Tuyến giáp đa nhân và những kiến thức cần biết

Tuyến giáp đa nhân hầu hết là lành tính, tuy nhiên vẫn tồn tại nguy cơ dẫn đến ung thư tuyến giáp. Hiểu về bệnh lý này giúp bạn sớm phát hiện triệu chứng và có hướng điều trị phù hợp, đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Bạn đang đọc: Tuyến giáp đa nhân và những kiến thức cần biết

1. Tuyến giáp đa nhân là tình trạng như thế nào?

Tuyến giáp đa nhân (bướu giáp đa nhân) hay u nang tuyến giáp đa nhân là tình trạng xuất hiện nhiều nốt (nhân) bên trong tuyến giáp. Các nhân này thường có kích thước từ 0,5mm đến vài cm, dạng đặc hoặc chứa dịch.

Bướu giáp đa nhân được chia thành 2 loại:

– Bướu giáp đa nhân không độc: nhân giáp phát triển tại thùy tuyến giáp chỉ làm thay đổi cấu trúc tuyến giáp nhưng không gây rối loạn sản xuất hormone.

– Bướu giáp đa nhân độc: nhân giáp làm tăng tiết hormone mà cơ thể không thể kiểm soát.

Bệnh thường gặp nhiều hơn ở nữ giới độ tuổi > 50. Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp đa nhân đến nay chưa được xác định rõ ràng. Bướu giáp đa nhân có thể phát triển từ bướu giáp đơn thuần hoặc bướu giáp lan tỏa. Nguy cơ xuất hiện tuyến giáp đa nhân cũng liên quan đến bệnh viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh có thể kể đến: chế độ ăn thiếu i-ốt, phụ nữ lớn tuổi, tiền sử gia đình có người mắc bệnh, môi trường sống.

2. Bệnh tuyến giáp đa nhân có đáng lo ngại?

Hầu hết các trường hợp tuyến giáp đa nhân đều là lành tính, do đó người bệnh không cần quá lo lắng. Tuy nhiên cũng không nên chủ quan bởi bướu giáp kích thước lớn vẫn gây những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe:

– Bướu giáp to chèn ép lên khí quản gây khó thở, nuốt khó, nuốt nghẹn, cơ thể mệt mỏi.

– U giáp lớn thòng xuống gây vướng víu vùng cổ, mất thẩm mỹ, khiến người bệnh cảm không tự tin khi giao tiếp.

– Bướu giáp cũng có thể chèn ép lên tĩnh mạch chủ gây phù vùng mặt – cổ, lồng ngực căng phồng.

3. Dấu hiệu nhận biết bệnh tuyến giáp đa nhân

Ở giai đoạn đầu, bướu giáp đa nhân thường không gây triệu chứng. Người bệnh khó nhận thấy thay đổi bằng mắt thường và chỉ được phát hiện qua siêu âm khi người bệnh đi khám sức khỏe định kỳ. Khi khối u tăng sinh đến một kích thước nhất định, nó có thể được thể hiện rõ là một khối u (bướu) phía trước cổ.

Tuyến giáp đa nhân và những kiến thức cần biết

Da bị khô, tróc vảy là một trong những dấu hiệu .bệnh tuyến giáp đa nhân.

Tuyến giáp đa nhân có thể mang triệu chứng của bệnh cường giáp hoặc suy giáp. Trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mức gây cường giáp, người bệnh có thể bị sút cân đột ngột, thường xuyên có cảm giác đánh trống ngực, run tay chân, sợ nóng, rối loạn giấc ngủ, thần kinh căng thẳng, dễ lo âu… Tuyến giáp hoạt động kém gây suy giáp có thể liên quan đến các vấn đề như: tăng cân khó kiểm soát, da khô, không chịu được lạnh, chuột rút, táo bón…

Các nhân tuyến giáp kích thước lớn có thể gây khó thở, khó nuốt, khàn giọng. Hầu hết bướu giáp đa nhân không gây đau.

4. Bệnh được chẩn đoán như thế nào?

4.1 Khám lâm sàng

Sau khi khai thác tiền sử bệnh và yếu tố gia đình, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám vùng cổ người bệnh để đánh giá ban đầu kích thước và hình dạng bướu giáp.

Tuyến giáp đa nhân và những kiến thức cần biết

Cổ to bất thường là dấu hiệu khẳng định bạn đang mắc bệnh lý về tuyến giáp.

4.2 Chẩn đoán tuyến giáp đa nhân bằng xét nghiệm

Xét nghiệm máu xác định nồng độ hormone tuyến giáp FT3, FT4, hormone kích thích tuyến giáp (TSH), kháng thể tuyến giáp (Anti TPO) giúp bác sĩ đánh giá tình trạng hoạt động của tuyến giáp nhằm chỉ định phương án điều trị phù hợp. Từ kết quả xét nghiệm, người bệnh có thể được yêu cầu thực hiện thêm một số phương pháp kiểm tra khác để chẩn đoán tình trạng bệnh chính xác.

4.3 Chẩn đoán hình ảnh tuyến giáp đa nhân

Siêu âm là phương pháp được áp dụng phổ biến để kiểm tra tuyến giáp. Kỹ thuật giúp bác sĩ đánh giá được vị trí, số lượng, kích thước, hình dạng, đường viền, hồi âm, cấu tạo nang giáp.

Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân nào dẫn đến bệnh tuyến giáp gây tăng cân?

Tuyến giáp đa nhân và những kiến thức cần biết

Nhiều trường hợp phát hiện bướu giáp đa nhân sau siêu âm kiểm tra sức khỏe định kỳ.

4.4 Sinh thiết tế bào nhân giáp

Trường hợp nghi ngờ bướu giáp đa nhân có nguy cơ ác tính, bác sĩ sẽ chỉ định chọc hút bằng kim nhỏ (FNA). Thủ thuật được thực hiện dưới hướng dẫn siêu âm bằng cách đưa cây kim rất mỏng qua vùng da cổ để lấy tế bào từ một số nhân giáp và gửi đến phòng thí nghiệm. Từ kết quả mô bệnh học, bác sĩ sẽ quyết định hướng điều trị kế tiếp:

– Không chẩn đoán được tính chất khối u: Trường hợp này bác sĩ sẽ được chỉ định sinh thiết lại.

– Khối u lành tính: Phần lớn ca bệnh u tuyến giáp đa nhân cho kết quả này. Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tiếp tục theo dõi định kỳ hoặc can thiệp điều trị với các nhân giáp kích thước lớn gây nuốt khó, nuốt nghẹn, khó thở, khàn tiếng, mất thẩm mỹ.

– Khối u ác tính: Bác sĩ có thể chỉ định người bệnh phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp để loại bỏ tổn thương ung thư.

– Không xác định: Các tế bào cho kết quả bất thường nhưng không chắc chắn có phải ung thư hay không. Bác sĩ cần hội chẩn đánh giá thêm.

5. Điều trị tuyến giáp đa nhân

Căn cứ vào tình trạng bướu giáp và thể trạng của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị tối ưu. Các trường hợp tuyến giáp đa nhân lành tính, kích thước nhỏ, người bệnh có thể chưa cần điều trị, chỉ theo dõi định kỳ 6 tháng/lần.

Nếu bệnh gây triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan của cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị bằng một trong các phương pháp: thuốc kháng giáp, i-ốt phóng xạ hoặc phẫu thuật hoặc kết hợp các phương pháp để đạt hiệu quả.

5.1 Sử dụng thuốc kháng giáp

Thuốc kháng giáp có khả năng ngăn tuyến giáp sản xuất thêm hormone, làm thuyên giảm các triệu chứng do tăng tiết tuyến giáp quá nhiều gây ra. Người bệnh cần sử dụng thuốc liên tục từ 1-3 tháng để thấy được tác dụng. Sau đó, bác sĩ sẽ dựa trên mức độ đáp ứng thuốc của người bệnh để tính toán liều lượng thuốc cho đến khi dừng hẳn liệu trình.

Quá trình sử dụng thuốc kháng giáp, người bệnh cần tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý dừng thuốc để tránh các tác dụng phụ, thậm chí biến chứng nguy hiểm.

5.2 Điều trị bằng i-ốt phóng xạ

Phương pháp hoạt động dựa trên việc tiêu diệt bớt mô tuyến giáp đang hoạt động quá mạnh và làm giảm kích thước tuyến giáp. Người bệnh sẽ được uống một ly nước chứa i-ốt liều cao và được cách ly 24h tại viện để đảm bảo yêu cầu về an toàn phóng xạ. Các tế bào tuyến giáp sau khi hấp thụ i-ốt sẽ bị phá hủy.

5.3 Phương pháp đốt sóng cao tần RFA

Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu kim siêu nhỏ của máy đốt sóng cao tần tiếp cận khối u qua da. Nhiệt lượng sinh ra từ dòng điện xoay chiều tần số cao sau khi được truyền vào đầu kim sẽ làm mất nước trong tế bào khiến nhân giáp hoại tử dần và biến mất.

Kỹ thuật đang được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc TCI áp dụng thành công trong điều trị nhiều ca bệnh u nang tuyến giáp đa nhân. Người bệnh không cần mổ mở hay cắt đi một phần tuyến giáp mà vẫn đảm bảo loại sạch u, thẩm mỹ, tiết kiệm thời gian.

Tuyến giáp đa nhân và những kiến thức cần biết

>>>>>Xem thêm: Mổ u vú kiêng ăn gì để nhanh lành và không bị tái phát

Điều trị u nang tuyến giáp đa nhân tại Thu Cúc TCI.

5.4 Phẫu thuật điều trị tuyến giáp đa nhân

Phẫu thuật tuyến giáp thường được chỉ định khi người bệnh được chẩn đoán ung thư tuyến giáp hoặc khi kích thước nhân giáp quá lớn, các phương pháp khác khó có thể can thiệp hiệu quả. Tùy tình vào tình trạng khối u, bác sĩ có thể chỉ định cắt một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Phương pháp này đem đến hiệu quả loại bỏ triệt để khối u, tuy nhiên người bệnh có thể phải dùng thuốc thay thế hormone tuyến giáp suốt đời.

Tuyến giáp đa nhân là bệnh lý thường gặp, nhất là đối với phụ nữ trung niên. Bệnh không gây nguy hiểm đến tính mạng song cần được theo dõi để kịp thời can thiệp khi có các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe. Mỗi người cần chủ động thăm khám tuyến giáp định kỳ với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *