Panadol là loại thuốc quen thuộc thường có trong tủ thuốc của nhiều gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết hết tác dụng và cách sử dụng của nó. Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu rõ hơn về thuốc Panadol qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tư vấn cách sử dụng thuốc Panadol an toàn, hiệu quả
1. Thuốc Panadol có những loại nào, định lượng ra sao?
Panadol là một loại thuốc giảm đau có thành phần chính là paracetamol (acetaminophen). Đây là hoạt chất được sử dụng để giúp giảm đau và hạ sốt. Thuốc được dùng như một loại thuốc kê đơn và không kê đơn, an toàn cho hầu hết mọi người khi tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng. Tuy nhiên, Panadol vẫn có thể gây nên tác dụng phụ nghiêm trọng (nếu sử dụng quá liều).
Hiện nay, Panadol có một số dạng với hàm lượng phổ biến gồm:
1.1. Thuốc Panadol xanh
Đây là loại Panadol tiêu chuẩn, được sản xuất dưới dạng viên nén, có bao bì màu xanh dương. Mỗi viên chứa định lượng 500 mg paracetamol. Panadol xanh được dùng nhằm giảm đau mức độ nhẹ đến vừa và có tác dụng hạ sốt.
1.2. Thuốc Panadol đỏ (Panadol extra)
Panadol đỏ cũng là loại thuốc dạng viên nén. Thuốc có bao bì màu đỏ với thành phần chứa 500 mg paracetamol và 65 mg caffeine. Paracetamol có công dụng giúp làm giảm đau và hạ sốt. Caffeine giúp tăng cường hiệu quả giảm đau của paracetamol cũng như làm cho người bệnh tỉnh táo hơn khi mệt mỏi.
Thuốc Panadol đỏ được bào chế dạng viên nén
1.3. Thuốc Panadol sủi
Panadol sủi chứa định lượng 500 mg paracetamol/viên. Thuốc được hòa tan trong nước. Điều này giúp cho thuốc hoạt động nhanh hơn sau khi người bệnh sử dụng. Panadol sủi cũng được dùng nhằm làm giảm đau từ mức độ nhẹ đến vừa và hạ sốt.
2. Nắm rõ các chỉ định, chống chỉ định sử dụng Panadol
Tương tự như những loại thuốc khác, Panadol có những chỉ định và chống chỉ định riêng, cụ thể:
2.1. Chỉ định
Panadol có thể được sử dụng trong các trường hợp như:
– Đau đầu, gồm đau đầu do căng thẳng và đau nửa đầu cũng như các trường hợp đau đầu khác.
– Người bị đau cơ bắp hoặc khớp có thể sử dụng Panadol. Loại thuốc này cũng có thể giúp làm giảm các cơn đau ở vị trí khác trên cơ thể như lưng, cổ, vai, đau sau khi tập thể thao hoặc chấn thương nhẹ.
– Đau sau phẫu thuật.
– Đau răng.
– Nữ giới đau bụng khi tới kỳ kinh.
– Hạ sốt.
2. Chống chỉ định
Trường hợp chống chỉ định/ chống chỉ định một phần đối với thuốc Panadol gồm:
– Người quá mẫn cảm với paracetamol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
– Người có bệnh lý về gan chống chỉ định sử dụng Panadol hoặc chỉ được dùng theo chỉ định từ bác sĩ. Bởi nếu sử dụng paracetamol có trong thuốc với liều lượng lớn hoặc dùng trong thời gian dài có thể làm tổn thương gan.
– Người nghiện rượu, bia và đồ uống có cồn không nên dùng paracetamol.
Tìm hiểu thêm: Lưu ý gì khi sử dụng thuốc Pregabalin?
Hãy nắm rõ các trường hợp chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
3. Cách sử dụng và liều dùng của Panadol
Để thuốc Panadol có thể phát huy tối đa công dụng và tránh gây tác dụng phụ, người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng khi uống. Người lớn và trẻ em sẽ có những liều sử dụng khác nhau:
3.1. Liều dùng cho từng đối tượng
Đối với người lớn:
Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên có thể uống 1 – 2 viên Panadol mỗi 4 – 6 giờ. Nếu dùng cùng lúc 2 viên Panadol thì nên đợi từ 6 – 8 tiếng mới uống liều tiếp theo. Lưu ý không nên uống quá 8 viên Panadol trong vòng 24h để tránh tình trạng bị ngộ độc paracetamol.
Đối với trẻ em:
Liều dùng Panadol cho trẻ phụ thuộc vào trọng lượng và tuổi của trẻ. Thông thường, trẻ chỉ được uống 10 – 15 mg paracetamol/kg/lần. Do đó, trẻ từ 10 – 12 tuổi chỉ được dùng 1 viên/lần, không quá 4 lần trong 24h.
Lưu ý, phụ huynh không nên cho trẻ dùng Panadol đỏ chứa caffeine. Trẻ em dưới 10 tuổi thường không đạt số cân nặng quy định nên chưa được dùng thuốc này, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn.
3.2. Cách sử dụng Panadol
Thuốc Panadol dạng viên nén thường được uống trực tiếp với nước. Nên chọn nước lọc thay cho các loại nước ép hoa quả hoặc nước trà và chú ý nuốt cả viên nén, không nghiền, bẻ đôi viên thuốc hoặc nhai.
Với Panadol dạng viên sủi, hãy cho thuốc vào ly nước (khoảng 200 – 300ml) và chờ cho tới khi viên sủi hoàn toàn tan trong nước. Khi thuốc đã tan hết, người bệnh cần uống ngay. Lưu ý, dù bạn đang dùng Panadol dạng viên nén hay sủi thì cũng cần uống sau khi ăn để giảm nguy cơ bị kích ứng dạ dày.
3.3. Quên liều Panadol có sao không?
Nếu bạn quên một liều Panadol thì sẽ không có tác dụng phụ nào xảy ra. Tuy nhiên, thuốc không còn hiệu quả giảm đau sau 4 – 6h. Vì vậy, nếu bạn đang điều trị theo phác đồ hay cần giảm đau, hãy dùng Panadol ngay khi vừa nhớ ra. Trong trường hợp thời điểm dùng liều tiếp theo gần kề thì hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch trình sử dụng thuốc như bình thường. Bạn không nên dùng liều kép để bù vào liều thuốc đã quên.
4. Một số lưu ý khi sử dụng Panadol cần biết
– Người mắc bệnh gan nên thận trọng khi dùng thuốc Panadol.
– Không sử dụng Panadol cùng với các loại thuốc khác chứa paracetamol nhằm tránh nguy cơ sử dụng quá liều.
– Người uống nhiều rượu nên thận trọng khi dùng Panadol. Bởi rượu có thể khiến gia tăng nguy cơ bị tổn thương gan do paracetamol.
– Với Panadol dạng viên sủi, bạn cần đợi thuốc tan hết trong nước rồi mới sử dụng.
– Nếu bạn cần uống Panadol trong một thời gian dài, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn chính xác về liều dùng và cách sử dụng phù hợp.
– Không sử dụng thuốc nếu không có triệu chứng sốt hoặc bị đau nhức.
– Hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn muốn kết hợp Panadol với những loại thuốc khác.
– Với người lớn, nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ, không được sử dụng Panadol quá 10 ngày liên tục. Trẻ em chỉ nên dùng thuốc tối đa trong 5 ngày, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.
>>>>>Xem thêm: Bạn đã biết về thuốc chống nghén Pruzena?
Bạn không được sử dụng Panadol quá 10 ngày liên tục
Việc sử dụng thuốc Panadol đúng cách có thể giúp giảm bớt những cơn đau đầu và hạ sốt. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên bị đau hoặc cơn đau ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện dày đặc thì không nên chủ quan. Đau đầu có thể là dấu hiệu cảnh bảo bệnh đột quỵ, u màng não… Lúc này, hãy đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.