sắc, tính chất của dịch, xét nghiệm dịch màng phổi bằng các phương pháp khác nhau để tìm nguyên nhân gây bệnh.
Hậu quả của tràn dịch màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến hô hấp gây thiếu dưỡng khí và có thể để lại di chứng nặng nề.
Tìm hiểu thêm: Chữa hen phế quản dịp Tết và những lưu ý quan trọng cần biết
Chính vì thế khi thấy những triệu chứng tràn dịch màng phổi, người bệnh cần đi khám. Căn cứ vào tình trạng và mức độ bệnh, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Nguyên tắc điều trị tràn dịch màng phổi
Trong tràn dịch màng phổi thường được chọc hút dịch vừa để làm các xét nghiệm cần thiết vừa để giải quyết khó thở cho người bệnh. Khi đã xác định được nguyên nhân thì vấn đề điều trị căn nguyên để làm giảm hoặc hết hiện tượng tràn dịch màng phổi là hết sức cần thiết.
Sau điều trị hết tràn dịch, các bác sĩ thường phải can thiệp bằng các thuốc chống dính màng phổi vì đã tiên lượng được hậu quả hay gặp nhất của tràn dịch màng phổi là gây dày, dính màng phổi ảnh hưởng rất lớn đến chức năng hô hấp.
>>>>>Xem thêm: Phân biệt 5 loại ho và cách xử trí
Người bệnh cần đi khám và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để cải thiện sớm bệnh
Đề phòng biến chứng của tràn dịch màng phổi, thường dùng các loại thuốc chống dính kết hợp liệu pháp vận động (tập thở để phổi co giãn nhanh, phục hồi khả năng hô hấp). Các biện pháp này cần được thực hiện sớm và kéo dài.
Với nguyên nhân do lao thì cần thực hiện nghiêm chỉnh phác đồ, thời gian điều trị, tuyệt đối không ngừng thuốc sớm và cần có chế độ dinh dưỡng tốt. Song song với điều trị bằng các kháng sinh đặc hiệu, bệnh nhân cần kiên trì, bền bỉ tập luyện phục hồi chức năng.
Người bệnh cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ nhằm điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.