Trường hợp chống chỉ định tiêm vacxin và tạm hoãn tiêm chủng

Để hạn chế tới mức thấp nhất những tai biến có thể gặp phải, việc nắm rõ các đối tượng chống chỉ định tiêm vacxin hoặc tạm hoãn tiêm là rất cần thiết với mỗi người. Cùng Thu Cúc TCI tham khảo bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về vấn đề này nhé.

Bạn đang đọc: Trường hợp chống chỉ định tiêm vacxin và tạm hoãn tiêm chủng

1. Tiêm chủng đóng vai trò quan trọng để bảo vệ sức khỏe

Tiêm chủng là hoạt động giúp con người phòng tránh được những bệnh lý nguy hiểm và giảm thiểu tối đa nguy cơ tử vong. Việc tiêm phòng vắc xin nên được thực hiện càng sớm càng tốt, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em trong 2 năm đầu đời.

Khi không được tiêm vắc xin hoặc tiêm nhưng không đủ liều, tiêm muộn sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ cao mắc phải nhiều bệnh lý. Bởi lúc đó cơ thể chưa có kháng thể để bảo vệ bản thân. Đã có không ít trường hợp tại những khu vực có tỷ lệ tiêm vắc xin thấp xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng như viêm não Nhật Bản, ho gà, bạch hầu, sởi… và cướp đi sinh mạng của nhiều người, nhất là trẻ em. Điều này càng cho thấy được tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh. Việc không được tiêm phòng hoặc tiêm không đủ, đúng lịch thì nguy cơ mắc dịch bệnh rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe mỗi cá nhân và cộng đồng.

Chính vì vậy, bạn cần ý thức được vai trò quan trọng của việc tiêm chủng và chủ động đi tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch các loại vắc xin theo khuyến cáo. Hãy coi việc tiêm phòng vắc xin không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm để chung tay bảo vệ sức khỏe cho toàn xã hội.

Tuy mang lại nhiều lợi ích, nhưng bạn cũng cần nắm được bản thân hoặc con em mình thuộc nhóm đối tượng nào (có phù hợp để tiêm vắc xin hay cần tạm hoãn tiêm không) nhằm phòng tránh biến chứng không mong muốn có thể gặp phải.

Trường hợp chống chỉ định tiêm vacxin và tạm hoãn tiêm chủng

Tiêm phòng đóng vai trò quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe

2. Đối tượng chống chỉ định tiêm vacxin và tạm hoãn tiêm theo quy định

Trong quy định hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em được Bộ Y tế ban hành theo quyết định 2470/QĐ – BYT vào ngày 14 – 6 – 2019, các trường hợp sau thuộc nhóm chống chỉ định và tạm hoãn tiêm đó là:

2.1. Đối tượng cần chống chỉ định tiêm vacxin

– Trẻ em có tiền sử bị sốc hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vắc xin lần trước (có cùng thành phần), sốt cao hơn 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái và khó thở.

– Nữ giới có thai không nên tiêm vắc xin virus sống giảm độc lực.

– Người có tiền sử phản ứng, dị ứng nặng sau khi tiêm 1 liều vắc xin trước đó.

– Những người bị suy giảm hệ miễn dịch (như bệnh HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh) chống chỉ định tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực. Không tiêm vắc xin phòng bệnh Lao cho trẻ em sinh bởi người mẹ bị nhiễm HIV mà mẹ không được tiến hành điều trị dự phòng tốt dẫn tới lây truyền từ mẹ sang con.

– Người đang có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy thận, suy tim, suy gan,…).

– Những trường hợp chống chỉ định tiêm chủng khác theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất với từng loại vacxin.

Tìm hiểu thêm: Giá vắc xin ngừa cúm cho trẻ em

Trường hợp chống chỉ định tiêm vacxin và tạm hoãn tiêm chủng

Phụ nữ có thai cần chú ý không tiêm các loại vắc xin sống giảm độc lực

2.2. Đối tượng cần phải tạm hoãn tiêm vacxin

Để đảm bảo an toàn sau khi tiêm vacxin phòng bệnh thì cần tạm hoãn tiêm trong một số trường hợp như sau:

Với các cơ sở tiêm chủng ở ngoài bệnh viện

– Trẻ gặp tình trạng suy chức năng tại các cơ quan (như suy hô hấp, suy tim, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan, hôn mê…). Chỉ thực hiện tiêm chủng trở lại khi sức khỏe của trẻ đã ổn định.

– Trẻ bị các bệnh cấp tính hoặc bệnh nhiễm trùng. Chỉ thực hiện tiêm chủng khi sức khỏe của đã trẻ ổn định.

– Người sốt ở mức 37,5 độ C hoặc cao hơn.

– Người bị hạ thân nhiệt xuống mức 35,5 độ C hoặc thấp hơn.

– Bé mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) sẽ cần phải tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.

– Bé đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (tương đương prednison lớn hơn hoặc bằng 2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày cũng thuộc nhóm tạm hoãn tiêm chủng vacxin sống giảm độc lực.

– Bé có cân nặng dưới 2000g sẽ cần chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

– Người có tiền sử gặp các phản ứng tăng dần sau những lần tiêm chủng trước của cùng loại vắc xin (ví dụ: lần đầu không sốt, lần sau sốt cao trên 39°C…) sẽ cần chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

– Mắc các bệnh lý bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở phổi, tim, hệ tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định sẽ cần chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.

– Những trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất với từng loại vacxin.

Với các cơ sở tiêm chủng ở tại bệnh viện

– Người có tình trạng bị suy chức năng tại các cơ quan (như suy hô hấp, suy tim, suy tuần hoàn, suy thận, suy gan, hôn mê…). Chỉ thực hiện tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

– Trẻ bị các bệnh cấp tính, bệnh nhiễm trùng. Chỉ thực hiện tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.

– Trẻ sốt ở mức 38 độ C hoặc cao hơn.

– Trẻ bị hạ thân nhiệt xuống mức 35,5 độ C hoặc thấp hơn.

– Trẻ mới sử dụng những sản phẩm globulin miễn dịch trong khoảng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) sẽ cần tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.

– Trẻ đang/mới kết thúc đợt điều trị corticoid liều cao (tương đương prednison lớn hơn hoặc bằng 2mg/kg/ngày), hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày sẽ cần tạm hoãn tiêm chủng vắc xin sống giảm độc lực.

– Trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc mạn tính kèm tăng áp lực động mạch phổi (lớn hơn hoặc bằng 40mmHg).

– Những trường hợp cần tạm hoãn tiêm chủng khác theo sự hướng dẫn của nhà sản xuất đối với mỗi loại vắc xin.

Ngoài ra, với trẻ tham gia tiêm chủng, bác sĩ khuyến cáo cơ sở tiêm chủng và gia đình cần thực hiện đúng hướng dẫn về khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi cũng như chăm sóc trẻ sau tiêm.

Trường hợp chống chỉ định tiêm vacxin và tạm hoãn tiêm chủng

>>>>>Xem thêm: Giải đáp về vấn đề tiêm phòng HPV khi đang cho con bú

Nếu trẻ sốt ở mức 38 độ C trở lên thì cần tạm hoãn tiêm chủng

3. Một số lưu ý khi tiêm chủng mà bạn cần nắm rõ

– Một số trường hợp vẫn nên tiêm chủng nếu lợi ích bảo vệ của vắc xin lớn hơn nhiều so với nguy cơ gặp phản ứng sau tiêm.

– Các trường hợp bệnh cấp tính, nặng hoặc vừa, có hoặc không sốt cũng cần phải thận trọng khi tiêm tất cả các loại vắc xin.

– Không nên trì hoãn tiêm chủng vì bệnh đường hô hấp nhẹ/bệnh cấp tính nhẹ/không có sốt, mà chỉ trì hoãn tiêm chủng khi gặp các biểu hiện bệnh cấp tính nặng và vừa. Trẻ cần được tiêm càng sớm càng tốt sau khi những biểu hiện này biến mất.

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về những đối tượng chống chỉ định tiêm vacxin và tạm hoãn tiêm để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân và con em mình. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, hãy liên hệ ngay tới Thu Cúc TCI để được hỗ trợ sớm nhất nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *