Tăng nhãn áp (glocom) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên mù lòa ở nước ta cũng như trên thế giới. Vì tình trạng mất thị lực do tăng nhãn áp là không thể phục hồi nên điều quan trọng là bạn phải thực hiện các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh sớm. Vậy tăng nhãn áp phòng ngừa sao cho hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về tăng nhãn áp cũng như các cách giúp ngăn ngừa bệnh qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tư vấn: Tăng nhãn áp phòng ngừa sao cho hiệu quả
1. Khái quát về bệnh tăng nhãn áp
Tăng nhãn áp là tình trạng áp lực thủy dịch ở trong nhãn cầu cao hơn so với mức bình thường. Nhãn áp đóng vai trò giữ cho nhãn cầu có hình dạng nhất định để đảm bảo chức năng quang học của mắt. Do đó, tăng nhãn áp gây ảnh hưởng lớn tới cấu trúc cũng như chức năng của mắt.
Bệnh tăng nhãn áp còn có nhiều tên gọi khác như glocom, cườm nước hoặc thiên đầu thống. Trong đó, glocom là tên gọi được nhiều người biết đến nhất hiện nay. Căn bệnh này có thể được bắt gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào. Tuy nhiên, tuổi tác càng cao thì tỷ lệ mắc bệnh glocom cũng sẽ gia tăng theo, đặc biệt là từ 70 đến 80 tuổi. Bệnh cũng thường xảy ra với người dễ xúc động, tỷ lệ mắc ở nữ giới cao hơn so với nam giới.
Bệnh tăng nhãn áp có thể xảy ra với mọi lứa tuổi
2. Nguyên nhân và triệu chứng gây nên tăng nhãn áp
2.1. Nguyên nhân gây bệnh
Tăng nhãn áp là một bệnh lý nhãn khoa được gây nên bởi nhiều nguyên nhân. Những nguyên nhân này tương ứng với các phân loại bệnh đó là:
– Tăng nhãn áp bẩm sinh và tăng nhãn áp góc mở: 2 loại bệnh này thường xảy ra do gen di truyền và có tính chất gia đình.
– Tăng nhãn áp góc đóng: Nguyên nhân bởi đường thoát bị tắc nghẽn nên thủy dịch ứ lại nhiều bên trong nhãn cầu gây nên tình trạng tăng nhãn áp. Đây cũng là thể bệnh thường hay gặp nhất ở nước ta.
– Tăng nhãn áp thứ phát: Nguyên nhân của loại bệnh này không phải từ các bất thường của mắt mà là bệnh lý xuất phát từ cơ quan khác (như đái tháo đường hoặc tăng huyết áp). Đôi khi bệnh có thể do việc dùng thuốc có chứa corticoid dài ngày, chấn thương, bị viêm nhiễm mắt, đục thủy tinh thể nặng và to ra…
2.2. Triệu chứng của bệnh
Tăng nhãn áp góc mở
Đây là loại tăng nhãn áp mạn tính. Thông thường, bệnh sẽ không có biểu hiện gì rõ rệt cho tới khi thị lực giảm đi mới được phát hiện. Nếu để ý kĩ thì có thể nhận thấy được một số triệu chứng như: các cơn nhức đầu nhẹ khi nhìn vật ở gần một thời gian, viễn thị hoặc quáng gà.
Tăng nhãn áp góc đóng
Đối với bệnh tăng nhãn áp góc đóng thì thường có 3 thể đó là: cấp diễn, bán cấp, mạn tính. Trong đó thể cấp diễn là điển hình nhất.
Có thể phân biệt 3 thể này qua các triệu chứng như sau:
– Thể cấp diễn: Người bệnh đột ngột đau mắt dữ dội, cơn đau nhức lan lên tới nửa đầu cùng bên mắt, nhìn mờ, nhìn đèn có quầng xanh đỏ có thể kèm theo hiện tượng nôn mửa.
– Thể bán cấp: Đối với thể bệnh này sẽ có nhiều đợt bệnh tương ứng với các triệu chứng của đợt cấp diễn nhưng không dữ dội bằng. Các cơn đau này thường chỉ kéo dài trong vài giờ rồi biến mất.
– Thể mạn tính: Diễn ra âm thầm, chỉ xuất hiện dấu hiệu nhìn mờ dần.
Tăng nhãn áp bẩm sinh
Tăng nhãn áp bẩm sinh thường hiếm gặp ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ mới sinh mắc bệnh là khoảng 1/25000 và gặp nhiều hơn với bé trai. Bệnh thường được chẩn đoán trong năm đầu tiên của trẻ.
Thể bệnh này được phát hiện sớm nhờ các triệu chứng như trẻ chớp mắt nhiều bất thường, sợ ánh sáng và thường xuyên bị chảy nước mắt.
Tăng nhãn áp thứ phát
Tăng nhãn áp thứ phát thường diễn tiến một cách âm thầm nhưng cũng có thể có thể xuất hiện các đợt cấp tính như những triệu chứng nêu trên. Ở những bệnh nhân này thường kèm theo triệu chứng của bệnh nền dẫn đến tăng nhãn áp thứ phát.
Tìm hiểu thêm: Hướng dẫn chăm sóc trẻ em bị đau mắt đỏ mùa mưa lũ
Tùy vào từng thể bệnh tăng nhãn áp mà sẽ có một số triệu chứng khác nhau
3. Một số biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng nhãn áp
Bệnh tăng nhãn áp nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới mất thị lực vĩnh viễn hoặc mù lòa. Nguyên nhân là bởi tình trạng nhãn áp cao kéo dài sẽ làm rạn nứt và ngấm nước vào thủy tinh thể gây đục thủy tinh thể và không hồi phục được.
Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ không có thuốc điều trị hoặc can thiệp phẫu thuật nào có thể giúp phục hồi lại được các tổn thương mà bệnh tăng nhãn áp đã gây ra.
Tuy nhiên, nếu được tiến hành phẫu thuật thì bệnh nhân cũng có thể gặp một số biến chứng hậu phẫu như: cơn glocom ác tính, đục thể thủy tinh, nhiễm trùng nội nhãn, vỡ dò sẹo bọng, phù hoàng điểm dạng nang…
4. Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh tăng nhãn áp?
– Người có độ tuổi trên 40, nữ giới nhiều hơn nam giới.
– Trong gia đình có người bị bệnh tăng nhãn áp.
– Người sử dụng corticosteroid trong suốt thời gian dài
– Người có bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường hoặc tim mạch,…
– Người gặp các bệnh về mắt như cận thị, chấn thương mắt hoặc có tiền sử phẫu thuật mắt trước đó.
5. Bệnh tăng nhãn áp phòng ngừa như thế nào?
Không dùng quá nhiều steroid
Dùng thuốc steroid trong khoảng thời gian dài hoặc với liều lượng nhiều có thể gây nên tình trạng tăng nhãn áp. Do đó, hãy thông báo với bác sĩ nhãn khoa nếu bạn đang dùng bất kỳ loại steroid nào.
Duy trì chế độ ăn uống hợp lý
Bạn nên ăn nhiều các loại rau lá xanh, trái cây, quả mọng mỗi ngày. Đây là những loại thực phẩm sẽ chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất để giúp bảo vệ cơ thể và đôi mắt của bạn.
Tránh để mắt gặp phải chấn thương
Việc bị chấn thương mắt có thể dẫn tới bệnh tăng nhãn áp. Vì vậy, hãy luôn đeo kính bảo vệ khi chơi thể thao hoặc làm việc sửa chữa nhà cũng như ở ngoài vườn.
Ngủ đúng tư thế
Nếu bạn bị bệnh tăng nhãn áp, hãy tránh ngủ với tư thế úp mắt vào gối hoặc trên cánh tay của mình. Những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) cũng có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp. Vì vậy, việc chú ý để tư thế ngủ và các bất thường liên quan cũng rất quan trọng.
Thực hiện đi khám mắt thường xuyên
Để tầm soát sớm bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa định kỳ hàng năm để được kiểm tra mắt và đo nhãn áp. Bác sĩ có thể tìm ra bệnh ngay từ giai đoạn đầu, sau đó theo dõi và lên phác đồ điều trị phù hợp. Nếu bạn đã có chẩn đoán bệnh thì cần tiến hành dùng thuốc điều trị tăng nhãn áp đúng như lời bác sĩ và tái khám thường xuyên hơn.
>>>>>Xem thêm: Mắt bị sụp mí vì khóc và 5 cách cải thiện hiệu quả
Khám mắt định kỳ là cách giúp phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp hiệu quả
Trên đây là những thông tin cần thiết để giúp bạn biết được tăng nhãn áp phòng ngừa sao cho hiệu quả. Có thể thấy, việc khám mắt thường xuyên đóng một vai trò lớn trong phòng ngừa bệnh tăng nhãn áp. Vì vậy, chúng ta đừng quên đi kiểm tra mắt định kỳ để bảo vệ đôi mắt của mình trước khi quá muộn. Nếu còn bất kỳ vấn đề nào khác cần được giải đáp, bạn hãy liên hệ ngay tới Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI để được hỗ trợ kịp thời nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.