Triệu chứng viêm ruột thừa cấp là gì? Chẩn đoán và điều trị

Viêm ruột thừa cấp là cấp cứu ngoại khoa khá phổ biến liên quan đến tiêu hóa. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng người bệnh. Hãy cùng tìm hiểu triệu chứng viêm ruột thừa cấp cũng như cách chẩn đoán và điều trị bệnh.

Bạn đang đọc: Triệu chứng viêm ruột thừa cấp là gì? Chẩn đoán và điều trị

1. Thông tin sơ lược về viêm ruột thừa cấp

Ruột thừa là một đoạn ruột dính vào manh tràng, dạng túi nhỏ và hẹp, chiều dài vài centimet. Nó nằm ở phần nối tiếp giữa ruột non và ruột già, có vị trí ở phần bụng dưới bên phải. Hiện vẫn chưa xác định được chức năng của ruột thừa đối với cơ thể.

Tình trạng viêm cấp tính ở ruột thừa được gọi là viêm ruột thừa cấp. Nguyên nhân gây viêm là do sự tắc nghẽn trong lòng ruột thừa, bắt nguồn từ sỏi phân, dị vật, khối u manh tràng, phì đại các nang bạch huyết dưới niêm mạc,… Tình trạng tắc nghẽn khiến vi khuẩn nhân lên nhanh chóng, dẫn đến ruột thừa bị viêm, sưng và hóa mủ.

Ruột thừa có thể bị vỡ nếu không được điều trị kịp thời, làm mủ lan tràn vào ổ bụng. Điều này gây ra viêm phúc mạc, đe dọa tính mạng của người bệnh. Trong một số trường hợp, các cơ quan xung quanh làm giới hạn viêm ruột thừa và hình thành các ổ áp-xe.

Triệu chứng viêm ruột thừa cấp là gì? Chẩn đoán và điều trị

Viêm ruột thừa cấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được xử trí kịp thời

2. Triệu chứng của viêm ruột thừa cấp

Triệu chứng của bệnh thường liên quan đến hệ tiêu hóa, đồng thời kèm một số dấu hiệu khác như: sốt, mệt mỏi khó chịu,…

2.1. Triệu chứng viêm ruột thừa cấp ở hệ tiêu hóa

Dấu hiệu viêm ruột thừa cấp liên quan đến tiêu hóa gồm:

– Đau bụng: Đây là dấu hiệu đầu tiên xuất hiện khi ruột thừa có tình trạng viêm. Bắt đầu từ cơn đau quanh rốn hoặc thượng vị, sau đó đau lan tới hố chậu phải. Người bệnh đau bụng âm ỉ, liên tục, xen một số cơn trội, mức độ đau tăng trong vài giờ. Cơn đau tăng lên khi thở mạnh, xoay người, đi lại, ho, hắt hơi hoặc bị đụng vào.

– Chán ăn, buồn nôn hoặc nôn; táo bón, đôi khi bị tiêu chảy; chướng bụng (ở giai đoạn trễ). Các triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với rối loạn tiêu hóa, khiến người bệnh chủ quan bỏ qua.

– Lưỡi bẩn, hơi thở có mùi hôi.

– Trường hợp muộn ở trẻ em gây biến chứng viêm phúc mạc sẽ khiến trẻ có biểu hiện liệt ruột (như chướng bụng) hoặc tắc ruột cơ học (nôn mửa, chướng bụng, bí trung đại tiện,…).

2.2. Các triệu chứng viêm ruột thừa cấp khác

Bên cạnh các biểu hiện tại hệ tiêu hóa, viêm ruột thừa có các dấu hiệu khác bao gồm:

– Sốt nhưng nhiệt độ không quá cao, thường giao động quanh mức 38 độ C. Cần đặc biệt cảnh giác khi sốt cao kèm lạnh run vì đây là biểu hiện của biến chứng vỡ hoặc hoại tử vỡ của viêm ruột thừa.

– Nhịp tim nhanh.

– Một số trường hợp có thể gặp các triệu chứng liên quan đến hệ tiết niệu như tiểu đau, tiểu khó,…

Khi nhận thấy các biểu hiện kể trên, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế vì viêm ruột thừa diễn tiến rất nhanh. Người bệnh cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa biến chứng vỡ đe dọa đến tính mạng.

Tìm hiểu thêm: Điều trị viêm túi mật có những phương pháp nào?

Triệu chứng viêm ruột thừa cấp là gì? Chẩn đoán và điều trị

Đau bụng là dấu hiệu đầu tiên xảy ra khi ruột thừa bắt đầu viêm

3. Phương pháp chẩn đoán viêm ruột thừa cấp

Viêm ruột thừa cấp có thể được chẩn đoán thông qua khám lâm sàng, một số xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh.

3.1. Khám lâm sàng

Các triệu chứng lâm sàng điển hình đã nói trên sẽ xuất hiện ở 70% người bệnh. Vì vậy, một trong những phương pháp chẩn đoán đầu tiên được áp dụng chính là thăm khám các triệu chứng đặc trưng.

Bác sĩ có thể ấn nhẹ vào vùng bụng bị đau khi khám lâm sàng. Đau do ruột thừa sẽ nặng hơn khi bác sĩ bỏ tay ra, cảnh báo vùng phúc mạc lân cận bị viêm. Người bệnh có thể phản ứng gồng cứng bụng và cơ cơ bụng để giảm áp lực lên vùng viêm nhiễm.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể kiểm tra thực tràng của người bệnh. Bác sĩ cũng có thể thăm khám vùng tiểu khung đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản để loại trừ các bệnh lý phụ khoa.

3.2. Xét nghiệm chẩn đoán viêm ruột thừa

Người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm máu để tìm dấu hiệu nhiễm trùng trong cơ thể. Theo đó, người bệnh sẽ được kiểm tra số lượng bạch cầu và CRP.

Xét nghiệm nước tiểu được chỉ định trong trường hợp loại trừ các bệnh lý sỏi thận hoặc nhiễm trùng đường tiểu. Ngoài ra, mang thai ngoài tử cung cũng có các dấu hiệu tương tự viêm ruột thừa cấp. Người bệnh có thể thực hiện thử que để loại trừ tình trạng này.

3.3. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Chẩn đoán hình ảnh đóng vai trò quan trọng để phát hiện viêm ruột thừa cấp có triệu chứng không điển hình. Các nghiên cứu cho thấy, việc chẩn đoán có thể xảy ra sai sót nếu chỉ dựa vào lâm sàng. Ngược lại, khi kết hợp cùng với các chẩn đoán hình ảnh như siêu âm hay chụp CT, việc chẩn đoán sẽ có độ chính xác cao hơn.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường áp dụng đối với viêm ruột thừa cấp gồm:

– Siêu âm ổ bụng;

– Chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) vùng bụng;

– Chụp X-quang ổ bụng;

– Chụp Barit bằng thụt.

Triệu chứng viêm ruột thừa cấp là gì? Chẩn đoán và điều trị

>>>>>Xem thêm: Viêm hang vị kiêng ăn gì để nhanh chóng khỏi bệnh

Siêu âm là một trong những phương pháp giúp phát hiện bệnh viêm ruột thừa

4. Phương pháp điều trị viêm ruột thừa cấp

Tiêu chuẩn vàng trong điều trị viêm ruột thừa là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm. Để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng, người bệnh có thể được điều trị bằng kháng sinh trước khi phẫu thuật.

4.1. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa bị viêm

Bác sĩ có thể phẫu thuật mở hoặc phẫu thuật nội soi để loại bỏ ruột thừa. Phẫu thuật mở thực hiện bằng cách rạch 5 – 10cm da vùng bụng. Trong khi đó, phẫu thuật nội soi lại đưa những thiết bị chuyên dụng và một camera video hình ảnh qua những lỗ nhỏ ở bụng.

Phương pháp nội soi có ưu điểm giúp người bệnh nhanh phục hồi, giảm cảm giác đau và vết thương ít để lại sẹo. Đây là lựa chọn hàng đầu cho hầu hết người bệnh viêm ruột thừa cấp. Tuy nhiên một số trường hợp chống chỉ định của phẫu thuật nội soi là: đã phẫu thuật ổ bụng trước đó, bệnh lý hô hấp và bệnh lý tim mạch nặng,…

Các trường hợp được khuyến cáo mổ mở bao gồm:

– Vị trí ruột thừa bất thường.

– Viêm ruột thừa có biến chứng, không thể thực hiện hoặc không an toàn khi thực hiện phẫu thuật nội soi.

– Viêm phúc mạc ruột thừa và ruột quá chướng hơi hoặc ổ bụng quá bẩn.

Trường hợp viêm ruột thừa không biến chứng, người bệnh thường nằm viện 1 – 2 ngày nếu phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa. Trường hợp có biến chứng vỡ ruột thừa gây viêm phúc mạc, thời gian nằm viện thường kéo dài khoảng 5 ngày.

4.2. Điều trị không phẫu thuật

Trường hợp viêm ruột thừa cấp không biến chứng có thể điều trị kháng sinh, không phẫu thuật. Tỷ lệ thành công của phương pháp này ước tính là khoảng 90%. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát là khá cao (hơn 30%) sau điều trị. Do đó, phương pháp điều trị viêm ruột thừa bảo tồn không mổ không được ứng dụng phổ biến.

Có thể cân nhắc điều trị bảo tồn với kháng sinh với trường hợp viêm ruột thừa không có biến chứng và người bệnh không đảm bảo cho phẫu thuật như:

– Người mắc bệnh lý rối loạn đông máu nặng.

– Người có bệnh nội khoa kèm rất nặng không thể chịu đựng được cuộc phẫu thuật.

Người bệnh viêm ruột thừa có biến chứng vỡ gây áp-xe ruột thừa sẽ được chọc dẫn lưu áp-xe dưới siêu âm và phối hợp điều trị kháng sinh. Sau 6 tháng khi người bệnh ổn định sức khỏe, bác sĩ sẽ xem xét phẫu thuật cắt ruột thừa.

Bài viết đã cung cấp thông tin về các triệu chứng viêm ruột thừa cấp. Bạn đọc cũng đã nắm được cách chẩn đoán và điều trị cấp cứu ngoại khoa này. Khi có những dấu hiệu cảnh báo viêm ruột thừa cấp, hãy đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được chữa trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *