Viêm đại tràng mãn tính là bệnh lâu năm, khó điều trị, dễ dàng tái phát nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Chính vì vậy, nắm rõ triệu chứng viêm đại tràng mãn tính và các lưu ý về điều trị giúp người bệnh chủ động kiểm soát bệnh, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bạn đang đọc: Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính và cách điều trị
1. Viêm đại tràng mãn tính là gì?
Đại tràng là cơ quan tiêu hóa nằm ở phần cuối đường ruột, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tiêu hóa thức ăn. Chức năng của đại tràng là chứa các chất cặn bã, hấp thu nước trước khi chúng được đào thải ra ngoài. Vì lý do này mà đại tràng là bộ phần có nguy cơ cao bị vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm, tổn thương.
Viêm đại tràng mãn tính là giai đoạn nghiệm trọng của bệnh viêm đại tràng. Lúc này tình trạng viêm kéo dài dai dẳng, khó điều trị dứt điểm. Bệnh lý này gây tổn thương khu trú hoặc lan rộng tại niêm mạc đại tràng, phát triển với nhiều mức độ khác nhau.
Mức độ nhẹ khiến niêm mạc dễ chảy máu khi bị tác động. Trong khi đó, mức độ nặng của bệnh làm xuất hiện nhiều vết loét, xuất huyết, thậm chí hình thành các ổ áp-xe, gây nhiều đau đớn và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống sinh hoạt của người bệnh.
Viêm đại tràng nếu không được điều trị kịp thời và tích cực sẽ chuyển sang giai đoạn mãn tính rất nguy hiểm
2. Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính thường gặp
Viêm đại tràng mãn tính gây ra nhiều biểu hiện khác nhau ở từng người bệnh. Dưới đây là một số triệu chứng đặc trưng, thường gặp ở đa số người bệnh.
2.1. Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính – Triệu chứng về tiêu hóa
Đau bụng
Hầu hết người bệnh viêm đại tràng mãn tính đều gặp phải dấu hiệu này. Niêm mạc đại tràng bị viêm dẫn đến các cơn đau quặn bụng hoặc đau âm ỉ, xuất hiện từng cơn. Vị trí đau phổ biến nhất là dọc khung đại tràng. Các cơn đau có xu hướng giảm nhẹ sau mỗi lần đi đại tiện.
Rối loạn đại tiện
– Tiêu chảy: Người bệnh đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng, có thể lẫn máu và chất nhất. Tình trạng tiêu chảy có thể kéo dài vài ngày đến vài tuần, khiến người bệnh mệt mỏi, có nguy cơ mất nước.
– Táo bón: Đây cũng là triệu chứng mà không ít người bệnh gặp phải. Đại tràng bị viêm không thể đáp ứng tốt chức năng tiêu hóa và đào thải các chất, dẫn đến tình trạng táo bón.
– Tiêu chảy xen kẽ với táo bón, liên tục thành từng đợt, gây nhiều phiền toái cho người bệnh.
Người bệnh viêm đại tràng mãn tính thường gặp phải triệu chứng đau bụng, rối loạn đại tiện
Xuất huyết đại tràng
Tình trạng viêm kéo dài hình thành các vết loét, chúng dễ bị chảy máu khi tiếp xúc với các chất hữu cơ mà người bệnh nạp vào cơ thể. Tình trạng chảy máu gây khó chịu ở trực tràng, nếu kéo dài có thể khiến người bệnh bị mất máu nghiêm trọng.
Ăn không ngon
Khi đại tràng bị viêm, người bệnh thường xuyên bị đầy hơi, chướng bụng dẫn đến ăn không ngon, chán ăn. Thêm vào đó, tiêu hóa bất thường còn ảnh hưởng đến tâm lý,. Người bệnh căng thẳng, lo lắng, không có cảm giác ngon miệng khi ăn.
Suy dinh dưỡng
Đại tràng làm việc không hiệu quả ảnh hưởng đến tổng thể quá trình tiêu hóa. Người bệnh chán ăn, không hấp thụ đủ chất khiến cơ thể sụt cân, suy dinh dưỡng.
2.2. Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính – Triệu chứng ngoài hệ tiêu hóa
Mệt mỏi
Người bị viêm đại tràng mãn tính thường cảm thấy mệt mỏi do phải đi đại tiện quá nhiều lần, đại tràng hoạt động kém, quá trình tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng bị cản trở. Dù ăn uống đủ chất và nghỉ ngơi hợp lý, nhiều người vẫn rơi vào trạng thái mất năng lượng, suy nhược.
Tìm hiểu thêm: Tiêu hóa kém
Mệt mỏi, suy nhược cũng là dấu hiệu thường gặp khi mắc viêm đại tràng mãn tính
Sốt
Người bệnh có thể có triệu chứng sốt, thường là sốt nhẹ. Nếu gặp phải tình trạng sốt cao, người bệnh cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Đây là dấu hiệu cho thấy hệ miễn dịch đang hoạt động quá sức để chống lại tác động của tình trạng viêm mãn tính tại đại tràng.
Thiếu máu
Niêm mạc đại tràng bị viêm mãn tính thường xuyên bị chảy máu, dẫn đến nguy cơ mất máu, thiếu máu. Các dấu hiệu thiếu máu gồm: da xanh xao, lạnh tay chân, nhịp tim không đều, đuối sức, chóng mặt,…
Đau khớp
Người bệnh viêm đại tràng có thể thường phải đối mặt với tình trạng sưng và đau khớp. Tuy nhiên triệu chứng này sẽ giảm dần và không gây ra tổn thương lâu dài đối với sức khỏe người bệnh.
3. Các lưu ý về điều trị viêm đại tràng mãn tính
Trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau để giúp quá trình điều trị thuận lợi, hiệu quả hơn và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra:
3.1. Nguyên tắc chung điều trị viêm đại tràng mãn tính
Mục đích của việc điều trị viêm đại tràng mãn tính là giảm các triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa các biến chứng. Giai đoạn này của bệnh rất khó điều trị dứt điểm, bệnh có thể thuyên giảm nhưng dễ dàng tái phát trở lại. Chính vì vậy, quá trình điều trị đòi hỏi sự kiên trì của người bệnh, tuân thủ chỉ định của bác sĩ kết hợp điều trị nội khoa với đảm bảo chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học.
Bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc phù hợp với tình trạng bệnh và sức khỏe của từng người bệnh. Các loại thuốc thường được sử dụng là thuốc giảm đau, chống co thắt, chống nhiễm trùng, tiêu diệt ký sinh trùng, điều trị tiêu chảy,…
>>>>>Xem thêm: Polyp loạn sản đại tràng và hướng xử lý đúng cách
Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ, kết hợp chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, điều độ
3.2. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ:
– Ăn chín uống sôi, sử dụng các loại thực phẩm tươi ngon, rõ nguồn gốc. Tránh các loại thực phẩm sống nhằm phòng ngừa nguy cơ nhiễm khuẩn khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
– Nên ăn các thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa, tốt cho đại tràng như: thịt nạc, khoai tây, các loại quả (đặc biệt là quả giàu kali như chuối, đu đủ), đậu nành, các loại rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ,…
– Hạn chế tối đa thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn.
– Không sử dụng các loại chất kích thích, đồ uống có cồn vì chúng làm nặng nề thêm tình trạng viêm đại tràng, đồng thời ảnh hưởng xấu đến nhiều cơ quan khác.
– Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không nên ăn quá no trong một bữa, nhất là bữa tối.
– Uống đủ nước mỗi ngày cũng là việc người bệnh cần làm, giúp thúc đẩy tiêu hóa và hoạt động trao đổi chất.
3.3. Điều chỉnh chế độ sinh hoạt
Song song với việc điều trị nội khoa và thay đổi chế độ ăn uống, người bệnh còn cần điều chỉnh chế độ sinh hoạt khoa học:
– Vận động thường xuyên, tập thể dục – thể thao để nâng cao sức đề kháng, tăng cường miễn dịch. Điều này giúp hỗ trợ tối đa quá trình hồi phục cũng như ngăn ngừa các biến chứng của bệnh. Người bệnh có thể tập các môn thể dục – thể thao như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,…
– Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng hoặc lo âu vì chúng có thể khiến các triệu chứng trầm trọng hơn.
– Ngủ đủ giấc, cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi, không làm việc quá sức. Hãy dành nhiều thời gian làm những việc lành mạnh yêu thích để luôn cảm thấy vui vẻ, lạc quan.
Như vậy, bài viết trên đây đã cho bạn cái nhìn khái quát nhất về triệu chứng viêm đại tràng mãn tính và những lưu ý trong điều trị bệnh. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về bệnh lý này, cân bằng được thói quen, lối sống giúp kiểm soát và chữa trị bệnh hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.