Trứng thường được coi là một loại thực phẩm dễ hỏng và cần phải bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, trên thực tế thì trứng có thể để được rất lâu nếu như bảo quản đúng cách.
Trứng để được bao lâu?
Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về “hạn sử dụng” của trứng, phương pháp bảo quản trứng tốt nhất, cách nhận biết trứng đã hỏng và trứng còn sử dụng được cũng như là các cách sử dụng trứng đã cũ.
Trứng rất khó hỏng nếu được xử lý và bảo quản đúng cách
Ở một số quốc gia như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Thụy Điển và Hà Lan, trứng phải được bảo quản lạnh.
Lý do là bởi trứng ở những quốc gia này được rửa sạch và khử trùng ngay sau khi được đẻ ra nhằm mục đích ngăn ngừa nhiễm vi khuẩn Salmonella, một loại vi khuẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm và thường có trong các sản phẩm từ gia cầm.
Mặc dù giúp tiêu diệt vi khuẩn nhưng việc rửa trứng sẽ làm hỏng lớp màng bảo vệ tự nhiên của vỏ trứng. Điều này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập qua vỏ trứng dễ dàng hơn và làm cho trứng bị nhiễm khuẩn.
Sự hiện diện của vi khuẩn bên trong quả trứng là nguyên nhân khiến cho trứng bị hỏng.
Tuy nhiên, bảo quản trứng ở nhiệt độ thấp (dưới 40 độ F hoặc 4 độ C) sẽ làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và giúp ngăn vi khuẩn xâm nhập vào trong trứng.
Trên thực tế, bảo quản trong tủ lạnh là một phương pháp rất hiệu quả để kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn. Ngoài ra, nhờ có sự bảo vệ của lớp vỏ cùng các enzyme nên trứng để trong tủ lạnh hiếm khi bị hỏng, miễn là được xử lý và bảo quản đúng cách.
Nhưng chất lượng trứng sẽ giảm dần theo thời gian. Túi khí trong trứng sẽ ngày càng lớn, lòng đỏ và lòng trắng ngày càng lỏng và giảm độ đàn hồi. Cuối cùng, mặc dù trứng không hỏng nhưng sẽ bị khô.
Do đó, trứng vẫn hoàn toàn có thể ăn được dù để trong tủ lạnh một thời gian dài.
Tuy nhiên, trứng không để được mãi và đến một lúc nào đó, bạn vẫn sẽ phải vứt những quả trứng đã mua từ quá lâu.
Tóm tắt: Trứng rất lâu hỏng nếu được xử lý đúng cách sau khi được đẻ ra và bảo quản trong tủ lạnh. Tuy nhiên, chất lượng của trứng sẽ giảm dần theo thời gian và đến lúc nào đó vẫn sẽ phải vứt đi.
Trứng để được trong bao lâu?
Nếu trứng được xử lý, vận chuyển và bảo quản đúng cách thì có thể để được trong nhiều tuần trong tủ lạnh và thậm chí còn lâu hơn nếu để trong ngăn đông. (1)
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) khuyến nghị nên bảo quản trứng ở nhiệt độ dưới 7 độ C (45 độ F) từ sau khi trứng được rửa, nhưng điều quan trọng là trứng phải được xử lý và bảo quản đúng cách sau khi mua về.
Sau khi mua, nên nhanh chóng cho trứng vào tủ lạnh để ngăn chặn sự tích tụ hơi nước. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn di chuyển qua vỏ trứng.
Tốt nhất nên cho trứng vào bên trong hộp kín và để ở phía bên trong tủ lạnh. Bằng cách này, trứng sẽ không hút mùi của những loại thực phẩm khác và không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ mỗi khi đóng mở cửa tủ lạnh.
Nếu có thể thì nên sử dụng nhiệt kế để kiểm tra nhiệt độ tủ lạnh có đang ở mức lý tưởng hay không (dưới 4 độ C hoặc 40 độ F).
Bảng dưới đây là “hạn sử dụng” của trứng. (2)
Nhiệt độ phòng | Ngăn mát | Ngăn đá | |
Trứng tươi nguyên vỏ | 1 – 3 tuần, nhưng ở Mỹ, Nhật Bản, Úc, Thụy Điển hoặc Hà Lan thì trứng chỉ để được dưới 2 tiếng ở nhiệt độ phòng | 4 – 5 tuần | Không khuyến khích |
Lòng đỏ trứng sống | Dưới 2 tiếng | 2 – 4 ngày | Trong vòng 1 năm để có chất lượng tốt nhất |
Lòng trắng trứng sống | Dưới 2 tiếng | 2 – 4 ngày | Trong vòng 1 năm để có chất lượng tốt nhất |
Trứng đã luộc kĩ | Dưới 2 tiếng | 1 tuần | Không khuyến khích |
Khi để quá khoảng thời gian này, trứng có thể bị hỏng hoặc chất lượng (mùi vị và kết cấu) trở nên rất kém và không thể ăn được nữa.
Không nên cấp đông trứng còn nguyên vỏ. Nếu muốn bảo quản trong thời gian trên 4 – 5 tuần thì nên đập trứng vào hộp kín, cho vào ngăn đá tủ lạnh và có thể để được trong vòng một năm hoặc lâu hơn.
Trứng có thể để được trong ngăn đá tủ lạnh vô thời hạn nhưng chất lượng của trứng sẽ bắt đầu giảm sau một thời gian nhất định. Ngoài ra, cần đảm bảo ngăn đá có nhiệt độ dưới -18 độ C (0 độ F). (2)
Khi cần sử dụng, hãy chuyển hộp đựng trứng vào ngăn mát để rã đông và dùng trong vòng một tuần.
Ở những quốc gia mà gà mái được tiêm vắc-xin phòng vi khuẩn Salmonella và trứng không được rửa sạch và bảo quản lạnh thì trứng có thể để được ở nhiệt độ phòng trong 1 – 3 tuần.
Tuy nhiên, sau khoảng 1 tuần ở nhiệt độ phòng, chất lượng của trứng sẽ bắt đầu giảm. Và sau khoảng 21 ngày, khả năng tự bảo vệ của trứng sẽ mất hiệu quả. (3)
Sau thời gian này nên đưa trứng vào ngăn mát hoặc ngăn đông của tủ lạnh để kéo dài hạn sử dụng, nhưng trứng sẽ không giữ được lâu như trứng được cho vào tủ lạnh ngay từ khi mua.
Ở những quốc gia mà trứng được rửa và bảo quản lạnh thì không nên để trứng ở nhiệt độ phòng.
Đọc bài viết này để tìm hiểu về lý do tại sao trứng phải được bảo quản lạnh ở một số nước trong khi những nước khác lại không bắt buộc điều này.
Tóm tắt: Trứng tươi có thể để được 3 – 5 tuần trong ngăn mát tủ lạnh và khoảng một năm trong ngăn đá. Bảo quản trứng trong hộp kín và để cách xa cửa tủ lạnh để giữ trứng có chất lượng tốt được lâu nhất.
Làm sao để biết trứng đã hỏng hay vẫn dùng được?
Nếu như bạn không nhớ rõ mình đã mua trứng từ khi nào và để trong tủ lạnh được bao lâu thì có một số cách để kiểm tra xem trứng có còn ăn được hay không.
Nếu là trứng mua trong siêu thị thì cách tốt nhất để kiểm tra là xem hạn sử dụng ghi trên hộp đựng. Miễn là chưa đến ngày hết hạn thì trứng vẫn có thể dùng được.
Ngoài ra cũng có thể dựa vào ngày sản xuất. Nếu chưa quá 30 ngày kể từ ngày sản xuất thì thường chất lượng trứng vẫn còn tốt.
Nếu được xử lý và bảo quản đúng cách thì trứng vẫn có thể dùng được dù đã quá hạn được vài ngày.
Đối với trứng mua ngoài chợ và không có thông tin về hạn sử dụng hay ngày sản xuất thì cách để kiểm tra xem trứng đã hỏng hay chưa là ngửi mùi và quan sát màu sắc.
Các cách kiểm tra khác, chẳng hạn như soi đèn hoặc thả vào nước, sẽ chỉ giúp bạn biết được một quả trứng còn tươi hay đã cũ chứ không phát hiện được trứng hỏng.
Trước khi ngửi thử, hãy kiểm tra xem vỏ trứng có vết nứt, nhớt hoặc có lớp phấn bên ngoài hay không. Nếu có thì tốt nhất nên vứt quả trứng đó đi. Nếu không có những dấu hiệu này thì hãy đập trứng lên một chiếc đĩa trắng, sạch và kiểm tra xem màu sắc hay mùi của trứng có gì bất thường hay không.
Trứng đã hỏng sẽ có mùi khó chịu đặc trưng. Nếu màu sắc, độ đặc của trứng vẫn bình thường và không có mùi lạ thì có thể yên tâm sử dụng.
Tuy nhiên, một điều quan trọng cần lưu ý là trứng bị nhiễm vi khuẩn Salmonella có thể vẫn có màu sắc, kết cấu và mùi hoàn toàn bình thường nhưng ăn vào lại có thể ngộ độc.
Do đó, cần nấu chín trứng để tiêu diệt hết vi khuẩn và tránh bị ngộ độc thực phẩm.
Tóm tắt: Một cách để kiểm tra trứng còn dùng được hay không là xem hạn sử dụng. Cách này chỉ áp dụng được với trứng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Đối với trứng mua ở chợ thì có thể ngửi mùi và quan sát màu sắc để kiểm tra chất lượng trứng. Đập trứng lên một chiếc đĩa trắng, sạch. Nếu trứng có màu sắc và mùi bình thường thì có thể sử dụng.
Cách sử dụng trứng đã cũ
Nếu trứng không còn tươi nhưng vẫn chưa bị hỏng thì có một số cách để sử dụng trứng một cách an toàn. Tuy nhiên, một số món ăn bắt buộc phải sử dụng trứng tươi.
Cách tốt nhất để chế biến trứng đã cũ là luộc trứng. Sau một thời gian, túi khí của trứng to lên và nhờ đó nên sẽ dễ bóc vỏ hơn. Trứng cũ còn có thể được dùng làm các món khác như salad trứng, trứng bác, trứng rán hoặc đánh trứng cùng các nguyên liệu khác và rán…
Tuy nhiên, nếu muốn ăn trứng ốp la và trứng chần lòng đào thì tốt nhất nên sử dụng trứng tươi.
Trứng để trong tủ lạnh càng lâu thì lòng đỏ và lòng trắng sẽ càng bị loãng. Do đó mà khi dùng trứng cũ, trứng ốp la sẽ không có độ chắc, đập vào chảo thường bị lan rộng và quả trứng chần sẽ không được gọn trong khi lòng đỏ không có độ sánh như mong muốn.
Khi dùng trong làm bánh, trứng cũ có thể làm giảm độ nở của một số loại bánh như bánh chiffon. Nhưng đối với các loại bánh nở nhờ bột nở (baking powder) hay muối nở (baking soda) chứ không nở nhờ trứng như bánh buttercake hay bánh quy thì vẫn có thể dùng trứng cũ.
Mặc dù vậy nhưng trứng cũ có thể được sử dụng cho hầu hết các món ăn, chỉ có điều hương vị sẽ không được ngon như khi dùng trứng mới. Nếu bạn không nhớ trứng đã để trong tủ lạnh được bao lâu thì hãy đập ra và ngửi thử.
Tóm tắt: Trứng luộc sẽ dễ bóc hơn nếu dùng trứng cũ. Trứng không còn tươi cũng có thể dùng làm trứng bác, trứng rán và một số loại bánh. Nếu cần làm trứng ốp la, trứng chần hay các loại bánh nở nhờ trứng thì tốt nhất là dùng trứng mới.
Tóm tắt bài viết
Nếu được bảo quản đúng cách, trứng có thể để được ít nhất 3 – 5 tuần trong ngăn mát tủ lạnh và khoảng một năm trong ngăn đông. Tuy nhiên, càng để lâu thì chất lượng trứng sẽ càng giảm, kém đàn hồi và lỏng ra.
Mặc dù vậy nhưng trứng cũ vẫn có thể sử dụng được cho nhiều món ăn như trứng luộc, trứng rán, salad trứng và các món bánh sử dụng men nở, bột nở hay muối nở. Mặc khác, một số món ăn nên dùng trứng tươi, chẳng hạn như bánh chiffon, trứng ốp la và trứng chần.
Nếu không nhớ trứng đã để trong tủ lạnh được bao lâu thì hãy đập trứng ra đĩa sạch và kiểm tra xem trứng có mùi và màu sắc bình thường hay không trước khi sử dụng.